Ngăn chặn sự xuống cấp về đạo đức, trách nhiệm của Bộ trưởng đến đâu?
Đại biểu Quốc hội quan tâm chất vấn giải pháp xây dựng nếp sống văn hóa, ngăn chặn sự xuống cấp của đạo đức xã hội.
Chất vấn Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng, chiều 10/8, nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm đến giải pháp xây dựng nếp sống văn hóa, ngăn chặn sự xuống cấp của đạo đức xã hội.
Theo đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy (Đà Nẵng), vấn đề đáng quan tâm nhất về văn hóa hiện nay là xây dựng nếp sống văn hóa, ngăn chặn sự xuống cấp về văn hóa, đạo đức xã hội.
"Vấn đề này đã được chỉ ra từ lâu, nhưng chưa được giải quyết. Ai cũng hiểu một mình ngành văn hóa không giải quyết được việc này, nhưng là người đứng đầu cơ quan nhà nước về văn hóa, Bộ trưởng thấy trách nhiệm của mình đến đâu và có kiến nghị gì để thay đổi thực trạng cơ quan quản lý nhà nước thì không đủ thẩm quyền, mà cơ quan có thẩm quyền thì không phải chịu trách nhiệm?", đại biểu Thúy nêu câu hỏi.
Trả lời, Bộ trưởng cho rằng, văn hóa rất rộng và liên quan đến nhiều cấp, nhiều ngành, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch thực hiện chức năng quản lý nhà nước, thời gian vừa rồi, Bộ đã tập trung chuyển hướng từ làm văn hóa sang quản lý nhà nước về văn hóa.
"Thông qua các công cụ pháp luật, Bộ đã chủ động rà soát, báo cáo với Quốc hội để ban hành các bộ luật, tham mưu cho Chính phủ ban hành các nghị định, các quyết định để lãnh đạo, chỉ đạo và tăng cường công tác kiểm tra. Văn hóa tác động đến nhiều ngành, nhiều cấp thì giải pháp có tính chất căn cơ là Bộ phải chủ động phối hợp bằng các chương trình liên kết để tổ chức thực hiện", Bộ trưởng trả lời.
Dùng quyền tranh luận, đại biểu Thúy nói bà đã đọc báo cáo của Bộ trưởng gửi đến các vị đại biểu trước thềm phiên chất vấn, trong đó 9/27 trang nói về giải pháp ngăn chặn sự xuống cấp về đạo đức xã hội và văn hóa ứng xử, xây dựng nếp sống văn hóa và bảo tồn, phát triển văn hóa xã hội.
"Khi đọc hết phần này tôi mới thấy lo lắng rằng, rõ ràng việc này không chỉ riêng của Bộ Văn hóa, , nhưng phần thứ hai trong câu hỏi của tôi Bộ trưởng chưa trả lời, đó là kiến nghị gì để thay đổi thực trạng là cơ quan quản lý nhà nước thì không đủ thẩm quyền mà cơ quan có thẩm quyền thì không phải chịu trách nhiệm", bà Thúy nói.
Bộ trưởng vẫn không có hồi âm sau đó.
Đại biểu Lê Hoàng Anh (Gia Lai) nói, nhiều cử tri cho rằng, do đạo đức xã hội, đạo đức con người, đạo đức nghề nghiệp, đạo đức công vụ và đạo đức gia đình đều xuống cấp.
Nhiều vụ việc xảy ra thì chủ thể đều khẳng định quy trình đúng và đã tuân thủ đúng quy trình, như kỳ thi tốt nghiệp THPT vừa qua qua phản ánh của báo chí, người có thẩm quyền trả lời giáo viên coi thi đã thực hiện đúng quy trình nhưng hậu quả học sinh giỏi ngủ quên trong phòng thi trượt tốt nghiệp.
"Xin Bộ trưởng cho biết suy nghĩ của mình về vấn đề này? Bộ trưởng có giải pháp gì để đạo đức xã hội được tăng cường", đại biểu hỏi.
Trích nhận định trong Nghị quyết Đại hội XIII là văn hóa, đạo đức xã hội có mặt đang xuống cấp, Bộ trưởng nhấn mạnh, như vậy là có mặt đang xuống cấp chứ không phải xuống cấp ở góc nào.
Về giải pháp, theo Bộ trưởng thì nhiều vấn đề cần phải được đầu tư, như hoàn thiệ thể chế phối hợp giữa các bộ, ngành.
Có thể nói xây dựng văn hóa là một công việc lâu dài, phải là trách nhiệm của toàn hệ thống chính trị. Khi môi trường gia đình, môi trường nhà trường và môi trường xã hội đều là những môi trường văn hóa thì chắc chắn sẽ có hiệu ứng của con người văn hóa và sẽ hạn chế được mặt xuống cấp của đạo đức, Bộ trưởng nói.
Phát biểu kết thúc phiên chất vấn, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ yêu cầu các cơ quan chức năng tập trung triển khai hiệu quả Chiến lược phát triển văn hóa Việt Nam đến năm 2030, Chiến lược phát triển gia đình đến năm 2030. Rà soát, hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về văn hóa như sửa đổi Luật Di sản văn hóa, nghiên cứu xây dựng luật về nghệ thuật biểu diễn, xây dựng văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh lĩnh vực văn hóa, nghiên cứu, xây dựng đề án hoặc chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2022-2030 trình Quốc hội xem xét và quyết định.
"Tiếp tục thực hiện có hiệu quả các giải pháp xây dựng nếp sống văn hóa, giáo dục đạo đức lối sống, nhất là cho thế hệ trẻ, ngăn chặn sự xuống cấp về đạo đức xã hội và văn hóa ứng xử; xây dựng, hoàn thiện các Bộ Quy tắc ứng xử trong cơ quan, tổ chức, cộng đồng, địa bàn dân cư và cả trên không gian mạng; củng cố, kiện toàn tổ chức bộ máy, tăng cường năng lực, hiệu lực đào tạo, bồi dưỡng, tuyển dụng, bổ nhiệm đội ngũ cán bộ làm công tác văn hóa, nhất là ở cơ sở; thực hiện tốt chính sách, chế độ phát triển đội ngũ văn nghệ sĩ, nghệ sĩ, nghệ nhân trong lĩnh vực văn hóa", Chủ tịch Quốc hội yêu cầu.