Nhìn lại 10 ngày chống dịch nghiêm ngặt ở Đà Nẵng

Từ 8 giờ ngày 16/8, thành phố Đà Nẵng áp dụng những biện pháp phòng chống dịch chưa từng có với phương châm 'ai ở đâu thì ở đó'. Trong thời gian đó, lực lượng chức năng triển khai khoanh vùng, truy vết, lấy mẫu xét nghiệm toàn thành phố nhằm nhanh chóng sàng lọc, đưa các ca nhiễm Covid-19 ra khỏi cộng đồng; đồng thời, kiểm soát chặt chẽ nhằm ngăn chặn chuỗi lây lan của dịch bệnh.

Nhân viên siêu thị Coopmart Đà Nẵng chuẩn bị đơn hàng và giao miễn phí về tận tổ dân phố.

10 ngày vừa qua, từ 16/8 đến sáng 26/8, Đà Nẵng đã xét nghiệm cho hơn 1.200.000 lượt người, phát hiện 1.533 ca bệnh, kịp thời xác định và phong tỏa, cách ly y tế đối với những khu vực có nguy cơ rất cao.

Qua 3 đợt xét nghiệm diện rộng, Đà Nẵng vẫn ghi nhận số lượng ca mắc cao, từ 150 đến gần 200 ca/ngày, trong đó có hàng chục ca trong cộng đồng.

Từ ngày 3/5 đến nay, Đà Nẵng có 3.561 ca bệnh Covid-19, trong đó khoảng 1.835 ca đang được điều trị, có hàng chục trường hợp chuyển biến nặng.

Đồng chí Nguyễn Văn Quảng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng nhận định: dịch bệnh ở Đà Nẵng vẫn ở mức nguy cơ rất cao, diễn biến hết sức phức tạp. Để ngăn chặn, kiểm soát dịch bệnh, cần tăng cường công tác xét nghiệm nhằm “bóc tách” F0 ra khỏi cộng đồng, vì thế từ 26/8 thành phố tiếp tục thực hiện các biện pháp nghiêm ngặt phòng, chống dịch, thực hiện giãn cách xã hội với nguyên tắc “ai ở đâu thì ở đó”.

Đà Nẵng xét nghiệm diện rộng toàn thành phố để phát hiện, đưa ca nhiễm ra khỏi cộng đồng.

Căn cứ kết quả xét nghiệm, thành phố phân chia các vùng có mức độ nguy cơ khác nhau để áp dụng biện pháp phù hợp. Với địa bàn nguy cơ rất cao (vùng đỏ) là vùng cách ly tuyệt đối; địa bàn có nguy cơ và nguy cơ cao (vùng vàng) thực hiện các biện pháp hạn chế đi lại, cho phép một số hoạt động nhằm bảo đảm cung ứng lương thực, thực phẩm cho người dân; thay đổi người làm việc tại các công sở, cơ quan.

Các doanh nghiệp được hoạt động với tối đa 30% số nhân viên, bảo đảm điều kiện “3 tại chỗ”; Cơ quan, công sở Nhà nước tối đa 10% số người làm việc. Đối với địa bàn có mức độ nguy cơ thấp (vùng xanh) áp dụng các biện pháp bảo đảm an toàn phòng chống dịch bệnh; phát động phong trào thi đua bảo vệ và mở rộng vùng xanh trong khu dân cư. Các công trình xây dựng trọng điểm được phép hoạt động khi bảo đảm điều kiện thực hiện “3 tại chỗ”.

Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Kỳ Minh cho biết, để cung ứng lương thực, thực phẩm, hàng hóa thiết yếu cho người dân, thành phố cho phép hệ thống siêu thị, chuỗi cửa hàng tiện lợi và đội ngũ vận chuyển chuyên nghiệp, thực hiện nghiêm việc phòng, chống dịch bệnh, tổ chức tiêm vaccine cho gần 1.100 shipper, xét nghiệm định kỳ 3 ngày/lần, bắt buộc mặc đồ bảo hộ, khử khuẩn thường xuyên...

Tuy nhiên, ở một số khu dân cư, tổ dân phố vẫn xảy ra tình trạng thiếu rau xanh, củ quả và nhất là thịt lợn tươi. Ông Phan Điểm, 71 tuổi, trú tại 07 Lê Trực, Hòa Phước, Hòa Vang cho biết: gia đình tôi có 4 người già trên 60 tuổi, trong đó mẹ tôi gần 100 tuổi, đặt hàng nhờ mua hộ 4 ngày rồi mà không có, vì vùng ven nên rất ít các cửa hàng tiện lợi, siêu thị mini, là loại hình duy nhất được phép hoạt động những ngày qua.

Giải thích về tình trạng thiếu thịt lợn, thịt bò trong mấy ngày gần đây, ông Lê Quang Thanh, Phó giám đốc siêu thị Coopmark Đà Nẵng cho biết, do lò mổ Đà Sơn là ổ dịch phải dừng hoạt động, cả Đà Nẵng chỉ còn duy nhất một đơn vị cung ứng thịt tươi là Công ty Hai Thuyên, nhưng do quá trình vận chuyển chậm, một vài đơn hàng của dân thịt bị ôi thiu, chính quyền buộc Công ty Hai Thuyên tạm dừng cung ứng thịt tươi cho dân.

