Ngành sản xuất thịt 'chạy đua' với xu hướng thực phẩm tương lai

Ở Mỹ bắt đầu cho bán thịt gà nuôi cấy trong phòng thí nghiệm, ngành chế biến thịt tại Đức điêu đứng khi người tiêu dùng 'ngán' thịt heo và nhắm đến tiêu thụ thịt nhân tạo, còn Singapore đã cấp phép bán lẻ thịt nhân tạo từ cách đây 3 năm… Nhìn vào những thay đổi như vậy đang đòi hỏi ngành sản xuất thịt của Việt Nam cần lưu tâm và chọn lối đi thích ứng tốt nhất để 'chạy đua' với xu hướng thực phẩm trong tương lai.

Theo một số hãng thông tấn quốc tế, trong hạ tuần tháng 6/2023, Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) đã cấp phép sản xuất và bán thịt gà nuôi cấy trong phòng thí nghiệm cho 2 công ty Upside Foods và Good Meat.

Nhìn vào một thế giới đang thay đổi

Như vậy, Mỹ là nước thứ hai trên thế giới, sau Singapore, cho phép bán thịt nuôi cấy trong phòng thí nghiệm (còn gọi là thịt nhân tạo). Hai công ty nêu trên đang có kế hoạch phục vụ sản phẩm tại các nhà hàng cao cấp trước khi mở rộng quy mô sản xuất để đạt được chi phí thấp hơn và cung cấp cho các cửa hàng và siêu thị thực phẩm.

Trước những xu hướng mới với thực phẩm tương lai đang đòi hỏi các DN sản xuất thịt trong nước cần thích ứng tốt.

Dữ liệu từ Grand View Research cho thấy, thị trường thịt nuôi cấy dự kiến tăng trưởng với tốc độ hàng năm là 51,6% trong giai đoạn từ năm 2023 đến năm 2030.

Còn tại EU, những thông tin gần đây đã chỉ rõ thịt heo đang mất dần sức hút. Tiêu thụ thịt heo của EU dự kiến giảm xuống mức thấp nhất trong hơn 2 thập niên trong năm nay và trong vòng 2 năm tới. Sản lượng thịt heo ở khu vực này sẽ giảm khoảng 1/10.

Đơn cử như tại Đức, ngành chế biến thịt heo hiện tại điêu đứng khi người tiêu dùng ngán thịt heo. Chi phí sản xuất tăng cao khiến cho một số nhà máy chế biến thịt heo ở nước này buộc phải đóng cửa.

Riêng thị trường xúc xích Đức có thể sẽ suy giảm 1/3. Trong số hơn 100 nhà sản xuất xúc xích ở nước này, nhiều nhà sản xuất sẽ bỏ cuộc hoặc bị thâu tóm.

Thay vào đó, điểm đáng chú ý là bên cạnh việc ngán thịt heo thì người tiêu dùng ở nước Đức nói riêng và EU nói chung lại đang nhắm tới tiêu thụ thịt nhân tạo. Theo dữ liệu của Văn phòng thống kê Đức, sản lượng thịt giả làm từ các thành phần thực vật tăng 73% từ năm 2019 đến năm 2022.

Trong khi đó, từ cách đây 3 năm, Singapore đã trở thành quốc gia duy nhất cấp phép bán lẻ đối với thịt nhân tạo. Tính đến năm 2022, nước này thu hút được khoảng 30 công ty thử nghiệm phát triển các sản phẩm thịt nuôi cấy trong phòng thí nghiệm nhằm nỗ lực cải thiện an ninh lương thực.

Nêu ra trường hợp một số quốc gia như trên để thấy triển vọng của thị trường thịt nhân tạo là một xu hướng đang nổi lên mà ngành sản xuất thịt ở Việt Nam cần lưu tâm.

Giới chuyên gia cho rằng, các doanh nghiệp (DN) nội địa trong ngành sản xuất thịt cần chú ý đến những thay đổi trong xu hướng tiêu dùng sản phẩm thịt trên thế giới để cạnh tranh tốt hơn.

