Người dành cả cuộc đời mình để nghĩ về những hy sinh của đồng đội

92 tuổi, ông Nguyễn Quang Tuấn ở thôn Lợi Chấp, xã Vĩnh Hòa (Vĩnh Lộc) có 2 năm đi bộ đội tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ, nhưng lại dành cả cuộc đời mình nghĩ về những hy sinh của đồng đội, để ông có nhiều ngày tháng sống tốt đẹp hơn.

Cựu chiến binh Nguyễn Quang Tuấn.

Nhập ngũ tháng 1/1952 khi vừa 20 tuổi, ông Nguyễn Quang Tuấn đã có một hành trình đáng nhớ. Người lính già hồi ức về hành trình lên Điện Biên: “Vượt qua đường dài, rừng rậm, suối sâu, đèo cao, gần một tháng trời chúng tôi mới lên đến Tây Bắc. Vào nơi trú quân, bộ đội chúng tôi coi rừng là nhà, cỏ cây là bè bạn. Ngày đêm hát hò đàn sáo rung động cả núi rừng. Mừng nhất là đồng bào Tây Bắc chờ đón chúng tôi như những người con đi xa nay trở về với mế”.

Rồi ông tiếp tục kể: “Thế hệ tôi 20 tuổi hồn nhiên thế đấy. Ổn định nơi ở, giai đoạn lên đường khốc liệt lại diễn ra, tiếng cuốc xẻng choang choang ngày đêm chọi với đất đá. Xung quanh rừng núi và cỏ cây. Địch ngày đêm lùng sục, ném bom đốt cháy cả khu rừng, làm sụt cả đoạn đường. Chúng phá hoại đến đâu thì bộ đội ta sửa đường đến đó. Có những đoạn suối sâu đèo cao, ta đã bạt rừng, khai thác vận chuyển hàng trăm ngàn khối gỗ để bắc cầu phao, lấp những vũng lầy để xe ta băng băng ngày đêm ra tiền tuyến.

Những ngày làm đường, kéo pháo vất vả mệt nhọc, tranh thủ những lúc nghỉ ngơi anh em lại cải thiện bằng cách vào rừng đào củ mài, hái rau tàu bay, lấy quả sấu về nấu canh chua. Thú vị hơn còn tổ chức giao lưu văn nghệ, viết báo tường, báo liếp thi đua giữa các đơn vị, không khí càng thêm tươi vui nhộn nhịp. Một lần cười vỡ bụng, anh em đang ca hát vui nhộn thì máy phát thanh trên máy bay địch khoác lác "Sư đoàn 312 đã bị tiêu diệt”.

Là bộ đội thuộc đại đội 20, tiểu đoàn 16, trung đoàn 141, Sư đoàn 312, ông nhớ rõ: Khi ấy, các đơn vị còn thi đua tổ chức đánh lén, đánh tỉa. Cây cao là đài quan sát, bụi rậm là nơi ẩn nấp bắt sống địch, tên nào ló mặt ra là bị ăn đạn ngay.

"Vòng vây ngày càng thắt chặt, bọn địch càng hoảng hốt. Chúng tăng cường binh lực, vũ khí cho các cứ điểm. Máy bay địch ném bom bắn phá dữ dội ác liệt hơn, nhiều đoạn đường bị sụt, chúng tìm trăm mưu ngàn kế để chặn bước tiến của quân ta. Chúng đánh đường này chúng tôi đi đường khác, mạch đập con đường vẫn nhịp nhàng cho đến ngày 13/3/1954 trận đánh mở màn bắt đầu. Đồn Him Lam bị tiêu diệt, đêm sau, đồn Độc Lập bị san phẳng. Binh lính đồn Bản Kéo run sợ lục đục kéo nhau ra hàng.

Còn sống là tôi còn nhớ về những ngày đó", ông Tuấn nói trong sự xúc động.

Khi tôi hỏi: Điều ông nhớ nhất là gì, ông chỉ nói: "Kéo pháo. Giờ các cô nghe hò kéo pháo thấy rộn ràng thế còn lúc đó chúng tôi lại khác".

Ông Nguyễn Quang Tuấn bên kỉ vật thời Điện Biên Phủ.

Ông kể lại: "Sáng sớm ngày 15/1/1954, hơn 5.000 người được rải đều trên suốt các bìa rừng, sườn núi, có nơi chỉ cách địch có 4km, trong tầm đại bác của chúng. Hàng ngàn cánh tay vung lên, sỏi đá tóe lửa, cây to bị đánh bật gốc. Pháo binh địch thỉnh thoảng bắn vu vơ. Đang giữa tiết mùa đông mà quần áo chúng tôi đều đầm đìa mồ hôi. Cơm ăn ngay tại chỗ, ăn xong lao vào việc ngay. Con đường hiện ra dần dần không phải nhờ có phép lạ mà chính bằng quyết tâm và sức lao động phi thường của quân ta. Chỉ ít ngày sau, con đường kéo pháo dài 15km, rộng 3m đã hoàn thành. Cả đoạn đường có trên chục dốc cao, có dốc tới 40 độ C, bên đường là vực sâu. Đường làm đến đâu anh em lại vít cành cây, dựng dàn mướp trồng cây để ngụy trang đến đó".

