'Nếu tôi là cán bộ đoàn'

Đó vừa là mệnh đề trăn trở, vừa là gạch đầu dòng quyết tâm trong suy nghĩ của đội ngũ cán bộ đoàn Bộ đội Biên phòng (BĐBP) tỉnh An Giang. Sức trẻ của người lính đòi hỏi họ phải đổi mới, năng nổ, sáng tạo nhiều hơn nữa, mới có thể tạo ra sức sống mới trong phong trào đoàn của quân đội.

Áo lính hòa quyện áo đoàn

Trung tá Nguyễn Di Khải (Phó Chủ nhiệm Chính trị BĐBP tỉnh An Giang) chia sẻ: “Cán bộ đoàn, đoàn viên, thanh niên (ĐVTN) trong đơn vị là lực lượng đông đảo, chiếm gần 70% quân số. Có lập trường tư tưởng chính trị kiên định, vững vàng, phẩm chất đạo đức tốt, ý thức trách nhiệm và lòng nhiệt huyết cao, tổ chức kỷ luật nghiêm, luôn xung kích đi đầu, sẵn sàng nhận và hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Riêng cán bộ đoàn được đào tạo cơ bản trong môi trường quân đội, nhiều tâm huyết cống hiến; chịu khó nghiên cứu, đổi mới, sáng tạo thực hiện chương trình hoạt động đoàn”.

Những phong trào “Tuổi trẻ BĐBP tỉnh An Giang tiếp bước cha anh, xứng danh “Bộ đội Cụ Hồ” thời kỳ mới”, “Tuổi trẻ BĐBP tỉnh rèn đức, luyện tài, xung kích, sáng tạo vì chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia”; “Thanh niên làm chủ biên giới”... mang đến kết quả khả quan. Hàng ngàn lượt cán bộ, chiến sĩ (CBCS), ĐVTN tham gia tuần tra, kiểm soát ngày đêm trên tuyến biên giới, đấu tranh phòng, chống các loại tội phạm, bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ, biên giới quốc gia, giữ gìn an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội. Đặc biệt, hầu hết xung phong thực hiện nhiệm vụ ở tổ, chốt quản lý, bảo vệ biên giới, sẵn sàng gác lại việc riêng, gia đình, vì nhiệm vụ của đơn vị, trách nhiệm của người chiến sĩ biên phòng.

ĐVTN quân hàm xanh còn đề ra nhiều mô hình hay giúp dân, giúp biên giới An Giang bớt vất vả. Thiếu tá Võ Văn Toán (Chính trị viên phó Đồn Biên phòng Nhơn Hưng) cho biết, chi đoàn đơn vị phối hợp địa phương xây dựng “Phòng đọc biên giới” ở Thư viện phường Nhơn Hưng (TX. Tịnh Biên), luân chuyển gần 3.000 đầu sách, báo phục vụ nhu cầu đọc của người dân, học sinh. Ở mô hình “Hũ gạo tình thương”, chi đoàn trích gạo từ bữa ăn của CBCS, dành 10 - 20kg gạo/tháng tặng gia đình khó khăn.

Ở mô hình “Nâng bước em tới trường”, CBCS trích lương, phụ cấp hỗ trợ 3 học sinh khó khăn (500.000 đồng/tháng), ủng hộ 1 cụ già neo đơn (200.000 đồng/tháng). Ở mô hình “Ngôi nhà 100 đồng”, chi đoàn thường xuyên tổ chức cho CBCS, ĐVTN thu gom phế liệu, vừa vệ sinh môi trường, vừa tạo nguồn kinh phí hoạt động.

Nỗ lực đóng góp giúp nhiều tập thể, cá nhân CBCS, ĐVTN nhận khen thưởng trong thực hiện công tác Đoàn và phong trào thanh niên. Trong đó, 5 cá nhân được tuyên dương “Gương mặt trẻ tiêu biểu cấp Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh” năm 2022; 1 cá nhân được bình chọn trong 10 “Gương mặt trẻ tiêu biểu cấp Bộ Tư lệnh BĐBP”; 3 tập thể, 9 cá nhân được Tỉnh đoàn tặng bằng khen...

