Nghệ sĩ trẻ nặng lòng với chầu văn

Tôi gặp Hoài Thanh lần đầu tiên tại sự kiện tổng kết cuối năm của một đơn vị báo chí. Mùa đông đã đi quá nửa chặng đường nhưng Hà Nội những ngày tháng chạp trời vẫn còn rất lạnh, vậy mà cái lạnh ấy bỗng chốc như tan biến đi khi chàng nghệ sĩ trẻ Hoài Thanh cất giọng hát đầm ấm lên.

Tiếng hát của anh làm tôi ấn tượng mãi đến khi ra về. Chầu văn thì tôi nghe nhiều nhưng người trẻ hát chầu văn mà lại hát hay, truyền cảm thì Hoài Thanh là người đầu tiên tôi được nghe. Điều này thôi thúc tôi phải tìm gặp lại anh để tìm hiểu thêm về người nghệ sĩ trẻ tài năng này.

Hoài Thanh sinh năm 1989 tại vùng quê lúa Thái Bình, cái nôi của nghệ thuật chèo cổ. Những điệu chèo theo lời ru, câu hát thấm đẫm vào trong con người Hoài Thanh một cách rất tự nhiên nên từ khi cậu còn là đứa trẻ đã bắt đầu ngâm nga những câu chèo. Giọng hát của Hoài Thanh theo anh chia sẻ là được thừa hưởng một phần từ bố. Bố của Hoài Thanh dù không phải là ca sĩ chuyên nghiệp nhưng những bài chèo ông hát luôn sâu lắng và dạt dào cảm xúc.

Nghệ sĩ Hoài Thanh say sưa trình diễn những làn điệu chầu văn.

Sau khi tốt nghiệp cấp ba, Hoài Thanh theo học môn nghệ thuật chèo tại Trường Cao đẳng văn hóa nghệ thuật Thái Bình, trong thời gian này anh có cơ hội được tiếp xúc và bén duyên với hát chầu văn, loại hình nghệ thuật diễn xướng dân gian gắn với tín ngưỡng thờ Mẫu của người Việt. Nghệ sĩ Hoài Thanh kể: “Lần đó khi đang đi bộ tôi tình cờ được nghe thầy Khắc Tư và chú Trọng Quỳnh hát chầu văn từ một đĩa nhạc mà ai đó bật lên. Ngay từ giây phút đó tôi đã bị cuốn hút bởi những câu hát luyến láy của làn điệu chầu văn. Tôi ngồi nghe hát mà cảm thấy cả người lâng lâng và mong muốn học hát môn nghệ thuật này. Từ đấy tôi bắt đầu tìm tòi và học hát chầu văn cũng như các loại nhạc cụ liên quan”.

Nói về lý do “say” hát chầu văn thay vì một trường phái nghệ thuật chuyên biệt nào khác, Hoài Thanh cho hay, ở nghệ thuật chầu văn có thể mượn các làn điệu nhạc cổ truyền khác như ca trù, quan họ, hò Huế và kể cả những điệu hát của các dân tộc thiểu số. Vậy nên khi học và hát chầu văn cũng có nghĩa là được thử sức với nhiều loại hình nghệ thuật. Lời hát và âm điệu, nhịp điệu trong chầu văn là đặc trưng khiến nó khác biệt với những loại hình âm nhạc truyền thống khác.

Người tham gia hát văn được gọi là cung văn, cung văn không chỉ hát giỏi mà còn phải biết về các làn điệu và cách chơi nhạc cụ. Nhạc cụ để hát chầu văn cơ bản cần có đàn nguyệt, trống nhỏ và cảnh đôi, ngoài ra tùy thuộc vào quy mô buổi lễ và phong tục địa phương sẽ có thêm những loại nhạc cụ khác. Để học và có thể hát được chầu văn như ngày hôm nay anh đã trải qua muôn vàn khó khăn thử thách, nếm đủ những trái đắng mới được ăn quả ngọt.

Hoài Thanh tâm sự, khó khăn đầu tiên của anh đến từ sự lựa chọn hướng đi. Là một người học bài bản về chèo nhưng lại trót mê chầu văn. Cả hai loại hình nghệ thuật này đều phải dành rất nhiều thời gian, công sức rèn luyện và trau dồi. Với hoạt động nghệ thuật chèo còn có cả biểu diễn, mỗi năm các nghệ sĩ chèo phải ít nhất tập một, hai vai diễn để có tác phẩm ghi dấu ấn với công chúng. Tương tự như chèo, chầu văn với các khí cụ và nhiều làn điệu khác nhau cũng cần bỏ nhiều công sức chứ không thể chỉ cưỡi ngựa xem hoa, hai chân hai thuyền mà có thành quả được. Đứng trước bài toán mang tính bước ngoặt trong sự nghiệp, sau nhiều ngày tháng đắn đo, Hoài Thanh đã chọn chầu văn làm hướng đi chính. Anh tin mình là người được chọn để thực hiện nhiệm vụ giữ gìn và phát huy những giá trị văn hóa tốt đẹp của hát chầu văn.

