Những người trẻ 'bắc nối' nhịp cầu tri ân

Những bức ảnh liệt sĩ đã cũ, mờ, hoen ố nhuốn màu thời gian được nhóm bạn trẻ 'Team Lee' phục dựng lại miễn phí trở thành những bức ảnh màu mới đoàn viên. Với hành động ý nghĩa đó đã góp phần kết nối quá khứ với hiện tại, đưa các anh hùng liệt sĩ trở về với người thân, gia đình.

Các bạn trẻ trong nhóm Team Lee trao ảnh cho thân nhân gia đình liệt sĩ.

Cơ duyên từ dòng tin nhắn của người cháu liệt sĩ

Tháng 4/2022, Lê Quyết Thắng, thành viên nhóm “Team Lee” nhận được tin nhắn của người cháu bày tỏ mong muốn phục dựng di ảnh cuối cùng cũng là duy nhất của bác mình là liệt sĩ Nguyễn Văn Toán, hy sinh khi mới 25 tuổi tại chiến trường phía Nam. Liệt sĩ Toán hy sinh trong thời kỳ chống Mỹ nhưng đến nay gia đình vẫn chưa tìm được mộ. Kỷ vật còn lại của gia đình với bác là bức chân dung liệt sĩ đã cũ, mờ.

Sau khi nhận được tin nhắn, Lê Quyết Thắng và Phùng Quang Trung đã phản hồi, xác minh thông tin và tiếp nhận bức ảnh chân dung liệt sĩ được vẽ phác từ mực chì đã hư hỏng. Từ bức ảnh gia đình liệt sĩ cung cấp, Thắng, Trung bắt tay vào việc chỉnh sửa. Từ 20 giờ đêm hôm trước đến 4 giờ sáng hôm sau, việc chỉnh sửa ảnh hoàn tất. Và bức ảnh được đưa đến xưởng in ảnh, đóng khung cẩn thận.

Tại buổi gặp gỡ, trao ảnh liệt sĩ, người đàn ông khoảng 50 tuổi thay mặt gia đình nhận bức ảnh liệt sĩ từ Thắng. Ông nghẹn ngào bật khóc, xen lẫn nụ cười hạnh phúc.

Sau đó, câu chuyện về bức ảnh liệt sĩ Nguyễn Văn Toán được lan truyền nhanh chóng trên mạng xã hội. Thắng và Trung đã không chỉ nhận sự yêu mến của cộng đồng mạng, mà còn nhận rất nhiều mong muốn của thân nhân các gia đình liệt sĩ. Từ đó, Thắng nảy ý tưởng phục chế miễn phí ảnh chân dung liệt sĩ để tặng các gia đình thân nhân liệt sĩ vào dịp kỷ niệm 75 năm Ngày Thương binh -Liệt sĩ 27/7/2022.

Khi chia sẻ ý tưởng này, Thắng nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình từ những người cùng nghề có chung chí hướng. Rất nhanh chóng, nhóm “Team Lee” được thành lập gồm 6 chàng trai trẻ. Mặc dù mỗi người trong nhóm đều có công việc riêng nhưng hằng ngày nhóm Team Lee vẫn tranh thủ sắp xếp thời gian để tập hợp, cùng nhau thực hiện phục chế ảnh. Cứ khoảng 8 giờ tối hằng ngày là nhóm lại ngồi cùng bàn bạc và phân công công việc cụ thể cho từng thành viên. Công việc kéo dài từ 20 giờ hôm trước đến 3, 4 giờ sáng hôm sau.

Nhóm nhận được nhiều tin nhắn nhờ giúp phục dựng ảnh liệt sĩ của các gia đình.

Chia sẻ những khó khăn về công việc phục dựng ảnh liệt sĩ, Phùng Quang Trung - thành viên nhóm “Team Lee” cho biết, việc phục dựng mỗi bức ảnh mất trung bình từ 4 - 6 tiếng mới hoàn thành, nhưng cũng có những bức ảnh phải vài ngày mới xong. “Hầu hết bức ảnh đều chụp cách đây mấy chục năm, nước ảnh ố mờ, bay màu. Thậm chí nhiều bức ảnh được vẽ lại theo trí nhớ người thân liệt sĩ, trong khi với những liệt sĩ thời chống Pháp những người còn nhớ về liệt sĩ không nhiều, nên để phục chế lại phải mất nhiều thời gian. Khó nhất của phục chế chính là đôi mắt. Bởi đôi mắt là nơi thể hiện nhất cái thần của mỗi người. Mỗi bức ảnh là công sức của của cả nhóm, chúng em cùng ngồi lại với nhau để trao đổi, góp ý, chỉnh sửa”, Trung chia sẻ.

Những bức ảnh đoàn viên

Sau khi hoàn thành xong dự án kỷ niệm 75 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ 27/7, khi biết được thông tin 10 nữ thanh niên xung phong (TNXP) ở Ngã ba Đồng Lộc hy sinh ngày 24/7/1968 vẫn chưa có bức ảnh thật sự đẹp nên nhóm “Team Lee” quyết định thực hiện với quyết tâm phục dựng cho các cô từng bức ảnh thật đẹp. Trong dịp kỷ niệm 77 năm Ngày cách mạng tháng 8 và 2/9/2022, nhóm Team Lee đã trao tặng 10 tấm ảnh màu các TNXP tới Ban quản lý Khu Di tích Lịch sử Quốc gia đặc biệt Ngã ba Đồng Lộc (thị trấn Đồng Lộc, huyện Can Lộc, Hà Tĩnh) để trưng bày.

