Nghỉ hè, những giáo viên nào bận rộn, thiệt thòi nhất?

Việc nghỉ hè của giáo viên –cho dù cùng trường, cùng cấp học, thậm chí cùng khối, cùng bộ môn với nhau nhưng lại đang rất khác nhau.

Những ngày cuối tháng 5, các trường học từ cấp Mầm non đến Trung học phổ thông đang tiến hành tổng kết năm học. Tuy nhiên, năm học kết thúc không phải thầy cô nào cũng được nghỉ hè ngay bởi thực tế nhiều thầy cô được nghỉ hè nhưng cũng có nhiều thầy cô tất bật với rất nhiều công việc ở phía trước.

Nhiều thầy cô tham gia coi thi, chấm thi; nhiều thầy cô tham gia các phong trào Đoàn-Đội; nhiều thầy vẫn tiếp tục bồi dưỡng cho học sinh tham gia một số phong trào hè…

Trong số những thầy cô tham gia vào những công việc của trường, của ngành, có thầy cô được hưởng chế độ nhưng cũng không ít thầy cô tham gia nhiều phong trào, nhiều hoạt động nhưng không được hưởng một chút quyền lợi nào.

Ảnh minh họa: Báo Giáo dục và Thời đại

Nhiều thầy cô làm công việc chuyên môn trong hè có thêm hỗ trợ

Theo hướng dẫn tại điểm a khoản 1 Điều 3 Nghị định 84/2020/NĐ-CP quy định thời gian nghỉ hè của nhà giáo như sau: “Thời gian nghỉ hè hằng năm của giáo viên cơ sở giáo dục mầm non, cơ sở giáo dục phổ thông, trường chuyên biệt là 08 tuần, bao gồm cả nghỉ phép hằng năm”.

Về cơ bản, giáo viên sẽ được nghỉ hè 8 tuần theo luật định. Tuy nhiên, căn cứ vào đặc thù công việc của từng cấp học, từng khối học, từng môn học nên giáo viên cũng có người được nghỉ hè ngay và cũng có không ít giáo viên chưa được nghỉ hè.

Đối với giáo viên cấp Mầm non, Tiểu học và phần lớn những thầy cô ở cấp Trung học cơ sở vì không liên quan đến thi tuyển sinh 10 và thi tốt nghiệp Trung học phổ thông thì sẽ có thời gian nghỉ hè trọn vẹn hơn.

Những thầy cô đang dạy các môn thi tuyển sinh 10; thi tốt nghiệp Trung học phổ thông thì tiếp tục ôn thi cho đến khi kỳ thi diễn ra mới kết thúc. Vì thế, giáo viên cấp Trung học phổ thông và giáo viên dạy các môn thi tuyển sinh 10 có phần bận rộn hơn.

Bởi lẽ, đối với giáo viên lớp 9 nằm trong các môn thi tuyển 10 vừa ôn thi xong sẽ có một bộ phận giáo viên được điều động tham gia gác thi, chấm thi.

Nhiều giáo viên Trung học phổ thông vừa coi thi, chấm thi tuyển sinh 10; vừa ôn thi, coi thi , chấm thi tốt nghiệp Trung học phổ thông nên thời gian nghỉ hè còn lại là rất ít. Tuy nhiên, đổi lại sự bận rộn, vất vả và áp lực thì những thầy cô này sẽ có thêm một số khoản thu nhập ngoài lương.

Đối với những thầy cô đang ôn thi tại trường theo kế hoạch thì ngoài lương chính sẽ có thêm tiền dạy thêm- khoản tiền này do học sinh đóng hàng tháng, hoặc đóng cả khóa ôn thi.

Khi tham gia coi thi, chấm thi, giáo viên còn có thêm tiền chế độ riêng được trả theo ngày hoặc theo sản phẩm (số lượng bài chấm thi). Ngoài ra, còn có thêm chế độ công tác phí, tiền nghỉ (nếu xa đơn vị hơn 15 km).

