Những lưu ý trong chế độ dinh dưỡng cho bệnh nhân tăng huyết áp

Chế độ ăn và dinh dưỡng đã được chứng minh có liên quan chặt chẽ đến các bệnh lý tim mạch trong đó có tăng huyết áp. Đối với người đã có bệnh lý tim mạch, chế độ ăn không đúng sẽ làm trầm trọng hơn tình trạng bệnh, khó kiểm soát huyết áp.

ThS. BS Phạm Thế Thọ- Khoa Nội tim mạch - Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 cho biết: thay đổi lối sống và dùng thuốc là hai biện pháp nền tảng và xuyên suốt trong quá trình điều trị tăng huyết áp. Trong đó, chế độ ăn là một phần đặc biệt quan trọng của thay đổi lối sống. Chỉ tính riêng thực hiện chế độ ăn đã giúp giảm huyết áp tâm thu từ 05 -10mmHg mà không cần sử dụng thuốc hạ huyết áp.

Những bệnh nhân mới phát hiện tăng huyết áp, nếu mức huyết áp không quá cao và chưa có bệnh lý tim mạch thì có thể kiểm soát đơn thuần bằng biện pháp này. Đây là biện pháp có nhiều hữu ích như ít tốn kém, không có tác dụng phụ và giảm số lượng thuốc điều trị.

Các bác sĩ và điều dưỡng Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 chia sẻ: có nhiều chế độ ăn khác nhau cho bệnh nhân tăng huyết áp, trong đó chế độ ăn DASH được dùng phổ biến nhất. DASH là viết tắt của từ Dietary Approaches to Stop Hypertension nghĩa là chế độ ăn với mục đích phòng ngừa và hỗ trợ điều trị tăng huyết áp được Viện tim mạch, phổi và huyết học Hoa Kỳ đưa ra dành cho người trưởng thành.

Nguyên tắc của chế độ ăn này bao gồm ăn ít muối, chất béo bão hòa; ăn nhiều trái cây, rau củ, sữa và sữa không béo; bổ sung ngũ cốc nguyên hạt, cá, thịt gia cầm và các loại hạt; hạn chế lượng thịt đỏ, đồ ngọt, thực phẩm nhiều đường; bổ sung các thực phẩm chứa kali, magie, canxi, protein và chất xơ.

Hạn chế muối

Theo Cục Y tế dự phòng - Bộ Y tế thông tin: Ăn thừa muối là yếu tố nguy cơ chính gây tăng huyết áp; dẫn đến đột quỵ, nhồi máu cơ tim và nhiều bệnh tim mạch khác. Tổ chức Y tế thế giới khuyến cáo, mỗi người trưởng thành chỉ nên tiêu thụ dưới 5 gam muối/ngày, tốt nhất là dưới 1,5g muối/ngày. Tuy nhiên, đa số người dân đều tiêu thụ muối gấp đôi so với khuyến cáo.

Các chuyên gia dinh dưỡng đã chứng minh rằng, trong các thực phẩm ăn uống hàng ngày đã đủ cung cấp một lượng muối đủ cho cơ thể sử dụng. Tuy nhiên, trên thực tế có đến gần 90% người nấu ăn luôn cho muối, mắm, gia vị mặn khác vào thực phẩm khi chuẩn bị, chế biến và nấu ăn. Cần sớm thay đổi thói quen này vì ăn chế độ giảm muối không chỉ làm giảm mắc các bệnh lý tim mạch mà còn là biện pháp điều trị hiệu quả nhóm bệnh lý này.

Lượng muối trong chế độ ăn DASH khuyên dùng: Chế độ DASH tiêu chuẩn (ăn 1 lượng đến 2300mg natri/ngày); chế độ DASH ít Natri (ăn 1 lượng đến 1500mg natri/ngày). Hội Tim mạch Mỹ khuyến cáo mức natri < 1500mg/ngày cho tất cả người lớn.

Các thực phẩm có lợi nên dùng

Các loại thực phẩm giàu kali: Kali sẽ giúp tinh thần luôn khỏe mạnh, sảng khoái, giúp cơ bắp linh hoạt và dẻo dai hơn, từ đó tăng cường sức khỏe cho cơ thể và có thể ngăn ngừa một số bệnh mạn tính, hỗ trợ điều hòa huyết áp.