Chia sẻ về dự án này, Phùng Quang Trung cho biết, thử thách lớn nhất ở dự án này đó là phải thể hiện được các đường nét thanh thoát trên khuôn mặt và mái tóc của những người con gái đôi mươi. Vì vậy, mỗi chi tiết đều được vẽ vô cùng tỉ mỉ, phối màu tươi sáng, để mỗi bức chân dung không chỉ đẹp mà còn phải mang cả cái hồn trong đó. “Để có thể hoàn thiện 10 bức ảnh này, nhóm cử một thành viên về Hà Tĩnh xin tư liệu, hình ảnh. Trải qua thời gian, nhiều tấm ảnh bị cũ, nhiều chi tiết mờ, nên nhóm phải làm việc xuyên đêm. Các thành viên liên tục bàn bạc, góp ý để chỉnh sửa, mong bức ảnh thể hiện được đúng chân dung, thần thái của các liệt sĩ”, Trung cho biết.

Bức ảnh đoàn viên giữa người vợ và người chồng liệt sĩ ở Hưng Yên.

Không chỉ thực hiện các dự án phục dựng ảnh các anh hùng liệt sĩ, thời gian qua, nhóm Team Lee còn tạo những bức ảnh đoàn tụ của gia đình liệt sĩ. Trung kể: Mới đây chúng em thực hiện trao ảnh cho một gia đình liệt sĩ ở Hưng Yên. Cả gia đình có 6 người con: 3 trai, 3 gái. Nhưng đến nay chỉ còn một người con trai, hai người đã hy sinh trong chiến trường (trong đó một liệt sĩ đã có vợ, nhưng giữa 2 người chưa có cái ảnh chung nào). Sau khi trao tặng gia đình 2 bức ảnh riêng của từng liệt sĩ, chúng em đã tặng tấm ảnh ghép liệt sĩ và vợ. Trong đó hình ảnh người chồng trở về bên vợ và cả hai đều đã già đi, khiến cả nhà vô cùng xúc động.

Hay như trường hợp của Đại úy Phạm Công Huy, Cảnh sát PCCC&CNCH (Công an Hà Nội) hy sinh tháng 1/2020 ở xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức (TP. Hà Nội). Lúc đó, con gái liệt sĩ mới 6 tháng tuổi, không biết mặt bố. Để hình ảnh người cha luôn trong ký ức của con gái, chị Đỗ Như Quỳnh, vợ liệt sĩ, hàng ngày vẫn lấy ảnh chỉ cho con "đây là bố, đây là mẹ". Thấy con gái tíu tít nhìn ảnh gọi bố, chị ước thầm có một bức ảnh chung của cả gia đình.

Một người bạn của chị Quỳnh biết đến nhóm Team Lee qua mạng xã hội đã nhắn tin nhờ hỗ trợ. Đọc tin nhắn và xác minh thông tin, Trung nhận lời ngay. Ngày trao ảnh, bé Bún đang mệt, tay cắm dây truyền nước nhưng vẫn đứng cạnh ảnh tạo dáng. Như thường lệ, cô bé chỉ tay gọi bố, gọi mẹ rồi bê tấm ảnh đi đi lại lại quanh nhà tíu tít khoe: "Mẹ ơi, bố bế con này". “Bức ảnh gia đình với nhiều người khác thì rất đỗi bình thường, nhưng với mình đó ước mơ. Giờ đây ước mơ đó đã trở thành hiện thực”, chị Quỳnh nghẹn ngào cho biết.

“Đằng sau mỗi bức ảnh là những câu chuyện vô cùng xúc động về sự hy sinh anh dũng của các anh hùng liệt sĩ, nên tất cả các dự án chỉnh sửa ảnh liệt sĩ đều được các thành viên trong nhóm làm miễn phí. Chi phí đi lại, ăn ở các tỉnh xa đều do các thành viên bỏ tiền túi nhưng chúng em không bao giờ dừng lại. Điều mà mỗi thành viên trong nhóm mong muốn nhất đó chính là được thấy nụ cười của những người ở lại, hoàn thành giúp họ những ước nguyện đoàn tụ qua những bức ảnh đoàn viên", Trung chia sẻ.

Buổi trao ảnh đến thân nhân gia đình có 2 liệt sĩ ở Hưng Yên.

Về kế hoạch sắp tới của nhóm, Trung cho hay, nhóm sẽ vào Nghệ An, Hà Tĩnh để phục dựng ảnh cho các liệt sĩ cũng như sẽ thực hiện ghép ảnh các Mẹ Việt Nam anh hùng. “Năm nay nhóm em tập trung vào chỉnh sửa và ghép ảnh các Mẹ Việt Nam anh hùng với những người con liệt sĩ. Thời gian không còn nhiều, các mẹ tuổi cũng đã cao, vì vậy đây là món quà để chúng em tri ân các mẹ dịp tháng 7 này”.

Tiếp nối mạch nguồn truyền thống “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc, những người trẻ đã và đang hòa chung nhịp đập trái tim cùng cả nước tham gia nhiều hoạt động thiết thực, ý nghĩa để tri ân những anh hùng liệt sĩ. Câu chuyện nhóm Team Lee phục dựng ảnh miễn phí và những giọt nước mắt của gia đình liệt sĩ khi “gặp lại” người thân của mình đã gây xúc động mạnh trong cộng đồng trong những ngày tháng 7.

NGUYỄN SÍU

Nguồn Dân Sinh: https://baodansinh.vn/nhung-nguoi-tre-bac-noi-nhip-cau-tri-an-20230725155048.htm