Nga thay thế công nghệ, thúc đẩy xuất khẩu khí đốt

Trong bối cảnh cấp thiết cần tìm kiếm các thị trường mới cho lượng khí đốt tự nhiên khổng lồ mà Nga từng vận chuyển đến châu Âu bằng hệ thống đường ống dẫn, nước này phải tìm cách tăng cường đáng kể khả năng xuất khẩu nhiên liệu này bằng đường biển. Vấn đề là Nga cần phải phát triển công nghệ của riêng mình để làm được điều đó một cách nhanh chóng.

Nga muốn tăng gấp 3 lần xuất khẩu khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) vào cuối thập kỷ này, một mục tiêu đầy tham vọng giúp nước này trở thành nhà cung cấp LNG chính của thế giới và quan trọng là cho phép nước nắm giữ trữ lượng khí đốt tự nhiên lớn nhất thế giới khai thác các thị trường tiêu dùng mới. Để thực hiện điều này, Moscow đang tăng tốc phát triển các công nghệ hóa lỏng của riêng mình để cạnh tranh trực tiếp với các nhà sản xuất thiết bị khí hóa lỏng tốt nhất trên thế giới, từ Pháp đến Mỹ - tất cả đều rời Nga sau khi nước này phát động “chiến dịch quân sự đặc biệt” tại Ukraine vào tháng 2/2022.

Dự án Yamal LNG của Novatek ở Bắc Cực.

Novatek PJSC, nhà xuất khẩu LNG tư nhân của Nga, đã nhận được bằng sáng chế cho công nghệ hóa lỏng khí “Arctic Cascade Modified”, hay ACM, vào tháng 4. Công nghệ hóa lỏng khí này dựa trên một thiết kế đã được sử dụng trên dây chuyền LNG số 4 của cơ sở Yamal, dự án đầu tiên của Novatek để sản xuất nhiên liệu siêu lạnh và cho đến nay là nhà máy LNG lớn nhất ở Nga.

Dự án Yamal LNG do Novatek dẫn đầu luôn vận hành vượt công suất dự kiến - nhưng 3 dây chuyền đầu tiên được chế tạo bằng thiết bị nước ngoài. Trong khi Novatek trong báo cáo thường niên năm 2022 nói rằng dây chuyền LNG số 4 “đã khẳng định được độ tin cậy và hiệu suất năng lượng cao”, song nhà sản xuất đã phải đối mặt với nhiều vấn đề sau khi đưa dây chuyền này vào vận hành hồi năm 2021.

Khí đốt không mang lại nhiều nguồn thu cho ngân sách của chính phủ như dầu mỏ, nhưng Tổng thống Vladimir Putin không thể để nguồn nhiên liệu này bị mắc kẹt, tuy nhiên ông có rất ít giải pháp. Moscow không còn có thể phụ thuộc vào châu Âu để bán phần lớn khí đốt xuất khẩu của mình và những nỗ lực để vận chuyển nhiều khí đốt hơn tới Trung Quốc thông qua các hệ thống đường ống có thể mất nhiều năm để thành hiện thực. Điều đó khiến LNG trở nên quan trọng hơn bởi các cơ sở LNG có thể được xây dựng gần các mỏ khí đốt và được vận chuyển tự do đến bất kỳ đâu trên thế giới, những nơi thu mua với giá cao nhất hoặc có nhu cầu.

Morena Skalamera, giảng viên nghiên cứu về Nga và quốc tế tại Đại học Leiden của Hà Lan, cho biết: “Công nghệ khí hóa lỏng do Nga tự phát triển đã trở thành ưu tiên tuyệt đối của chính quyền Putin. Nó chắc chắn chưa phải là một sự thay thế khả thi cho công nghệ phương Tây, nhưng Nga có động lực để tiếp tục cải thiện công nghệ này trong nền kinh tế thời chiến”.

Một thử nghiệm khác sắp được triển khai là dự án khí hóa lỏng Sakhalin-2 ở vùng Viễn Đông của Nga, trong đó lần đầu tiên Nga sẽ tiến hành bảo dưỡng turbin hàng năm mà không có bất kỳ nhà thầu nước ngoài nào. Công việc sẽ bắt đầu từ tháng 7 tới, kéo dài khoảng 40 ngày, và tình trạng ngừng hoạt động kéo dài có nguy cơ khiến nguồn cung toàn cầu giảm và giá giao ngay tăng lên.

