Nhà thầu cao tốc Chí Thạnh - Vân Phong gặp khó vì mặt bằng

Các nhà thầu cho biết, do vướng mặt bằng đã và đang gây ra rất nhiều khó khăn cho nhà thầu vì không thể thi công đường công vụ để tiếp cận công trường, tập kết máy móc, nguyên vật liệu thi công…

Các nhà thầu thi công cao tốc Chí Thạnh - Vân Phong đã huy động nhiều máy móc thiết bị để triển khai trên công trường. Ảnh: CTV/BNEWS/TTXVN

Dự án cao tốc thành phần đoạn Chí Thạnh - Vân Phong thuộc Dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2 (2021 – 2025) đi qua địa bàn tỉnh Phú Yên, có tổng chiều dài 48,25 km được khởi công gói thầu đầu tiên từ ngày 1/1/2023. Tuy nhiên, đến nay nhà thầu phản ánh nhiều đoạn tuyến khó tiếp cận được mặt bằng để triển khai máy móc thi công.

Số liệu từ Bộ Giao thông Vận tải cho thấy, tính đến nay, các nhà thầu của dự án đã huy động trên 120 thiết bị máy móc với khoảng 300 nhân sự chia làm 17 mũi thi công đường và 12 mũi thi công cầu, hầm. Các nhà thầu cho biết, mặc dù diện tích mặt bằng đã được UBND tỉnh Phú Yên bàn giao 42,6/48,05km đạt 88,65%, tuy nhiên thực tế nhà thầu mới tiếp cận để thi công được khoảng 21,41/48,05km đạt khoảng 51%.

Mặc khác trong số 21,41 km mà nhà thầu tiếp cấp để thi công thì vẫn vướng tình trạng mặt bằng bàn giao không liên tục, xen kẽ, đặc biệt là các vị trí mặt đường được sử dụng làm đường tiếp cận của dự án. Đặc biệt, gói thầu XL01, địa phương đã bàn giao mặt bằng được 10,69/24 km, đạt 44%. Tuy vậy, nhà thầu cũng mới chỉ tiếp cận thi công được 7,1/24 km, đạt 29,5 %.

Nhiều khu dân cư tại cao tốc Chí Thạch Vân Phong chưa được giải phóng mặt bằng. Ảnh: CTV/BNEWS/TTXVN

Lý do các nhà thầu cho hay là trên tuyến còn các công trình nhà ở, mồ mả, đường điện chưa di dời. Đặc biệt khu tái định cư chưa xây dựng. Ngoài ra, mặt bằng bàn giao xôi đỗ không liên tục. Một số vị trí đã bàn giao nhưng chưa chi trả tiền cho người dân dẫn đến bị người dân cản trở khi triển khai thi công.

Các nhà thầu cho biết, hiên vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng đã và đang gây ra rất nhiều khó khăn cho nhà thầu vì không thể thi công đường công vụ để tiếp cận công trường, tập kết máy móc, nguyên vật liệu thi công…

Với đường dân sinh, các nhà thầu cho biết, các đường tiếp cận tạm là đường bê tông nhỏ, khó khăn trong việc vận chuyển máy móc thiết bị, vật tư. Nhà thầu kiến nghị địa phương, chủ đầu tư đẩy nhanh công tác giải phóng mặt bằng toàn tuyến để nhà thầu tổ chức thi công đường công vụ dọc. Từ đó mới giải quyết được bài toán về đường vận chuyển phục vụ thi công.

Mặt khác, các nhà thầu lo ngại là vấn đề thời tiết. Điều kiện thời tiết của tỉnh Phú Yên mỗi năm có 4 tháng mưa liên tục (từ tháng 9 đến tháng 12) làm ảnh hưởng rất lớn đến công tác tổ chức thi công. Vì vậy, các nhà thầu phải tranh thủ lúc thời tiết thuận lợi để đẩy nhanh tiến độ, bù cho những tháng (khoảng 12 tháng của 3 năm hợp đồng) thời tiết xấu khó thi công.

“Với tình trạng mặt bằng bàn giao như hiện nay, dù nhà thầu muốn cũng không thể làm gì được. Thời gian thực hiện để hoàn thành dự án thì ngày một ngắn lại, chúng tôi rất sốt ruột, mong chính quyền địa phương, Chủ đầu tư sớm bàn giao đủ mặt bằng để nhà thầu triển khai thi công đồng bộ, khi đó mới có thể đảm bảo tiến độ đề ra”, đại diện một nhà thầu của dự án cho hay.

Chính vì khó khăn về mặt bằng như vậy nên các nhà thầu chủ yếu đang thực hiện công tác phát quang, dọn dẹp mặt bằng thi công, thi công đường công vụ, khảo sát lập thiết kế bản vẽ thi công… dẫn đến sản lượng thi công trên công trường đang còn chậm chưa đáp ứng tiến độ.

Trao đổi với phóng viên TTXVN về tình trạng trên, ông Lê Quyết Tiến, Cục trưởng Cục Quản lý Đầu tư xây dựng (Bộ Giao thông Vận tải) chia sẻ, dự án thành phần cao tốc Bắc – Nam đoạn Chí Thạnh – Vân Phòng đang gặp khó khăn về mặt bằng cũng là tình trạng chung của một số dự án thành phần khác. Dù bàn giao khối lượng mặt bằng lớn nhưng do hạ tầng công cộng chưa được di chuyển, công với việc chậm hoàn thành các khu tái định cư dẫn tới bàn giao mặt bằng bị “xôi đỗ” gây khó khăn cho việc triển khai máy móc thi công của nhà thầu.