Chính vì vậy, dù vất vả nhưng những thầy cô tham gia công tác ôn thi, gác thi, chấm thi cũng có thêm một khoản thu nhập dù không cao nhưng cũng có thể gọi là có thu nhập thêm chân chính. Việc tham gia ôn thi, chấm thi còn giúp cho giáo viên có thêm nhiều kinh nghiệm phục vụ cho công tác, giảng dạy hằng năm.

Nhiều thầy cô tham gia các hoạt động giáo dục trong hè…không có chế độ

Dịp hè, học sinh từ cấp Tiểu học đến Trung học phổ thông đều phải tham gia sinh hoạt hè tại trường theo kế hoạch của Hội đồng Đội ở các địa phương.

Người đóng vai trò chủ đạo để điều hành, tổ chức các hoạt động Đoàn –Đội tại trường là những thầy cô Tổng phụ trách Đội (cấp Tiểu học, Trung học cơ sở); thầy cô là Bí thư; Phó Bí thư Đoàn trường (cấp Trung học phổ thông).

Việc sinh hoạt hè không phải là xuyên suốt nhưng ở nhiều nơi, mỗi tuần sẽ có một số buổi học sinh vào trường và giáo viên chuyên trách Đoàn- Đội sẽ chịu trách nhiệm chính nên những thầy cô này thường xuyên phải có mặt ở trường.

Không chỉ đơn thuần là sinh hoạt hè theo kế hoạch của đơn vị mà các trường còn phải tham gia các hoạt động Đoàn-Đội của địa phương (xã, phường) tổ chức và các hoạt động của ngành tổ chức. Nhiều cuộc thi, nhiều phong trào Đoàn –Đội được phát động trong dịp hè. Vì thế, bên cạnh sự có mặt thường xuyên của giáo viên Đoàn- Đội sẽ kéo theo một số thầy cô bộ môn khác tham gia cùng.

Nhiều nhất là giáo viên Mĩ thuật; Âm nhạc; Thể dục vì có nhiều hoạt động liên quan đến các môn học này. Nhà trường sẽ điều động giáo viên thường xuyên.

Trong các môn này, giáo viên Mĩ thuật thường vất vả hơn cả vì năm nào cũng có rất nhiều cuộc thi vẽ tranh của ngành giáo dục; Đoàn- Đội địa phương; Hội đồng Đội các cấp; một số tổ chức, tạp chí cũng phát động thi vẽ tranh…

Ngoài ra, còn phải đến đội ngũ giáo viên chủ nhiệm- dù không nhiều như một số môn đặc thù nhưng những buổi sinh hoạt hè thì giáo viên chủ nhiệm cũng thường phải vào trường để quản lý học trò.

Tuy nhiên, khác với những thầy cô ôn thi, coi thi, chấm thi tuyển sinh 10; thi tốt nghiệp Trung học phổ thông có chế độ đầy đủ thì những thầy cô tham gia vào các hoạt động Đoàn- Đội trong hè không hề có chế độ gì ngoài lương chính của mình.

Vì thế, nghỉ hè có nhiều thầy cô bộ môn được nghỉ hè xuyên suốt 8 tuần- họ chỉ tham gia tập huấn vài buổi thì có nhiều thầy cô tham gia các hoạt động giáo dục; các hoạt động ngoại khóa xuyên suốt dịp hè. Làm tốt có thể được khen, thậm chí không được khen nhưng làm không tốt, làm không có kết quả nhiều khi còn bị quở trách.

Vì vậy, việc nghỉ hè của giáo viên –cho dù cùng trường, cùng cấp học, thậm chí cùng khối, cùng bộ môn với nhau nhưng lại đang rất khác nhau.

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

NGUYÊN KHANG

Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/nghi-he-nhung-giao-vien-nao-ban-ron-thiet-thoi-nhat-post242997.gd