Hành động trước “làn sóng” xu thế mới

Có thể thấy, xu hướng cấp phép, cho sử dụng thịt nhân tạo là một trong chỉ dấu về sự thay đổi của thị trường thịt mà các DN Việt Nam phải chủ động nắm rõ để thích ứng. Nhất là khi thị trường có những thay đổi sẽ tiếp tục ảnh hưởng đến thị hiếu tiêu dùng mặt hàng thịt.

Bên cạnh đó, phân tích về xu hướng tiêu dùng tương lai trong ngành thực phẩm, bà Nguyễn Thị Xuân Yến, phụ trách mảng Phát triển Bền vững & Đổi mới sáng tạo của Trung tâm Nghiên cứu Kinh doanh và hỗ trợ doanh nghiệp (BSA) thuộc Hội DN hàng Việt Nam chất lượng cao, nhấn mạnh người tiêu dùng toàn cầu đang thể hiện sự quan tâm tới những giá trị mà một sản phẩm mang lại có tạo ra những tác động tích cực cho môi trường, cho cộng đồng và sức khỏe của họ.

Cho nên, các DN nội địa trong ngành sản xuất thịt phải thích ứng tốt với những thay đổi của người tiêu dùng. Đặc biệt là cần nhanh chóng chọn hoặc điều chỉnh thương hiệu và đặc tính sản phẩm thịt theo mối quan tâm của khách hàng hoặc là chấp nhận bị lãng quên trong muôn vàn cạnh tranh của đối thủ.

Như với thịt nhân tạo, giới chuyên gia nhận định, đây là cách duy nhất để có thể đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng mà không phá hủy môi trường. Bởi lẽ, theo dự báo, nhu cầu thịt của thị trường trên toàn cầu dự kiến tăng gấp đôi từ nay đến năm 2050, khi dân số thế giới dự kiến vượt mốc 9 tỷ người, và thịt nhân tạo sẽ đáp ứng tốt cho nhu cầu này.

Nhìn vào xu hướng mới như vậy, bà Vũ Kim Hạnh, Chủ tịch Hội DN hàng Việt Nam chất lượng cao, khuyến nghị các DN Việt cần chuẩn bị những thứ cần thiết để bắt đầu tham gia vào cuộc "chạy đua" của xu hướng thực phẩm tương lai.

Bà Hạnh chia sẻ, thế giới đang có một cuộc chuyển động lớn chuyển từ thịt động vật sang thịt nhân tạo hay thịt thực vật. Rất nhiều con số thống kê khiến chúng ta phải suy nghĩ và tìm cách hành động để tham gia “làn sóng” xu thế mới này.

Và trước những thay đổi trong xu hướng tiêu dùng đối với sản phẩm thịt như vậy chính là một kênh tham khảo quan trọng để các DN trong ngành sản xuất thịt ở Việt Nam cần suy ngẫm để sản xuất ra những sản phẩm thích ứng với xu hướng tiêu dùng mới.

Nhân chuyện này, cũng cần nhắc thêm đến báo cáo gần đây của Innova Market Insights với những dự báo về xu hướng mới trong ngành thực phẩm. Theo đó, xu hướng tiêu dùng mới là những sản phẩm dinh dưỡng hợp túi tiền. Và nhất là những sản phẩm Plant-based (dinh dưỡng từ thực vật), bao gồm ứng dụng kỹ thuật, công nghệ và sáng tạo để thúc đẩy tiềm năng của dòng sản phẩm này như là một dòng riêng đặc trưng (không phải chỉ để thay thế thịt).

Do đó, để tham gia vào cuộc “chạy đua” xu hướng thực phẩm tương lai, đang đòi hỏi sự chủ động sáng tạo hơn nữa từ các DN sản xuất thịt trong nước. Các DN sẽ phải vừa học hỏi kinh nghiệm trên thế giới và vừa nắm bắt xu hướng mới nhằm thích ứng tốt và tạo ra đượcc lợi thế cạnh tranh.

Thế Vinh

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//viet-nam/nganh-san-xuat-thit-chay-dua-voi-xu-huong-thuc-pham-tuong-lai-1093433.html