Vì vậy, ông Nguyễn Quyết Tiến cho hay, hiện nay song song việc đề nghị các địa phương tích cực giải phóng mặt bằng thì Bộ Giao thông Vận tải cũng yêu cầu các chủ đầu tư chỉ đạo các nhà thầu khắc phục khó khăn, tập trung vào thi công các đoạn tuyến có mặt bằng sạch, các hạng mục cầu, công, hầm để đảm bảo sản lượng trên công trường.

Ông Lê Quyết Tiến cũng thừa nhận, khó khăn về giải phóng mặt bằng luôn là thách thức đối với các dự án giao thông, vì vậy cần có sự chia sẻ, quyết tâm, đồng lòng của các cấp chính quyền địa phương, người dân thì mới tháo gỡ được.

Bên cạnh khó khăn về giải phóng mặt bằng, một mối lo khác tại dự án thành phần cao tốc Chí Thạnh – Vân Phòng là vật liệu, các nhà thầu phản ánh, hiện giá vật liệu tại địa phương cao hơn giá theo dự toán. Đặc biệt, với mỏ đất, nhà thầu đang thương thảo với người dân, tuy nhiên giá thương thảo mặt bằng rất cao.

Nhà thầu Công ty cổ phần Xây dựng Trung Nam 18 E&C đã dựng trạm trộn bê tông để thi công hạng mục cầu Đà Rằng thuộc cao tốc Chí Thạnh - Vân Phong. Ảnh: CTV/BNEWS/TTXVN

Cùng với đó, giá vật liệu tại tỉnh Phú Yên đang ở mức cao bất thường khi giá bán cát, đất, đá đều cao hơn so với một số địa phương lân cận. “Nhà thầu phải mua giá vật liệu cao chót vót so với giá niêm yết của các mỏ. Ví dụ như giá khảo sát các mỏ cát dự toán 190.000 đồng/m3 nhưng thực tế giá bán cho nhà thầu lên tới gần 300.000 đồng/m3, tức là cao hơn 60% so với giá khảo sát”, đại diện một nhà thầu thi công dự án này chia sẻ.

Tại buổi làm việc với UBND tỉnh Phú Yên cuối tháng 2 vừa qua, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thắng đánh giá, sau 2 tháng khởi công, tiến độ giải phóng mặt bằng của Phú Yên còn chậm, nhiều vị trí trọng yếu vẫn chưa thể triển khai. Một số nhà thầu đã tập trung máy móc thiết bị, nhân lực nhưng vẫn không có mặt bằng để thi công.

Do đó, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng đề nghị tỉnh Phú Yên phải đẩy nhanh việc chi trả đền bù cho dân, phải đảm bảo đến 30/6/2023, bàn giao 100% mặt bằng để thi công. Về tái định cư, nếu chưa đưa người dân về kịp trong các khu tái định cư cần hỗ trợ tạm cư cho dân.

Về vấn đề vật liệu phục vụ dự án cao tốc Bắc – Nam qua Phú Yên, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cho hay, để giải quyết vấn đề giá vật liệu quá cao ở Phú Yên, địa phương phải giữ vai trò trọng tài. Bởi hiện nay giá vật liệu được quyết định qua sự thỏa thuận giữa chủ mỏ vật liệu với nhà thầu nhưng muốn tránh tình trạng chủ mỏ găm hàng, thổi giá lên cao rất vần địa phương thể hiện vai trò “cầm trịch” của mình.

Người dân tại Km13+900 đến Km15+600 chưa nhận tiền đền bù để bàn giao mặt bằng cho nhà thầu. Ảnh: CTV/BNEWS/TTXVN

Dự án cao tốc thành phần đoạn Chí Thạnh - Vân Phong có 2 gói thầu (XL01, XL02). Trong đó, gói thầu XL01 do Liên danh nhà thầu thi công gồm: Công ty cổ phần Tập đoàn Đèo Cả, Tổng công ty Thăng Long, Tổng công ty Xây dựng Lũng Lô, Công ty cổ phần Tập đoàn Phúc Lộc, Công ty cổ phần Xây dựng Dịch vụ và Thương Mại 68. Gói thầu có chiều dài 24km với giá trị gói thầu là 4.300 tỷ đồng. Trên tuyến, có 1 hầm dài hơn 1km và 16 cầu (gồm 11 cầu trên tuyến chính và 5 cầu trên tuyến ngang và nút giao).

Gói thầu XL02 do Liên danh thi công gồm: Công ty cổ phần Xây dựng Trung Nam 18 E&C - Tổng công ty Xây dựng số 1 - Công ty TNHH Xây dựng Tự Lập - Công ty cổ phần Tập đoàn Xây dựng Miền Trung. Gói thầu có chiều dài hơn 24 km với giá trị gói thầu là 4.103 tỷ đồng./.

Quang Toàn/BNEWS/TTXVN

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/nha-thau-cao-toc-chi-thanh-van-phong-gap-kho-vi-mat-bang/287527.html