Nhiều ngân hàng tự tin về đích 2019
Đạt lợi nhuận cao trong 3 quý đầu năm, không ít nhà băng gần chạm mục tiêu lợi nhuận cả năm 2019. Điều đáng mừng là nhiều ngân hàng tiếp tục dự báo, lợi nhuận quý IV/2019 có thể sẽ tăng so với các quý trong năm. Quý IV là mùa kinh doanh cao điểm của ngành ngân hàng.
Những cái tên sẽ vượt chỉ tiêu năm 2019
Ngân hàng TMCP Quân đội (MBBank) cho biết, kết thúc 10 tháng đầu năm 2019, lợi nhuận trước thuế riêng lẻ của Ngân hàng mẹ MB đạt trên 8.000 tỷ đồng, hoàn thành 96% kế hoạch cả năm 8.345 tỷ đã được Đại hội đồng cổ đông (ĐHCĐ) thông qua vào hồi cuối tháng 4 năm nay. Trong khi, 2 tháng còn lại là thời điểm kinh doanh vốn tốt nhất trong năm của ngành ngân hàng, do đó việc vượt chỉ tiêu lợi nhuận đề ra của nhà băng này là có cơ sở.
Tại Vietinbank, với mục tiêu lợi nhuận được ĐHCĐ giao tại kỳ đại hội thường niên năm 2019 ở mức 20.000 tỷ đồng, Ngân hàng tự tin sớm cán đích năm nay. Kết quả 9 tháng đầu năm nay của Vietcombank cho thấy, nhà băng này đã đạt mức lợi nhuận trước thuế hơn 17.500 tỷ đồng, hoàn thành đến 86% kế hoạch cả năm và là con số cao nhất từ trước tới nay.
Về tín dụng, nửa đầu năm nay Vietcombank đẩy mạnh cho vay với tăng trưởng 11,6%. Như vậy, so với hạn mức được cấp đầu năm nay 15%, dư địa cho vay vẫn còn. Vietcombank cho biết, Ngân hàng sẽ không xin nới thêm room mà đẩy mạnh bán lẻ.
Nguồn thu từ bán lẻ và dịch vụ ngày càng được Vietcombank gia tăng mạnh. Vì vậy, không dừng lại ở mức lợi nhuận cao nói trên, Vietcombank đặt tham vọng, muốn đạt mức lợi nhuận 2 tỷ USD vào năm 2025. Động lực chính của tăng trưởng sẽ là bán lẻ và ngân hàng số. Trong đó bán lẻ sẽ chiếm một nửa lợi nhuận, tức là khoảng 1 tỷ USD. Về ngân hàng số, Vietcombank định hướng giữ vị trí số 1 trên thị trường.
Ngân hàng đứng thứ 2 hệ thống ngân hàng về lợi nhuận thuộc về Techcombank. Với mục tiêu lợi nhuận trước thuế 11.750 tỷ đồng năm nay, nhưng chỉ mới 3 quý đầu năm 2019, Techcombank đạt gần 8.900 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế. Điều này cho thấy, mục tiêu hoàn thành kế hoạch lợi nhuận của Techcombank cũng rất gần.
Tại OCB, lợi nhuận trước thuế đạt 825 tỷ đồng trong quý III/2019, tăng 51,6% so với cùng kỳ, lũy kế 9 tháng đầu năm 2019 đạt 1.942 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, cao hơn 15,3% so với 9 tháng đầu năm 2018. Tuy so với mục tiêu đưa ra cho cả năm nay 3.200 tỷ đồng thì 9 tháng đầu năm 2019, OCB mới chỉ thực hiện được khoảng 1/3 chặng đường. Ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng giám đốc OCB cho biết, riêng trong tháng 10/2019, OCB đã thu về thêm hơn 900 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế. Vì thế, 2 tháng còn lại của năm sẽ là cơ hội cho OCB hoàn thành chỉ tiêu đưa ra, thậm chí có khả năng vượt kế hoạch. Bởi đây là mùa kinh doanh vốn cao điểm trong năm.
OCB hiện đã tăng trưởng tín dụng ở mức 20%, song ông Tùng cho biết, Ngân hàng tiếp tục nỗ lực thu hồi nợ để có thêm dư địa cho vay và đẩy mạnh cho vay nhỏ, lẻ để quanh nhanh vòng vốn, nhưng NIM (biên lãi ròng) trong hoạt động tín dụng tăng.
Nhờ chi phí dự phòng giảm 69%, ACB báo lãi sau thuế 1.549 tỷ đồng trong quý III/2019, tăng 18% so với cùng kỳ năm trước. Lũy kế 9 tháng đầu năm 2019, ACB ghi nhận lợi nhuận trước thuế 5.561 tỷ đồng, tăng 16%, một phần nhờ trích lập dự phòng giảm 76%. Lợi nhuận sau thuế đạt 4.447 tỷ đồng, tăng 18%, hoàn thành 87% kế hoạch năm. Như vậy, với mục tiêu lợi nhuận trước thuế đưa ra năm nay 7.279 tỷ đồng, khả năng ACB sẽ vượt kế hoạch. Lãnh đạo ACB từ chối bình luận về mức vượt chỉ tiêu, nhưng cho biết, áp lực dự phòng đã giảm mạnh.
