Nguồn nhân lực quyết định thành công trong cuộc đua tỷ USD ngành bán dẫn

'Chúng ta cần nhìn nhận, giải quyết vấn đề 'định vị' và 'dịch chuyển' của cuộc đua phát triển ngành công nghiệp bán dẫn toàn cầu bằng những bài toán cụ thể với thời gian sớm nhất, ngắn nhất, trong đó, nguồn nhân lực sẽ quyết định sự thành công hay không thành công', Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nói.

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nhấn mạnh như vậy Hội thảo quốc tế “Nguồn nhân lực bán dẫn Việt Nam trong chuỗi cung ứng toàn cầu” vừa diễn ra.

Phó Thủ tướng nhấn mạnh, công tác đào tạo nhân lực ngành vi mạch bán dẫn không chỉ phục vụ Chiến lược phát triển ngành công nghiệp bán dẫn, nhu cầu của các doanh nghiệp tại Việt Nam mà cần nằm trong bài toán tổng thể của ngành vi mạch bán dẫn, công nghiệp điện tử toàn cầu.

Chiến lược đào tạo nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn đòi hỏi bài bản với các yêu cầu về đầu tư, chất lượng khác nhau (Ảnh minh họa)

Ngành công nghiệp nghìn tỷ USD vào năm 2030

Theo Phó Thủ tướng, ngành vi mạch bán dẫn là nền tảng của công nghiệp điện tử hiện đại, giữ vai trò hết sức quan trọng đối với nhiều giải pháp công nghệ hiện nay.

"Thị trường chip bán dẫn giữ vững tốc độ tăng trưởng nhanh và ổn định trong suốt 20 năm qua, và được dự báo sẽ trở thành ngành công nghiệp nghìn tỷ USD vào năm 2030', ông Hà nói.

Đề cập đến 6 công đoạn của ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn, trong đó một số công đoạn đang được giữ độc quyền, không chuyển giao công nghệ, Phó Thủ tướng cho rằng, những nước đang phát triển như Việt Nam cần có bước đi, để có cách tiếp cận hợp lý, hiệu quả, tham gia ngày càng sâu vào mọi công đoạn của ngành vi mạch bán dẫn.

Điều đó, theo Phó Thủ tướng đòi hỏi chiến lược đào tạo nhân lực bài bản với yêu cầu đầu tư, chất lượng khác nhau.

"Mỗi quốc gia đều có chiến lược riêng phát triển sản phẩm, nhóm sản phẩm trong hệ sinh thái công nghiệp bán dẫn dựa trên thế mạnh của mình", ông Trần Hồng Hà nêu vấn đề và cho rằng cùng với nguồn nhân lực trong nước, Việt Nam còn có nguồn tài nguyên quý giá là đội ngũ chuyên gia, nhà khoa học đầu ngành, nhân sự quản lý cấp cao là người Việt đang làm việc tại những doanh nghiệp vi mạch bán dẫn hàng đầu thế giới.

Đào tạo nhân lực vi mạch bán dẫn không chỉ trong nước

Phó Thủ tướng khẳng định, Việt Nam nhận thức rõ về vai trò, tầm quan trọng của ngành công nghiệp bán dẫn và hiện đang đứng trước thời cơ to lớn để trở thành một điểm đến chiến lược trong chuỗi cung ứng toàn cầu của ngành công nghiệp bán dẫn.

Việt Nam hiện có quan hệ đối tác chiến lược toàn diện với hầu hết các nước có ngành công nghiệp bán dẫn phát triển. Trong quan hệ Đối tác Chiến lược toàn diện Việt Nam-Hoa Kỳ, hai bên đặc biệt nhấn mạnh hợp tác đột phá là đổi mới sáng tạo và công nghệ cao.

Việt Nam đã ký Biên bản ghi nhớ hợp tác với Hoa Kỳ về phát triển hệ sinh thái ngành công nghiệp bán dẫn trong khuôn khổ chuyến thăm vừa qua của Tổng thống Joe Biden tháng 9/2023.

Gần đây, các tập đoàn sản xuất vi mạch bán dẫn hàng đầu (NVIDIA, Intel, Samsung, Synopsys…) đã có nhiều chuyến thăm, làm việc, khẳng định sự quan tâm, hợp tác, đẩy mạnh nghiên cứu, nghiên cứu cơ hội đầu tư, phát triển, hướng tới xây dựng các trọng điểm sản xuất bán dẫn tại Việt Nam.

"Chúng ta cần nhìn nhận, giải quyết vấn đề 'định vị' và 'dịch chuyển' của cuộc đua phát triển ngành công nghiệp bán dẫn toàn cầu bằng những bài toán cụ thể với thời gian sớm nhất, ngắn nhất, trong đó, nguồn nhân lực sẽ quyết định sự thành công hay không thành công", Phó Thủ tướng nói.

Ông Trần Hồng Hà nêu rõ, việc nhanh chóng xây dựng được đội ngũ nhân lực chất lượng cao, có chuyên môn sâu về vi mạch bán dẫn là mấu chốt, là cơ hội, cũng là thách thức lớn nhất để Việt Nam phát huy tốt tiềm năng, lợi thế.

Mỗi công đoạn của ngành vi mạch bán dẫn cần dự báo, đánh giá nhu cầu nhân lực của thị trường trong nước, thế giới, cũng như xu hướng phát triển của các ngành công nghiệp điện tử.

Đào tạo dựa trên tín hiệu thị trường, tránh phát triển nóng, tràn lan

Lưu ý cần xác định thế mạnh của Việt Nam, có thể nghiên cứu, tiếp nhận, chuyển giao, làm chủ ngay những công đoạn nào trong chuỗi giá trị công nghiệp bán dẫn, từ đó theo Phó Thủ tướng sẽ đánh giá được nền tảng, tiềm năng nguồn nhân lực.

"Những công đoạn cần đi xa, đi vững chắc thì xác định những lĩnh vực đầu tư nghiên cứu cơ bản, đào tạo chuyên sâu. Vấn đề đặt ra là cần xây dựng tháp nhân lực phù hợp đối với từng trình độ đào tạo theo lộ trình triển khai Chiến lược phát triển công nghiệp bán dẫn của Việt Nam", ông nói.

"Đào tạo ngành vi mạch bán dẫn cần có tính toán, dự báo dựa trên tín hiệu thị trường, thực sự đáp ứng nhu cầu của thị trường, tránh phát triển nóng, tràn lan, thiếu hiệu quả. Việc đào tạo ngành này đòi hỏi phải đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế, tiếp cận với các công nghệ tiên tiến, hiện đại. Nhà nước giữ vai trò chủ đạo", ông Trần Hồng Hà nhấn mạnh thêm.

Phó Thủ tướng ghi nhận sự tham gia của Đà Nẵng, TPHCM cũng như các đối tác liên quan khác trong việc hợp tác đầu tư cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực, "đi trước một bước" hình thành nền tảng cho ngành công nghiệp bán dẫn.

. Thanh Nhung

Nguồn Dân Sinh: https://dansinh.dantri.com.vn/nhan-luc/nguon-nhan-luc-quyet-dinh-thanh-cong-trong-cuoc-dua-ty-usd-nganh-ban-dan-20240505161709405.htm