Sư đoàn 312 chiếm phần lớn lực lượng kéo pháo. Những cỗ pháo nặng trên hai tấn bắt đầu cắt khỏi xe, được kéo bằng tay từ km70 đường Tuần Giáo. Để nâng cao tốc độ kéo, bảo đảm cho đúng ngày quy định, anh em đã họp bàn rút kinh nghiệm, nhiều ý kiến đóng góp rất sôi nổi: "Yêu cầu công binh mở rộng đường vòng, bạt bớt dốc, thiết bị tời chắc chắn, dùng dây cóc rừng để kéo, bố trí dây kéo hợp lý hơn... Những tiếng dô... ta, hai... ba vang lên. Nhiều đồng chí tôi sẵn sàng để pháo lăn qua chân để đưa pháo vào trận địa kịp nổ súng. Nghĩ đến thôi đã không cầm được nước mắt”.

Bảy ngày đêm trôi qua, hàng ngàn chiến sĩ đã vượt qua khó khăn, lập kỳ công bí mật đưa pháo vào trận địa an toàn. Tưởng như vậy đã hoàn thành nhiệm vụ, chỉ chờ lệnh nổ súng nhưng tức thời lại được lệnh của cấp trên “kéo pháo ra” để thực hiện phương châm “đánh chắc, tiến chắc”. Các cỗ pháo lại được ngụy trang kín đáo, để đưa tới vị trí an toàn, bảo đảm ngày nổ súng mở màn chiến dịch đúng quy định.

Sau năm 1954, ông Nguyễn Quang Tuấn sang Trung Quốc học sư phạm. Ông dạy học ở Hà Nội, rồi vào Nghệ An, và kể từ năm 1960 về hẳn Thanh Hóa. Ông là giáo viên dạy văn có tiếng ở Vĩnh Lộc. Nhắc đến thầy Tuấn, các thế hệ học sinh Trường THCS Vĩnh Hòa (Vĩnh Lộc) ai cũng nhớ. Vì sau giờ lên lớp, thầy lại tìm các tài liệu, ghi chép vào mấy cuốn sổ về cuộc kháng chiến chống Pháp và chiến dịch Điện Biên Phủ. Bởi sau những đợt dạy, vào những ngày tháng 5 lịch sử, ông vẫn đi kể chuyện Điện Biên ở các trường học trên địa bàn huyện Vĩnh Lộc.

Mang trong mình vết thương chiến tranh, ông hiện là thương binh hạng 3.

Lần giở trong chiếc hộp sắt, ông khoe với chúng tôi về quân hàm Thiếu úy của mình và kể: “70 năm đã qua, tôi cất giữ từng tờ giấy một. Trong đó có tờ giấy chứng nhận của Bộ Thương binh kí ngày 3/8/1956 về việc tôi được Hồ Chủ Tịch tặng Huy hiệu Chiến sĩ Điện Biên Phủ vì đã trực tiếp tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954. Và cả tờ chứng nhận đeo huy chương Chiến thắng hạng nhì do Bộ Quốc phòng kí ngày 6/3/1958".

"Lần cuối tôi lên Điện Biên là năm 2014, tôi là 1 trong 9 cựu chiến binh chống Pháp tiêu biểu do Hội Cựu chiến binh tỉnh tổ chức. Đoàn đi lúc đó người trẻ nhất cũng sinh năm 1935, người già nhất sinh năm 1927. Chớp mắt đã 10 năm, trong số đó hầu hết đã về miền mây trắng", ông Tuấn nói.

92 tuổi, sức khỏe ông đã kém, một bên mắt gần như không nhìn thấy chữ. Nhưng chỉ cần cầm bức ảnh lên, nhìn loáng loáng là ông có thể kể cho chúng tôi nghe lí do tại sao lại có bức ảnh đó, tại sao ông lại đứng ở vị trí đó.

Càng lật từng tờ giấy, hay chiếc huy hiệu, nước mắt ông Tuấn càng rơi nhiều hơn. “Tôi may mắn hơn nhiều đồng đội của mình, vì không chỉ được sống sót trở về, mà còn được sống đến ngày hôm nay, sau 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ”.

Nhân kỉ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, Đại tá Lê Văn Diện, Chỉ huy trưởng Bộ CHQS tỉnh đã đến thăm hỏi chiến sĩ Điện Biên - thương binh Nguyễn Quang Tuấn.

Hành trang đời lính của ông ngoài bộ quần áo là những vần thơ: “Chiến sĩ Điện Biên đồng chí ơi/ Xin anh sống mãi ở trên đời/ Để nghe anh kể ngàn thế kỷ/ Sang sảng hùng ca đất với người”. Trực tiếp chiến đấu và chứng kiến những hy sinh của đồng đội mình ông càng thấm, càng khắc ghi và hiểu hơn về cái “sang sảng hùng ca đất với người”.

KIỀU HUYỀN

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/nguoi-danh-ca-cuoc-doi-minh-de-nghi-ve-nhung-hy-sinh-cua-dong-doi-213329.htm