Ngăn chặn tình trạng gian lận, trốn thuế đối với cá nhân, hộ kinh doanh

Để tăng cường quản lý, hạn chế tình trạng gian lận, trốn thuế đối với cá nhân, hộ kinh doanh đặc biệt đối với doanh nghiệp núp bóng hộ kinh doanh, Tổng cục Thuế đã áp dụng nhiều biện pháp quản lý chặt chẽ để tăng mức độ tuân thủ về thuế.

Cả nước có 3,1 triệu hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh.

Cả nước có 3,1 triệu hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh.

Theo số liệu quản lý thuế năm 2022, cả nước có 3,1 triệu hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh. Trong đó, số lượng hộ kinh doanh có địa điểm kinh doanh cố định là 1,9 triệu hộ (hộ khoán là 1,8 triệu và 90 nghìn hộ kê khai); số lượng cá nhân kinh doanh khai thuế theo từng lần phát sinh là 74,8 nghìn, số lượng cá nhân cho thuê tài sản là 77,7 nghìn; số lượng cá nhân kê khai, nộp thuế qua các tổ chức xổ số, bảo hiểm, bán hàng đa cấp là 1 triệu. Số lượng cá nhân phát sinh thu nhập là khoảng 29 triệu, trong đó có số thuế thuộc diện khấu trừ là khoảng 7 triệu.

Tổng cục Thuế cho biết, thực tế, vẫn có tình trạng doanh nghiệp núp bóng hộ kinh doanh, vẫn có hộ kinh doanh có doanh thu hàng trăm tỷ đồng, sử dụng nhiều hóa đơn, tăng chí phí đầu vào cho doanh nghiệp.

Trước thực trạng đó, Tổng cục Thuế cho rằng, cần tăng cường quản lý, hạn chế tình trạng gian lận, trốn thuế đối với cá nhân, hộ kinh doanh đặc biệt đối với doanh nghiệp núp bóng hộ kinh doanh, hoàn thiện công tác quản lý tuân thủ về thuế đối với hộ kinh doanh, cá nhân.

Thời gian vừa qua, Tổng cục Thuế đã xây dựng công cụ quản lý rủi ro hóa đơn điện tử. Ngày 14/6/2023, Tổng cục Thuế ban hành Công văn số 2392/TCT-QLRR hướng dẫn các Cục Thuế tổ chức kiểm tra “Danh sách người nộp thuế thuộc diện giám sát xuất hóa đơn vượt ngưỡng an toàn” theo hệ số K tại ứng dụng hóa đơn điện tử (HĐĐT).

Qua báo cáo kết quả rà soát của cơ quan thuế các cấp trong 6 tháng triển khai cuối năm 2023, toàn Ngành đã thực hiện rà soát số lượng lớn người nộp thuế (bao gồm cả tổ chức, doanh nghiệp và hộ kinh doanh), xác định các trường hợp vượt hệ số K có rủi ro cao (kê khai sai, dừng hoạt động, bỏ trốn, chuyển cơ quan điều tra...).

Bên cạnh đó, Tổng cục Thuế đã xây dựng ứng dụng đối chiếu tờ khai và hóa đơn đối với người nộp thuế là doanh nghiệp và hộ kinh doanh nộp thuế theo phương pháp kê khai trên phạm vi cả nước. Theo công văn hướng dẫn, từ ngày 15/5/2023 triển khai chức năng ứng dụng hỗ trợ thực hiện đối chiếu dữ liệu HĐĐT và tờ khai thuế giá trị gia tăng giúp giảm tải công việc cho cán bộ thuế cũng như nâng cao hiệu quả công tác giám sát quá trình sử dụng HĐĐT của người nộp thuế. Tính đến ngày 31/12/2023, theo báo cáo của các cục thuế số thuế giá trị gia tăng mà người nộp thuế đã thực hiện kê khai bổ sung là hàng nghìn tỷ đồng.

Tổng cục Thuế cũng nghiên cứu áp dụng một số công nghệ mới (công cụ phân tích dữ liệu lớn, ứng dụng trí tuệ nhân tạo) để phân tích trên dữ liệu HĐĐT thông qua thiết lập chuỗi mua bán tinh bột sắn, dăm gỗ, điện thoại di động và máy tính bảng trên toàn quốc; và chuỗi mua bán (không theo hàng hóa) trên địa bàn Hà Nội.

Cụ thể: Xử lý ngôn ngữ tự nhiên để nhận diện tên hàng hóa dịch vụ, phục vụ phân loại hóa đơn; Tìm giá bất thường: Phân tích giá bất thường giúp cơ quan thuế phát hiện những giao dịch đáng ngờ của người nộp thuế để tiến hành các biện pháp quản lý nghiệp vụ tiếp theo; Xây dựng chuỗi doanh nghiệp có hoạt động mua bán liên quan đến hàng hóa, dịch vụ cụ thể sau khi tiến hành nhận diện tên hàng hóa dịch vụ.

Trong quá trình phân tích các chuỗi mua bán thử nghiệm, đối với mặt hàng tinh bột sắn, phát hiện chuỗi doanh nghiệp có rủi ro cao về xuất khống hóa đơn, trong đó có cả nhóm người nộp thuế là hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh.

Thùy Linh

Nguồn Tài Chính: http://tapchitaichinh.vn/ngan-chan-tinh-trang-gian-lan-tron-thue-doi-voi-ca-nhan-ho-kinh-doanh.html?source=cat-87