Hoài Thanh kể, khi quyết tâm nghỉ nghệ thuật chèo chuyên nghiệp để học hát văn anh vô cùng khó khăn về mặt tài chính, lúc đó thậm chí Hoài Thanh còn không đủ cả tiền thuê nhà trọ, phải ở nhờ nhà bạn. Trong khoảng thời gian một tháng ở nhờ đó Hoài Thanh không làm được việc gì khác ngoài học và học mà không có thầy, cô chỉ bảo, mọi thứ đều là tự mày mò. Hoài Thanh phải tự nghe để tập hát, tập đàn, tập đánh phách. Thế nhưng, điều kỳ diệu đến ngay bản thân anh cũng không thể ngờ tới đó là chỉ trong vỏn vẹn 30 ngày vừa học đàn, hát, phách mà anh vẫn học thuộc hầu như hết lời thơ, văn của 36 giá. Điều này càng giúp anh vững tin hơn trên con đường đã chọn.

Khó khăn lớn thứ hai trong hành trình hát chầu văn của Hoài Thanh nằm ở tuổi nghề. Vì là nghệ sĩ có tuổi đời còn trẻ so với các nghệ nhân gạo cội nên Hoài Thanh phải nghiên cứu, tìm tòi thậm chí có những sáng tạo riêng so với các lề lối cổ trong khi hát chầu văn. Hoài Thanh cho biết: “Tôi sáng tạo không phải để hay hơn hay để tạo ra nét đặc trưng riêng dành cho mình. Mà tôi làm như thế để lượng người đến với nghệ thuật chầu văn được đông đảo hơn đặc biệt là những khán giả trẻ. Đó là cách tôi làm phong phú hơn về cách thể hiện như các ca sĩ trẻ hiện nay đưa âm nhạc truyền thống vào những bài hát trẻ”.

Với quan điểm cá nhân sau gần 10 năm gắn bó với nghiệp hát chầu văn, Hoài Thanh khẳng định nghệ thuật hát chầu văn đóng góp một vai trò không hề nhỏ trong đời sống văn hóa xã hội của người Việt. Hát văn là một phần không thể tách rời của tín ngưỡng thờ Mẫu, một trong những nét văn hóa đặc trưng của người Việt, do người Việt tạo ra. Qua những câu hát giúp cho chúng ta nhớ về nguồn cội, công ơn của những vị anh hùng dân tộc đã giúp dựng nước và giữ nước. Đặc biệt nghe hát chầu văn gần như được học môn giáo dục công dân của trường đời, vì trong các lề lối hát về ca từ là ý nghĩa tốt đẹp về tình yêu quê hương, đất nước, ca ngợi lịch sử và dạy con người phải sống theo lẽ phải.

Nghệ sĩ Hoài Thanh trong Liveshow “Văn ca từ tâm”.

Vào năm 2020, Hoài Thanh đã tổ chức liveshow “Văn ca từ tâm” không bán vé để khán giả có cơ hội tiếp cận và thưởng thức nhiều hơn. Nhắc lại sự kiện đặc biệt đó, đến giờ anh vẫn nhớ cảm xúc dâng trào khi hội trường có 1.500 chỗ nhưng tất cả các hành lang, lối đi ken đặc khán giả. Đặc biệt, thái độ trân trọng mà Hoài Thanh, những nghệ sĩ biểu diễn và ekip nhận được từ khán giả là món quà lớn lao và ý nghĩa nhất. Người ta đánh giá khán giả đang dần quay lưng với âm nhạc truyền thống, đặc biệt là khán giả trẻ. Thế nhưng Hoài Thanh thấy khán giả vẫn ở đó bằng tình cảm thiết tha với những loại hình nghệ thuật này, có hay chăng là người nghệ sĩ, người làm văn hóa biết khơi lên tình yêu của họ hay không mà thôi.

Để các bạn trẻ yêu thích, đam mê chầu văn cũng như âm nhạc truyền thống thì trước hết những người làm nghề, nhà quản lý văn hóa phải lan tỏa được giá trị cốt lõi của nghệ thuật truyền thống, Và cần phải có nhiều sân khấu hơn dành cho các nghệ sĩ truyền thống. Tổ chức được một liveshow như “Văn ca từ tâm” cần rất nhiều yếu tố kết hợp cùng với một ê kíp và thời gian. Thế nên anh chưa thể có thêm liveshow nào như vậy. Hoài Thanh hy vọng năm tới kỷ niệm 10 năm anhtheo nghiệp hát chầu văn, sẽ tổ chức được một liveshow để tri ân khán giả.

Hoài Thanh đã được công chúng đón nhận và yêu mến, anh tiếp tục hành trình giữ gìn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống qua nghệ thuật hát văn. Anh không chỉ là người nghệ sĩ biểu diễn mà còn kéo người trẻ gần hơn với văn hóa truyền thống. Và nhờ có những người trẻ như anh mà chúng ta có thêm niềm tin, động lực vào tương lai của âm nhạc truyền thống. Chúc cho nghệ sĩ Hoài Thanh giữ mãi nhiệt huyết, đam mê với chầu văn để cống hiến nhiều hơn nữa tác phẩm hay cho khán giả.

Nguồn VNCA: https://vnca.cand.com.vn/doi-song-van-hoa/nghe-si-tre-nang-long-voi-chau-van-i730065/