Một số thực phẩm chứa nhiều kali như chuối, cam, dưa lưới, dưa hấu, quả bơ, mơ, bưởi, cà chua, rau lá xanh, măng tây, rau chân vịt, rau bó xôi và bông cải xanh, khoai tây, khoai lang, cà tím, nấm, củ cải, củ dền, bí ngô, sữa tươi, sữa chua, thịt gia cầm, các loại đậu, các loại hạt…

Chất béo không bão hòa đơn: Đây là loại chất béo có khả năng làm giảm lượng cholesterol, hỗ trợ giảm cân và hạ huyết áp, giảm nguy cơ tim mạch và đái tháo đường. Omega-9 (hay acid oleic) là một loại chất béo phổ biến trong thực phẩm thuộc nhóm chất béo này.

Thực phẩm chứa chất béo không bão hòa đơn: Các loại hạt quả hạch như hạnh nhân, hạt maca, vừng, hạt điều và quả hồ đào, bơ đậu phộng và bơ hạnh nhân…

Chất béo không bão hòa đa: Chất béo không bão hòa đa rất quan trọng đối với sức khỏe vì cơ thể không thể tự sản sinh ra mà phải hấp thụ từ thực phẩm. Chức năng của nó tương tự chất béo không bão hòa đơn nhưng được xem là có tác dụng tốt hơn. Chất béo không bão hòa đa có khả năng làm giảm hàm lượng cholesterol xấu (LDL-C) và tăng cholesterol tốt (HDL-C), trong khi chất béo không bão hòa đơn chỉ có thể làm giảm cholesterol xấu, làm giảm nguy cơ xơ vữa động mạch, ngăn ngừa các bệnh tim mạch.

Nguồn chính của loại chất béo này là thực phẩm có nguồn gốc từ thực vật. Một số chất béo không bão hòa đa như axit béo omega-3, omega-6, được chứng minh là có lợi cho tim mạch. Loại chất béo này không chỉ giúp giảm nguy cơ mắc bệnh động mạch vành, mà còn hỗ trợ trong việc giảm nồng độ triglyceride và hạ huyết áp.

Thực phẩm chứa nhiều omega-3 như cá trích, cá hồi, cá mòi, cá ngừ, cá thu, cá mòi, cá cơm, hàu, trứng cá, đậu nành, hạt chia…Thực phẩm chứa nhiều omega-6 như các loại hạt, đậu phụ, bơ lạc, trứng…

Các thực phẩm không nên dùng hoặc hạn chế dùng

Chất béo bão hòa: Là chất béo không có lợi, dễ đông đặc ở nhiệt độ bình thường, làm tăng cholesterol xấu, tăng nguy cơ mắc các bệnh về tim mạch. Chất béo bão hòa có nhiều trong các loại thịt đỏ, thịt mỡ, các sản phẩm sữa giàu chất béo (Sữa nguyên kem, bơ, phô mai…), da gia cầm, dầu cọ, dầu dừa…

Chất béo Trans: Còn gọi là chất béo chuyển hóa, có trong thực phẩm chứa dầu thực vật đã được hydro hóa (dầu thực vật được biến đối cấu trúc bằng phương pháp công nghiệp làm chúng bền, ổn định, tăng mùi vị). Chúng làm tăng cholesterol xấu và giảm cholesterol tốt.

Thực phẩm chứa nhiều chất béo Trans như các sản phẩm nướng (bánh quy, bánh ngọt, bánh rán); thực phẩm chiên (khoai tây chiên, đồ ăn nhanh, chiên ngập dầu)

Hạn chế thực phẩm có nhiều muối: hạn chế các loại mắm (nước mắm, mắm tôm, mắm tép..); các món muối (dưa muối, cà muối…); các loại thịt như xúc xích, thịt hộp; các loại mì ăn liền…

Hạn chế rượu, bia và các chất kích thích: Không nên sử dụng thường xuyên bia rượu và các chất kích thích.

Theo daibieunhandan.vn

Nguồn Trà Vinh: https://www.baotravinh.vn/y-te/nhung-luu-y-trong-che-do-dinh-duong-cho-benh-nhan-tang-huyet-ap-38745.html