Doanh nghiệp này dù rất nỗ lực, chấp nhận chi phí lớn khi phải mổ thịt từ Quảng Nam đưa ra, nhưng buộc phải giảm cung ứng. Ngay lập tức, Coopmart và hàng loạt siêu thị khác như Lotte, chuỗi Vinmark+ lập tức thiếu thịt lợn, bò tươi. Vì thế, Đà Nẵng cần sớm đưa lò mổ Đà Sơn trở lại hoạt động, đồng thời làm rõ vụ việc và cho phép Công ty Hai Thuyên cung ứng trở lại thì mới có thể đáp ứng nhu cầu của người dân trong điều kiện dịch bệnh căng thẳng.

Từ 8 giờ ngày 26/8, toàn thành phố Đà Nẵng tiếp tục thực hiện nghiêm các quy định về phòng, chống dịch bệnh Covid-19 ở mức cao nhất thêm 10 ngày, xác định từng địa bàn, mức độ nguy cơ dịch bệnh để áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch phù hợp.

Với vùng đỏ, phải cách ly tuyệt đối ít nhất 14 ngày; tăng cường thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 để giảm mức độ nguy cơ lây lan ra cộng đồng. Vùng vàng được bổ sung, điều chỉnh một số hoạt động mà người dân được phép tham gia. Cho phép các công ty thương mại đầu mối; trung tâm thương mại; siêu thị; chuỗi cửa hàng tiện lợi (chuỗi siêu thị mini) bố trí tối đa 100% số người làm việc.

Tình nguyện viên phường Phước Mỹ (quận Sơn Trà) làm sạch rau củ trước khi chuyển về cho dân.

Các nhà máy, cơ sở sản xuất thực hiện nghiêm các quy định phòng, chống dịch; bố trí tối đa 30% số người làm việc; bảo đảm điều kiện “3 tại chỗ”. Trong trường hợp cần thiết phải thay đổi người làm việc, thực hiện từ 5 giờ đến 9 giờ ngày 26/8. Địa bàn vùng xanh thiết lập khi 14 ngày liên tục không có ca bệnh trong cộng đồng; tăng cường biện pháp bảo vệ, mở rộng vùng xanh,.

Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng cũng giao Ban Quản lý Khu Công nghệ cao và các khu công nghiệp Đà Nẵng thường xuyên kiểm tra các doanh nghiệp được phép hoạt động bảo đảm công tác phòng, chống dịch chặt chẽ; tạm dừng hoạt động đối với các doanh nghiệp không bảo đảm điều kiện.

Các quận huyện phải thường xuyên rà soát, kiểm tra việc thực hiện các quy định về phòng, chống dịch của các nhà máy, cơ sở sản xuất ngoài khu công nghệ cao và các khu công nghiệp trên địa bàn.

Ông Phạm Trường Sơn, Trưởng Ban Quản lý Khu Công nghệ cao và các khu công nghiệp Đà Nẵng cho biết, qua kiểm tra 137 doanh nghiệp, với 11.604 lao động thực hiện 3 tại chỗ, không có trường hợp người lao động ra khỏi phạm vi doanh nghiệp và các vị trí tiếp giáp với bên ngoài. Các doanh nghiệp bảo đảm tuân thủ công tác môi trường, nhất là việc xả thải, tất cả thu gom theo quy định, không xảy ra vụ cháy nổ nào, tình hình an ninh trật tự ổn định.

Các doanh nghiệp đều có ý thức thực hiện tốt các quy định phòng chống dịch: 5K, khai báo y tế, sát khuẩn, xét nghiệm 100% người lao động… Tuy nhiên, một số doanh nghiệp bắt đầu thiếu nhu yếu phẩm và lương thực, thực phẩm tươi, đồ dùng sinh hoạt cá nhân, thuốc men cho công nhân viên trong thời gian ở lại nhà máy.

Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Lê Trung Chinh nhấn mạnh: Những biện pháp thành phố đưa ra trong thời điểm này là những quyết định hết sức khó khăn, được cân nhắc kỹ với mục tiêu bảo vệ tính mạng, sức khỏe của người dân là trên hết. Dù vậy, dịch bệnh vẫn diễn biến hết sức phức tạp, xuất hiện các ổ dịch mới, đời sống nhân dân có xáo trộn, khó khăn, nhưng chỉ có chấp nhận hy sinh những lợi ích kinh tế, xã hội, đời sống… trong một thời gian ngắn, thì mới có thể xét nghiệm, truy vết, đưa các ca bệnh ra khỏi cộng đồng.

Thành phố mong muốn người dân, các đơn vị, tổ chức, cộng đồng doanh nghiệp trên địa bàn tiếp tục chia sẻ, ủng hộ và đồng hành cùng chính quyền thành phố trong giai đoạn khó khăn này. Sự chung tay, góp sức và chấp hành của mỗi cá nhân, từng tổ chức sẽ là động lực lớn lao, nhân tố quyết định để thành phố đẩy lùi và kiểm soát dịch bệnh, sớm đưa thành phố trở lại trạng thái bình thường mới.

THANH TÙNG

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/tin-tuc-xa-hoi/nhin-lai-10-ngay-chong-dich-nghiem-ngat-o-da-nang-661816/