Nghĩa của 'KHAO' trong 'KHÔ KHAO', 'KHÁT KHAO'

Một số từ như khô khao, khát khao, khao khát, được Từ điển từ láy tiếng Việt (Viện Ngôn ngữ - Hoàng Văn Hành chủ biên) thu thập và giải nghĩa. Vậy, khao trong những từ vừa nêu có nghĩa là gì?

Chúng ta xem xét từng trường hợp:

- “KHÔ KHAO tt. Khô tới mức như không còn một chút hơi nước nào. “Gió cô đơn thổi qua khoảng không gian khô khao, cát bụi” (trích Từ điển từ láy tiếng Việt).

Khô khao là từ ghép đẳng lập gốc Hán [xét nghĩa lịch đại]: khô chỉ tình trạng kiệt nước của vật thể (như lá khô; ruộng khô; “Khô thụ sinh hoa”); khao cũng có nghĩa là khô (như khát khao).

Khô khao là kiểu tạo từ giống như khô ráo (trong đó, ráo cũng có nghĩa là khô).

Hán ngữ đại từ điển giảng:

- “khô: 1. cỏ cây khô héo; 2. chỉ sự khô héo của cây cỏ; 3. phiếm chỉ vật khô kiệt; 4. khô cạn; 5. khiến cho khô cạn; 6. tiều tụy; gầy gò,v.v...”.

- “khao: 1. khô khao; cạn khô; 2. phiếm chỉ sự khô kiệt; 3. đặc chỉ lá khô”.

- “khô khao: 1. cây cỏ khô héo, tàn úa; 2. chỉ vẻ khô héo của cây cỏ; 3. gầy mòn, tiều tụy; 4. cạn khô; khô kiệt...”.

Từ điển Lê Văn Đức: “khao • bt. Khô, ráo nước ở cuống họng, khiến khát nước hoặc nói tiếng nhỏ, không trong: Khát-khao, tiếng khao, nói khao-khao”.

Chúng ta có thể tìm thấy cách giảng tương tự trong một số cuốn từ điển tiếng Việt:

- Từ điển Lê Văn Đức: “khao • bt. Khô, ráo nước ở cuống họng, khiến khát nước hoặc nói tiếng nhỏ, không trong: Khát-khao, tiếng khao, nói khao-khao”.

- Đại Nam quấc âm tự vị: “khao c. Khô; khô khao: khô ráo, cũng là tiếng đôi”.

Như vậy, khao trong khô khao là một yếu tố gốc Hán, có nghĩa là khô.

Tiếp theo, chúng ta xét hai từ khát khao và khao khát:

- “KHAO KHÁT đgt. Ao ước, mong muốn một cách cao độ. Khao khát tin nhà. Khao khát chờ ngày gặp mặt người thân. “Con đường mà bấy lâu nay tôi khao khát chính là ở đây rồi”.

- “KHÁT KHAO đgt. Như khao khát. “Không ở ai khát khao về mặt này lại có thể mãnh liệt như ở cô”. (Ma Văn Kháng)”.

Nghĩa của khao, trong khao khát/khát khao, cũng chính là khao trong khô khao, mà Hán ngữ đại từ điển đã giảng (xem lại phân tích ở mục khô khao). Còn khát, được từ điển này giảng nghĩa 1 là “miệng khô muốn uống nước”.

Không thấy Hán ngữ đại từ điển thu thập từ khát khao, và khao khát. Có thể đây là từ Hán Việt Việt tạo (từ Hán Việt được tạo nên bởi các yếu tố gốc Hán, chỉ có trong tiếng Việt).

Khao khát hay khát khao đều là từ ghép đẳng lập Hán Việt [nghĩa lịch đại]: khao nghĩa là khô (như khô khao); khát là cảm giác thèm, muốn uống nước, hoặc tình trạng thiếu nước (như khát nước; khát sữa; miền đất khát; “Khát nhi quật tỉnh” = Khi khát mới đào giếng):

- Đại Nam quấc âm tự vị: “khát khao: Khát, muốn uống lắm; ước muốn lắm.”; “khao khát: id”; “khao khao: tiếng nói không trong, như khi khô cổ. Nói tiếng khao khao. id”. (HTC nhấn mạnh).

Như vậy, qua những phân tích trên đây, chúng ta hiểu rằng, khao là trong khô khao, là yếu tố gốc Hán, có nghĩa là khô. Còn khát khao, vốn có nghĩa muốn uống nước, thèm nước. Về sau khát khao, hay khao khát được dùng với nghĩa rộng hơn, chỉ cảm giác thèm muốn, ước ao về điều gì đó rất mãnh liệt, chẳng khác nào người khát thèm được uống nước. Tương tự như từ thèm khát: ban đầu có nghĩa cảm giác thèm và khát của người vừa bị đói, vừa bị khát, sau thèm khát được dùng với nghĩa khao khát, thèm muốn điều gì đó rất tha thiết, giống như người đói khát thèm ăn, thèm uống vậy.

Lý Thủy

Nguồn Thanh Hóa: https://vhds.baothanhhoa.vn/van-hoa/nghia-cua-khao-trong-kho-khao-khat-khao/27399.htm