Nguy cơ bùng phát nhiều dịch bệnh mùa đông xuân

Ngày 17-12, Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) đã có công văn gửi sở y tế các tỉnh, thành phố đề nghị tăng cường chỉ đạo và triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm chủ động phòng chống bệnh truyền nhiễm trong mùa đông xuân.

Bộ Y tế nêu rõ, hiện nay thời tiết mùa đông xuân với đặc trưng lạnh và ẩm đang tạo điều kiện thuận lợi cho các bệnh truyền nhiễm lây lan nhanh chóng, đặc biệt là các bệnh lây qua đường hô hấp. Bộ Y tế đề nghị các địa phương theo dõi và giám sát chặt chẽ các bệnh truyền nhiễm để phát hiện sớm và ngăn chặn nguy cơ bùng phát dịch. Trong đó, các địa phương cần tập trung theo dõi sát sao tình hình dịch bệnh tại cộng đồng, cơ sở y tế và các cửa khẩu.

Đặc biệt chú trọng đến các bệnh lây truyền qua đường hô hấp, các trường hợp viêm đường hô hấp cấp tính và hội chứng viêm phổi nặng do virus. Khi phát hiện ca bệnh hoặc ổ dịch, cần khẩn trương khoanh vùng, dập dịch, không để lan rộng trong cộng đồng. Đồng thời, chủ động hợp tác các viện vệ sinh dịch tễ/Pasteur để lấy mẫu, xét nghiệm tìm tác nhân gây bệnh, đánh giá nguy cơ và đề xuất các biện pháp xử lý kịp thời.

 Tiêm vaccine phòng sởi cho trẻ tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Thừa Thiên Huế. Ảnh: VĂN THẮNG

Tiêm vaccine phòng sởi cho trẻ tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Thừa Thiên Huế. Ảnh: VĂN THẮNG

Theo Bộ Y tế, tính đến tháng 12-2024, cả nước ghi nhận hơn 20.000 trường hợp nghi sởi, trong đó có gần 5.000 ca dương tính, 5 trường hợp tử vong liên quan đến sởi (so với cùng kỳ năm 2023, số nghi sởi cao hơn 52,9 lần, số ca sởi dương tính tăng cao hơn 111 lần).

Cùng với đó, cả nước ghi nhận hơn 1.000 ca mắc ho gà (tăng 23 lần so với năm 2023) và 1 ca tử vong. Đặc biệt, đã ghi nhận tới 7 trường hợp tử vong do cúm mùa. Đối với bệnh đậu mùa khỉ cũng ghi nhận 73 ca mắc, chủ yếu tập trung tại TPHCM và các tỉnh miền Nam.

Ngày 17-12, Sở Y tế TPHCM có văn bản gửi UBND quận huyện, TP Thủ Đức về việc tăng cường tổ chức tiêm vaccine phòng chống dịch sởi cho trẻ từ đủ 6 tháng đến dưới 9 tháng tuổi.

Theo Sở Y tế TPHCM, hiện các đơn vị mới tiêm được cho 8.853 trẻ, chỉ đạt tỷ lệ 24,21% theo kế hoạch đã đề ra. Vì vậy, đề nghị UBND quận huyện, TP Thủ Đức chỉ đạo các bộ phận liên quan có kế hoạch tăng cường thông tin, tuyên truyền, vận động người dân đưa trẻ từ đủ 6 tháng đến dưới 9 tháng tuổi ra trạm y tế hoặc cơ sở giáo dục, cơ sở trợ giúp xã hội để tiêm vaccine phòng chống dịch sởi; đảm bảo độ bao phủ vaccine trong thời gian sớm nhất, hoàn tất trước ngày 31-12-2024.

Tại Đà Nẵng, bác sĩ CKII Dương Quang Hải, Phó trưởng Khoa Đột quỵ Bệnh viện Đà Nẵng, cho biết, trung bình mỗi ngày, khoa tiếp nhận từ 15-20 bệnh nhân nhập viện điều trị, trong đó có nhiều bệnh nhân phải thở máy. Những trường hợp này đa phần bị đột quỵ nặng, xuất huyết não lượng nhiều hoặc bị tắc mạch máu não diện rộng.

Trong tháng 11 và đầu tháng 12, có khá nhiều bệnh nhân xuất huyết não, đặc biệt bệnh nhân nặng vào viện trong tình trạng xuất huyết não trên nền bệnh huyết áp cao. Tỷ lệ bệnh nhân chuyển biến xấu, tử vong rất lớn, từ 40%-50%.

Trong khi đó, tại tỉnh Thừa Thiên Huế, nhiệt độ xuống thấp kèm theo mưa khiến thời tiết càng giá rét, ảnh hưởng đến sức khỏe người dân. Khoa Phòng chống bệnh truyền nhiễm - Ký sinh trùng - Côn trùng (Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Thừa Thiên Huế) ghi nhận, từ 23-11 đến 8-12, số ca mắc sốt phát ban nghi sởi tăng cao. Ca bệnh sởi tập trung ở các địa phương như TP Huế, thị xã Hương Thủy các huyện Quảng Điền, Phú Vang, Phú Lộc.

Bác sĩ Nguyễn Thế Phiệt, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Thạch Hà (Hà Tĩnh), cho biết, đơn vị đã tiếp nhận 4 trường hợp là một gia đình bị ngộ độc khí CO do đốt than sưởi ấm gây ra. Bệnh nhân được cấp cứu trong tình trạng khó thở, ý thức lơ mơ, nôn mửa và chuyển vào Khoa Cấp cứu - Hồi sức tích cực và chống độc để điều trị hồi sức tích cực, thở oxy dòng cao... Đến ngày 17-12, tình trạng bệnh nhân ổn định và xuất viện.

NGUYỄN QUỐC - THÀNH AN - XUÂN QUỲNH - VĂN THẮNG - DƯƠNG QUANG

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/nguy-co-bung-phat-nhieu-dich-benh-mua-dong-xuan-post773576.html