Người dân TP.HCM: 'Tôi không biết tên đường sai suốt 50 năm'

Nhiều người dân sinh sống trên các tuyến đường được đặt tên không chính xác ở TP.HCM lo lắng sẽ phải làm lại hàng loạt giấy tờ.

Theo báo cáo mới được đưa ra của Sở Văn hóa Thể thao TP.HCM, địa bàn thành phố hiện có 38 tuyến đường đặt tên không chính xác.

Trong đó, 19 tuyến đường được đề xuất điều chỉnh vì sai so với họ tên nhân vật và sự kiện lịch sử. Số còn lại đặt tên theo phương ngữ, lệ kỵ húy hoặc tên khác của nhân vật lịch sử, được Sở Văn hóa Thể thao đề xuất giữ nguyên nhằm tránh gây xáo trộn đời sống người dân.

Theo ghi nhận của Zing, phần lớn người dân tại các tuyến đường trong danh sách trên đều bất ngờ, không biết về việc tên đường bị sai. Bên cạnh nhiều ý kiến lo lắng phải làm lại giấy tờ nếu tên đường bị đổi, những người khác cho rằng nhất định phải điều chỉnh để đúng với nhân vật, sự kiện lịch sử.

Tuyến đường mang tên Trần Khắc Chân (tên đúng là Trần Khát Chân) từ năm 1955 đến nay. Ảnh: P.T.

Không biết tên đường bị sai

Cùng gia đình sinh sống tại hẻm số 4, đường Trần Khắc Chân (quận 1) 50 năm nay, bà Trần Mỹ Lan (sinh năm 1971) tỏ ra bất ngờ trước thông tin 38 tên đường, trong đó có đường nhà mình hiện không chính xác.

“Từ thời cha mẹ tôi, tên đường đã như vậy rồi. Bản thân tôi, 50 năm sinh sống ở đây, cũng không hề biết tên đường đúng phải là Trần Khát Chân”.

Theo bà Lan, việc viết sai có thể xuất phát từ cách phát âm, đọc lệch theo phương ngữ. “Thực sự nếu là các nhân vật lịch sử nổi tiếng như Hai Bà Trưng, Trần Hưng Đạo, Ngô Quyền thì rất khó đọc sai. Nhưng với những cái tên ít phổ biến hơn, đọc lệch lâu ngày, dần dần tên sai lại được biết đến nhiều hơn tên đúng”, bà Lan nói với Zing.

“Nếu thành phố có chủ trương, yêu cầu đổi, chúng tôi vẫn sẽ thực hiện. Nhưng điều lo lắng nhất là phải làm lại rất nhiều giấy tờ liên quan. Điều này thực sự phiền phức”, bà nói thêm.

Đường Nghĩa Thục được đề xuất đổi thành Đông Kinh Nghĩa Thục, Nguyễn Văn Tráng thành Phạm Văn Tráng.

Giống bà Lan, bà Nguyễn Ngọc Bích (60 tuổi), sống trên đường Nguyễn Văn Tráng (tên chính xác phải là Phạm Văn Tráng), phường Bến Thành, quận 1, cũng băn khoăn.

“Đổi một cái sẽ ảnh hưởng đến toàn bộ giấy tờ liên quan: Hộ khẩu, chứng minh, giấy tờ xe... Trước nay vẫn quen là Nguyễn Văn Tráng, nếu đổi thì người ở xa lâu ngày hay người lạ tới đây có thể không tìm được địa chỉ”.

“Còn nếu trong trường hợp buộc đổi thành Phạm Văn Tráng, phải có thông báo rộng rãi để mọi người được biết. Chính quyền cần cho người dân thời gian cụ thể, ví dụ ngày nào tổ nào, phường nào đi đổi phải rõ ràng. Người dân nên được tạo điều kiện làm việc dễ dàng, nhanh chóng để còn có giấy tờ phục vụ công việc liên quan”, bà Bích nêu ý kiến.

“Lịch sử cần phải chính xác”

Trong khi đó, dù bất ngờ, không ít người dân cho rằng việc điều chỉnh lại bảng tên cho đúng với tên nhân vật lịch sử là cần thiết.

Ngô Thảo Nhi (23 tuổi), sống ở đường Kha Vạn Cân, quận Thủ Đức (được đề xuất điều chỉnh thành Kha Vạng Cân), cho biết: “Việc đặt tên các con đường theo tên anh hùng, danh nhân lịch sử là nhằm ghi nhớ, tôn vinh công lao của họ nhưng giờ lại bị viết sai là rất kỳ quặc. Thà không biết, còn nếu đã chỉ ra tên đó là sai, thì chắc chắn phải đổi lại”.

Bà Lê Thị Luyến (60 tuổi) cùng gia đình sống trên đường Nghĩa Thục (phường 5, quận 5) qua nhiều thế hệ. Theo phương án đề xuất, đường này cần đổi thành Đông Kinh Nghĩa Thục để đúng theo sự kiện lịch sử.

“Tên đường này có trước khi tôi sinh ra. Ngày xưa học lịch sử rồi nghe tên đường Nghĩa Thục, tôi chỉ đơn giản nghĩ người ta lấy tên theo phong trào Đông Kinh Nghĩa Thục, nhưng viết lại cho gọn, không để ý lắm”.

Bà Lê Thị Luyến cho rằng việc điều chỉnh tên đường là cần thiết.

Tuy nhiên, theo bà Luyến, việc điều chỉnh tên con đường để đầy đủ và chính xác hơn là cần thiết bởi không phải ai cũng hiểu rõ lịch sử. Nên nếu biết tên đó sai rồi nhưng cứ để như vậy sẽ gây nên nhiều cách hiểu không đúng.

“Lịch sử cần phải chính xác, rõ ràng, đâu thể cứ nửa vời. Đường này và một số đường khác bị đặt sai cả tên nhân vật lịch sử thì dĩ nhiên phải sửa. Có một thực tế là rất nhiều học sinh đi thi Lịch sử điểm thấp, nghĩa là các cháu không hiểu biết về môn đó. Như vậy, việc điều chỉnh tên đường đúng với nhân vật, phong trào lịch sử càng quan trọng, giúp thống nhất kiến thức sách vở các em được học với thực tế cuộc sống. Chính quyền, người lớn phải làm đúng để lớp trẻ học tập theo”.

Về những xáo trộn, thay đổi giấy tờ sau khi đổi tên đường, bà Luyến không quá lo lắng. “Con đường này cũng không quá nhiều hộ dân, chỉ cần mỗi người chịu khó một chút là sẽ ổn. Cái quan trọng nhất là tên đường được viết đúng thôi. Tôi rất sẵn lòng, vui vẻ để đi làm lại giấy tờ nếu chính quyền yêu cầu”.

Huệ Lâm - Đào Phương

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/nguoi-dan-tphcm-50-nam-song-o-day-toi-khong-biet-ten-duong-sai-post1134724.html