VPBank cũng ghi nhận 7.199 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế trong 9 tháng đầu năm, hoàn thành 76% kế hoạch năm. Trong đó, tỷ trọng lợi nhuận FE Credit đóng góp cho Ngân hàng mẹ VPBank là không nhỏ. Quý cuối năm là thời điểm kinh doanh “vàng” của ngân hàng nói chung và đặc biệt là cho vay tiêu dùng của FE Credit tăng cao so với các quý trong năm. Vì thế, với mục tiêu lợi nhuận trước thuế 9.500 tỷ đồng đưa ra năm nay, ngân hàng VPBank tự tin đạt và vượt kế hoạch đưa ra 2019.
Nhiều nhà băng tăng trích lập dự phòng
Bên cạnh bức tranh lợi nhuận ngành ngân hàng có nhiều điểm sáng, nhiều nhà băng phải tăng trích dự phòng khi nợ nhóm 5 (nợ có khả năng mất vốn và phải trích 100% chi phí dự phòng) phình ra. Tại VPBank, đối với trích lập dự phòng rủi ro, Ngân hàng đã trích ra 3.522 tỷ đồng trong quý III/2019, tăng 28% so với cùng kỳ năm ngoái. Lũy kế, VPBank tăng trích lập dự phòng rủi ro tín dụng gần 22% lên mức 9,993 tỷ đồng, song nhà băng này vẫn thu về hơn 7,199 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế và gần 5,754 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, tăng 17% so với cùng kỳ 2018.
Tại BIDV, chi phí dự phòng ở mức cao, lên tới 16.502 tỷ đồng trong 9 tháng đầu năm nay, tăng 14,8% so với cùng kỳ năm trước. BIDV cũng là một trong những ngân hàng phải trích lập dự phòng rủi ro cao trong hệ thống ngân hàng hiện nay. Vì thế, lợi nhuận trước thuế sau 3 quý hoạt động đầu năm của BIDV chỉ đạt 6.000 tỷ đồng. Theo kế hoạch được ĐHCĐ thường niên năm 2019 thông qua, BIDV phấn đấu đạt lợi nhuận trước thuế là 10.300 tỷ đồng, tăng trưởng huy động vốn 11%, tăng trưởng tín dụng 12%, tỷ lệ nợ xấu dưới 2%.
Dự phòng rủi ro OCB 9 tháng đầu năm 2019 ở mức 632 tỷ đồng tăng nhẹ so với cuối năm ngoái. Kết quả kinh doanh 3 quý đầu năm nay của các ngân hàng cho thấy, sự phân hóa mạnh giữa các nhà băng do dự phòng vẫn “ăn” mòn lợi nhuận nhiều ngân hàng và ngược lại. TS. Võ Trí Thành cho rằng, lợi nhuận ngân hàng sẽ dần cải thiện khi nền kinh tế tăng trưởng vững hơn. Tuy nhiên, TS Thành cũng lưu ý, nợ xấu vẫn luôn là mối lo đối với hoạt động ngân hàng. Thực chất, các khoản nợ xấu bán cho VAMC, sau 5 năm sẽ quay lại ngân hàng và buộc nhà băng dùng nguồn lợi nhuận để tăng trích lập dự phòng. Đến khi nào, các ngân hàng xử lý được các khoản nợ xấu này mới được hoàn nhập dự phòng và lợi nhuận tăng trưởng tốt hơn.
Nghị quyết số 42/2017/QH14 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng, ban hành tháng 6/2017 đã giúp cải thiện quy trình xử lý nợ xấu của ngành ngân hàng. Tuy nhiên, Nghị quyết cho phép ngân hàng bán nợ xấu dưới giá trị sổ sách, miễn là nợ được xác thực bởi một tổ chức định giá độc lập. Trái phiếu VAMC thường có kỳ hạn 5 năm. Trong thời gian này, các ngân hàng phải trích dự phòng 20% mỗi năm để tạo nguồn xử lý nợ xấu khi mua lại từ VAMC. Nếu không thể trích dự phòng 20%, ngân hàng có thể xin gia hạn với tỷ lệ 10% trong 10 năm. Ngân hàng Nhà nước đang đề xuất quy định các ngân hàng nắm giữ trái phiếu VAMC với thời hạn hơn 5 năm sẽ không được trả cổ tức bằng tiền mặt, nhưng có thể không áp dụng với ngân hàng quốc doanh.
Đánh giá tổng quan về hoạt động ngân hàng, TS. Lê Anh Tuấn, Phó tổng giám đốc Đầu tư, Trưởng bộ phận Nghiên cứu Dragon Capital cho rằng, dù room tín dụng năm nay có phần chặt hơn, song những nhà băng quy mô lớn và sớm áp chuẩn Basel II vẫn được xem xét nới hạn mức tăng trưởng cho vay. Cùng với đó, nhiều nhà băng đẩy mạnh nguồn thu từ dịch vụ, nên dù vẫn phải chịu áp lực trích lập dự phòng rủi ro lớn, nhưng lợi nhuận của các ngân hàng 2019 tiếp tục được đánh giá khả quan.
Nguồn ĐTCK: https://tinnhanhchungkhoan.vn/ngan-hang/nhieu-ngan-hang-tu-tin-ve-dich-2019-305733.html