Một phần của rắc rối là trong nhiều thập kỷ qua Nga đã tập trung vào mạng lưới đường ống dẫn trải dài từ Đức đến Thổ Nhĩ Kỳ và bị tụt hậu xa so với phần còn lại của thế giới về công nghệ LNG. Vào năm 2021, trước khi xung đột tại Ukraine nổ ra, LNG chiếm khoảng 15% tổng lượng khí đốt xuất khẩu.

Điều đó có nghĩa là một trong những nhà xuất khẩu hydrocarbon lớn nhất thế giới trên thực tế còn khá bỡ ngỡ đối với “cuộc chơi” LNG. Dự án Sakhalin-2, được hỗ trợ chủ yếu bởi các công ty nước ngoài, bắt đầu triển khai vào năm 2009 và nhà máy Yamal của Novatek bắt đầu đi vào sản xuất năm 2017.

Công nghệ LNG là vấn đề đau đầu khác của Moscow trong bối cảnh Nga đang bị cô lập. Hóa lỏng khí là kỹ thuật cực kỳ phức tạp. Cơ sở vật chất là những hệ thống công nghệ khổng lồ có thể trải rộng trên quy mô hàng trăm sân bóng đá và tiêu tốn hàng tỷ đô la. Một nhà máy điển hình mất từ 3 đến 4 năm để xây dựng và được tạo thành từ một “mê cung” đường ống vận chuyển, xử lý và sau đó làm lạnh khí đến -160C trước khi được đưa lên các tàu chở được thiết kế đặc biệt.

Dự án mới của Novatek, được gọi là LNG Bắc cực 2, áp dụng khái niệm xây dựng sử dụng các cấu trúc dựa trên trọng lực và xây dựng một Trung tâm Xây dựng LNG mới ở Belokamenka, gần cảng Murmansk ở Bắc Cực.

Kế hoạch triển khai dự án này vẫn chưa chắc chắn sau khi các nhà thầu phụ nước ngoài, bao gồm Technip Energies NV của Pháp, Linde của Đức và Baker Hughes Co. của Mỹ, rời đi vào năm 2022. Năm ngoái, tờ “Kommersant” của Nga trích dẫn những nguồn tin giấu tên cho biết công việc đã được bàn giao cho 2 nhà thầu mới là Nova Energies do NIPIGAS - một công ty kỹ thuật của Nga - kiểm soát và Green Energy Solutions LLC - công ty đã đăng ký tại UAE và chưa có nhiều tên tuổi trên thị trường.

Dây chuyền sản xuất đầu tiên dự kiến sẽ bắt đầu hoạt động vào cuối năm 2023. Nga rất có thể đạt được mục tiêu đó, do phần lớn công việc lắp đặt dây chuyền này đã hoàn thành khi các nhà thầu nước ngoài rời đi. Hai dây chuyền còn lại có thể sẽ khó khăn hơn.

Novatek cho biết lịch trình vẫn như kế hoạch, với việc dây chuyền đầu tiên sẽ được ra mắt trong năm nay và hai dây chuyền tiếp theo sẽ lần lượt đưa vào hoạt động trong năm 2024 và 2026.

Tuy nhiên, nhiều người làm trong ngành công nghiệp LNG vẫn còn nhiều hoài nghi. Ông Claudio Steuer, Giám đốc SyEnergy Consulting, một nhà tư vấn năng lượng làm việc tại Vương quốc Anh với 30 năm kinh nghiệm làm việc trên toàn cầu, cho biết: “Chúng ta sẽ chỉ biết tiềm năng thực sự của công nghệ Arctic Cascade của Novatek sau khi các dây chuyền đi vào hoạt động một thời gian. Trong ngành LNG, cho đến khi một công nghệ hoặc nhà cung cấp mới được chứng minh là hoạt động đáng tin cậy, thì nó được coi là chưa được chứng minh”.

Khánh An (Theo Bloomberg)

Nguồn ANTG: https://antg.cand.com.vn/khoa-hoc-ky-thuat-hinh-su/nga-thay-the-cong-nghe-thuc-day-xuat-khau-khi-dot-i692706/