Những 'nút thắt' trong giải phóng mặt bằng ở TP Lào Cai

Theo báo cáo của Sở Kế hoạch và Đầu tư, tính đến cuối tháng 9/2023, thành phố Lào Cai mới giải ngân được 86/351 tỷ đồng, bằng 25% kế hoạch và là địa phương có tỷ lệ giải ngân thấp nhất trong 9 huyện, thị xã, thành phố. Nguyên nhân được UBND thành phố chỉ ra là công tác giải phóng mặt bằng gặp nhiều khó khăn.

Dự án Khu đô thị mới tại tổ 24A đến 26B, phường Cốc Lếu được UBND tỉnh chấp thuận cho phép đầu tư từ năm 2011 theo Quyết định số 2008 ngày 10/8/2001. Tuy nhiên, do vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng nên dự án vẫn đang bị tắc. Đến nay, dự án đã qua 5 lần điều chỉnh chủ trương đầu tư, trong đó, lần điều chỉnh gần đây nhất, dự án được gia hạn đến tháng 12/2026.

Một thời gian dài, quá trình mua bán, chuyển nhượng của các hộ không đúng trình tự, thủ tục quy định của pháp luật đã ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của các hộ, phát sinh khiếu kiện.

Tại phường Bắc Cường, dự án san gạt mặt bằng và hạ tầng kỹ thuật khu dân cư tổ 1, tổ 2 được UBND tỉnh phê duyệt từ năm 2017 (Quyết định 1828/QĐ-UBND) nhưng vẫn dậm chân tại chỗ.

Giữa đô thị sôi động, các hộ trong vùng dự án như sống trong ốc đảo với nhiều bất cập về vệ sinh môi trường, điều kiện sinh hoạt không đảm bảo. Bà Ngô Thị Ngọc, tổ 1, phường Bắc Cường cho biết, gia đình hoàn toàn chấp hành chủ trương di chuyển để phục vụ dự án, chỉ mong vị trí tái định cư đảm bảo hơn nơi ở cũ.

Trên địa bàn thành phố đang triển khai thực hiện 75 dự án, trong đó có 8 dự án khai thác khoáng sản, 30 dự án tạo quỹ đất, 15 dự án phát triển đô thị, 15 dự án rừng cảnh quan, cây xanh và dự án phát triển kinh tế - xã hội khác, 7 dự án tạo quỹ đất đấu giá quyền sử dụng đất thuộc quản lý của thành phố. Tổng diện tích đất thực hiện là 29.831,8 ha, với 5.755 hộ ảnh hưởng.

Báo cáo UBND tỉnh về tiến độ triển khai các dự án trên địa bàn, UBND thành phố đã chỉ ra hàng loạt khó khăn, vướng mắc trong giải phóng mặt bằng, trong đó có những vấn đề đã nêu nhiều lần, như khó khăn, vướng mắc liên quan đến việc trích lục hồ sơ địa chính; khó khăn về giá bồi thường và giá giao đất tái định cư; khó khăn liên quan đến bồi thường đất ở…

Theo UBND thành phố Lào Cai, liên quan đến việc trích lục hồ sơ địa chính, theo quy định tại Văn bản số 980 ngày 10/3/2023 của UBND tỉnh thì thẩm quyền trích lục bản đồ địa chính thửa đất hoặc trích đo địa chính thửa đất thuộc trách nhiệm của văn phòng đăng ký đất đai. Tuy nhiên, hiện nay còn một số khó khăn do số lượng dự án nhiều, số lượng các thửa đất cần trích lục rất lớn, thời gian cung cấp hồ sơ trích lục lâu, việc trích lục bản đồ chưa đáp ứng được yêu cầu tiến độ để UBND thành phố ban hành thông báo thu hồi đất.

Bên cạnh đó, việc đánh giá biến động đất đai là thực hiện trong quá trình thống kê, mất nhiều thời gian, kéo dài dẫn đến chậm tiến độ giải phóng mặt bằng. Quy trình đo đạc và nghiệm thu bản đồ địa chính phục vụ công tác giải phóng mặt bằng chưa thống nhất.

Ví dụ, Sở Tài nguyên và Môi trường yêu cầu xác nhận đối tượng sử dụng đất, nguồn gốc đất trước khi thực hiện nghiệm thu bản đồ địa chính. Tuy nhiên, UBND xã, phường cho rằng việc xác nhận nguồn gốc sử dụng đất sau khi thực hiện đo đạc bản đồ địa chính phục vụ công tác giải phóng mặt bằng.

Có một số dự án nghiệm thu bản đồ địa chính không cần phải có bước kiểm tra của cơ quan tài nguyên và môi trường cấp huyện. Tuy nhiên, một số dự án Sở Tài nguyên và Môi trường yêu cầu phải có nội dung kiểm tra của phòng tài và nguyên môi trường cấp huyện.

Công tác giải phóng mặt bằng gặp nhiều khó khăn do một số bất cập về chính sách chưa được sửa đổi kịp thời. Cùng với đó, công tác quản lý đất đai có lúc, có nơi chưa chặt chẽ, việc mua - bán, chia tách đất nông nghiệp vẫn còn xảy ra gây khó khăn cho công tác thống kê, đền bù.

Ông Nguyễn Duy Tuyến, Giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất thành phố Lào Cai

Về giá bồi thường và giá giao đất tái định cư, hầu hết các dự án phát triển đô thị xây dựng phương án bố trí tái định cư tại dự án. Vì vậy, sau khi thực hiện xong công tác giải phóng mặt bằng, thi công xong các hạng mục mới có mặt bằng để giao đất tái định cư cho các hộ.

Tuy nhiên, do công tác giải phóng mặt bằng kéo dài, giá giao đất tái định cư không đồng nhất, năm sau cao hơn năm trước, việc áp dụng nhiều giá đất trong cùng một dự án dẫn đến không đồng thuận của các hộ, dẫn đến khó khăn trong việc vận động di chuyển giải phóng mặt bằng.

Ông Nguyễn Duy Tuyến, Giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất thành phố Lào Cai cho biết: Công tác giải phóng mặt bằng gặp nhiều khó khăn do một số bất cập về chính sách chưa được sửa đổi kịp thời. Cùng với đó, công tác quản lý đất đai có lúc, có nơi chưa chặt chẽ, việc mua - bán, chia tách đất nông nghiệp vẫn còn xảy ra gây khó khăn cho công tác thống kê, đền bù.

Những nút thắt này đã ảnh hưởng trực tiếp đến tiến độ bàn giao đất cho các nhà đầu tư, dự án trọng điểm của tỉnh và thành phố, tiến độ giải ngân nguồn vốn. Để tháo gỡ khó khăn, hiện thành phố đang tích cực thực hiện nhiều giải pháp, từ tuyên truyền, vận động người dân đến tăng cường vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác này.

Nguồn Lào Cai: https://baolaocai.vn/nhung-nut-that-trong-giai-phong-mat-bang-o-tp-lao-cai-post374550.html