Nga - Đức 'bắt tay' trong nhiều vấn đề quốc tế

Cái 'bắt tay' Ðức - Nga đã góp phần gia tăng ảnh hưởng của cả hai nước, đồng thời phát đi những thông điệp tích cực trong bối cảnh hàng loạt 'điểm nóng' trên thế giới đang diễn biến phức tạp.

Thủ tướng Ðức Angela Merkel thăm Nga ngày 11/1, hai nhà lãnh đạo Ðức và Nga đã tìm được tiếng nói chung trong nhiều vấn đề, từ hợp tác song phương tới việc mở ra cánh cửa đối thoại cho các vấn đề nóng ở Trung Ðông. Có thể nói, Thủ tướng Ðức Merkel đã chọn thời điểm không thể phù hợp hơn để gặp Tổng thống Vladimir Putin theo lời mời của nhà lãnh đạo Nga.

Phát biểu với báo giới sau cuộc hội đàm ở thủ đô Moscow, Tổng thống Vladimir Putin và Thủ tướng Angela Merkel đã nêu rõ quan điểm của hai nước về các vấn đề nóng hiện nay, như: Cuộc khủng hoảng tại Libya, vấn đề hạt nhân Iran, tình hình leo thang căng thẳng tại Trung Ðông và cuộc chiến ở Syria…

Tổng thống Nga V. Putin và Thủ tướng Ðức A. Merkel tại buổi họp báo. Ảnh tư liệu

Về vấn đề Iran, lãnh đạo hai nước Nga và Ðức đều cho rằng cần phải duy trì thỏa thuận hạt nhân, còn gọi là Kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA), thông qua các biện pháp ngoại giao. Nhắc tới việc lực lượng phòng không Iran bắn nhầm máy bay chở khách của Ukraine khiến 176 người thiệt mạng vào ngày 8/1 vừa qua, bà Angela Merkel nhấn mạnh đây là một thảm kịch, song cũng đánh giá việc Iran thừa nhận trách nhiệm đối với vụ việc này là “bước đi quan trọng”.

Trong khi đó, Tổng thống Nga cho rằng, nếu xảy ra các hành động quân sự trên quy mô lớn tại khu vực Trung Ðông thì toàn thế giới sẽ phải đối mặt với một thảm họa. Ông Vladimir Putin nhấn mạnh, xung đột quân sự nổ ra ở Trung Ðông sẽ dẫn tới làn sóng người di cư và tị nạn ồ ạt tới châu Âu cũng như các khu vực khác, từ đó gây ra thảm họa lớn về nhân đạo và kinh tế với thế giới.

Ðề cập tới cuộc khủng hoảng tại Libya, Thủ tướng Angela Merkel đánh giá cao những nỗ lực chung của Nga và Thổ Nhĩ Kỳ nhằm kêu gọi một lệnh ngừng bắn tại Libya, đồng thời tuyên bố Ðức sẽ sớm gửi lời mời các bên liên quan tới tham dự hòa đàm về vấn đề Libya, dự kiến sẽ được tổ chức tại thủ đô Berlin. Bà Angela Merkel nhấn mạnh, cuộc hòa đàm này nhằm tạo cơ hội để Libya trở thành một quốc gia có chủ quyền và hòa bình; các bên tham chiến ở Libya cần đóng vai trò chính nhằm giúp tìm ra một giải pháp.

Về phần mình, Tổng thống Nga Vladimir Putin cũng ủng hộ sáng kiến của Ðức và cho rằng đây là một ý tưởng "đúng lúc" và cần thiết để chấm dứt cuộc xung đột ở Libya. Ðặc biệt, ông Vladimir Putin khẳng định nếu tại Libya xuất hiện lực lượng đánh thuê từ Nga thì những người này không đại diện cho lợi ích quốc gia của Nga và không nhận được sự ủng hộ của Moscow.

Liên quan tới cuộc chiến ở Syria, hai nhà lãnh đạo Nga-Ðức cũng nhất trí rằng cần chấm dứt chiến tranh thông qua biện pháp chính trị. Ngoài ra, Tổng thống Vladimir Putin cho rằng, nếu được sự nhất trí từ chính quyền hợp pháp của Syria, cộng đồng quốc tế cần nỗ lực chung tay giúp đỡ các cơ quan nhà nước Syria và toàn thể nhân dân Syria khôi phục các công trình hạ tầng, điện, nước, các bệnh viện và trường học.

Một chủ đề quan trọng khác là dự án Dòng chảy phương Bắc 2 cũng đã được hai nhà lãnh đạo Ðức, Nga thảo luận chi tiết. Thủ tướng Merkel tuyên bố sẽ tiếp tục cùng Nga hoàn thiện dự án mang tính kinh tế đơn thuần này, bất chấp các lệnh trừng phạt sai trái của Mỹ. Bà khẳng định Berlin sẽ theo đuổi lợi ích riêng, không bị tác động bởi lợi ích của Mỹ, đồng thời cho rằng dự án “đúng đắn” này sẽ giúp đa dạng hóa nguồn cung và Ðức cũng như các nước châu Âu khác sẽ được hưởng lợi từ dự án này.

Ðây được xem là tuyên bố khá mạnh của nhà lãnh đạo Ðức, cho thấy Berlin cũng sẽ “không ngại” các lệnh trừng phạt của Mỹ, dù đó là vấn đề năng lượng hay hạt nhân Iran vốn bị Mỹ áp đặt trừng phạt. Trong khi đó, Tổng thống Putin cũng khẳng định chắc chắn sẽ tự hoàn thiện dự án lắp đặt đường ống vào cuối năm 2020 hoặc đầu 2021 mà không cần sự tham gia của các đối tác nước ngoài. Ông cũng đánh giá cao chủ trương của Chính phủ Ðức đối với việc xây dựng dự án này.

Theo giới quan sát, mối quan hệ giữa Nga và Ðức lâu nay cũng không lấy gì làm tốt đẹp, song trong bối cảnh tình hình thế giới diễn biến phức tạp như hiện nay, như Thủ tướng Merkel nhìn nhận thì việc “đối thoại với nhau tốt hơn là nói về nhau”. Việc Ðức tìm tới Nga để cùng hợp tác giải quyết các điểm nóng thế giới một mặt cho thấy chủ trương của Ðức can dự lớn hơn vào các vấn đề thế giới, mặt khác cũng cho thấy rõ vai trò không thể thiếu của Nga trong việc mở cánh cửa đối thoại, tìm giải pháp cho các cuộc xung đột trên thế giới.

Hoài Anh

Nguồn Đắk Nông: http://baodaknong.org.vn/theo-dong-thoi-su/nga-duc-bat-tay-trong-nhieu-van-de-quoc-te-76537.html