“Hội nghị Diên Hồng” của tuổi trẻ

“Dù có nhiều điểm sáng, nhưng hoạt động đoàn trong đơn vị có lúc chưa phong phú, sôi nổi, chưa thu hút đông đảo CBCS, ĐVTN tham gia; chưa có mô hình, cách làm mới. ĐVTN phân tán quân số, thực hiện nhiều nhiệm vụ đan xen, ở nhiều địa điểm khác nhau, ảnh hưởng lớn đến kết quả công tác đoàn và phong trào thanh niên. Mặt khác, cán bộ đoàn đa phần kiêm nhiệm; kinh nghiệm, kỹ năng hoạt động đoàn hạn chế. Thực trạng ấy đặt ra đối với người đang và sẽ làm công tác đoàn nhiều vấn đề cần quan tâm, tìm giải pháp đưa phong trào ngày càng phát triển” - trung tá Nguyễn Di Khải nhận định.

Vì thế, tọa đàm “Nếu tôi là cán bộ đoàn” được Đoàn Thanh niên BĐBP tỉnh tổ chức, kỳ vọng phần nào giải quyết các vấn đề trên. Trong “Hội nghị Diên Hồng” của tuổi trẻ, cán bộ, ĐVTN thảo luận quan điểm, suy nghĩ, thể hiện tài năng, trí tuệ, sáng tạo của mình; đề xuất, hiến kế mô hình mới, cách làm hay, việc làm ý nghĩa, thiết thực.

Theo đại úy Nguyễn Thế Huỳnh (Chính trị viên phó Đồn Biên phòng Cửa khẩu Long Bình), mỗi cán bộ đoàn phải tranh thủ tối đa sự quan tâm của cấp ủy, chỉ huy các cấp; tham mưu cách làm mới, sáng tạo, tranh thủ nguồn lực thúc đẩy công tác đoàn và phong trào thanh niên tại đơn vị được nâng cao. Đối với trung úy Chau Kum Sinl (Đội trưởng Đội vận động quần chúng, Bí thư Chi đoàn Đồn Biên phòng Lạc Quới), các phong trào đoàn phải đa dạng, linh hoạt, sáng tạo, sát tình hình thực tế đơn vị mới thu hút đông đảo ĐVTN tham gia. Cùng với đó, phải thường xuyên chăm lo đời sống vật chất, tinh thần, đảm bảo chế độ chính sách để CBCS, ĐVTN yên tâm cống hiến...

Thượng úy Lê Phúc Nghĩa (Chính trị viên Đại đội Huấn luyện, Phó Bí thư Đoàn cơ sở Tiểu đoàn Huấn luyện - Cơ động) chia sẻ kinh nghiệm bản thân: “Hiệu quả công tác đoàn không chỉ nằm ở việc nâng chất hoạt động, mà còn ở nâng cao nhận thức của mỗi cán bộ, ĐVTN về vai trò, ý nghĩa, giá trị thực tiễn công tác đoàn và phong trào thanh niên mang lại. Các bạn trẻ phải hiểu được rằng, Đoàn mang đến những giá trị không thể “cân, đong, đo, đếm” được, nhưng lại kết tinh trong chính bản thân bạn. Đó là kỹ năng sống, sự hòa quyện vào cộng đồng, tập thể quân nhân; là bản lĩnh, tự tin, trưởng thành của mỗi người qua từng ngày”.

“Tọa đàm là đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng trong đoàn viên của BĐBP, là dịp để cán bộ đoàn chia sẻ, trao đổi kinh nghiệm mô hình hay, cách làm sáng tạo, hiệu quả. Sau tọa đàm, chúng tôi đề nghị các đơn vị kịp thời khắc phục khuyết điểm; tham mưu cấp ủy, cụ thể hóa, triển khai hiệu quả chương trình công tác gắn với nghị quyết của Đảng ủy BĐBP, hoàn thành chỉ tiêu của năm đầu triển khai Nghị quyết Đại hội Đoàn các cấp, nhiệm kỳ 2022 - 2027” - Phó Bí thư Tỉnh đoàn Đỗ Minh Sang chia sẻ.

Năm 2023, ĐVTN toàn đơn vị trồng mới gần 10.000 cây xanh; vệ sinh, phát quang gần 40km đường nông thôn; đổ 90m2 bê-tông sân trường học, gần 4km đường lộ nông thôn; cùng đơn vị kết nghĩa, giúp dân tháo dỡ, di dời, dựng mới 40 căn nhà... thu hút 4.145 lượt CBCS, ĐVTN tham gia.

GIA KHÁNH

Nguồn An Giang: https://baoangiang.com.vn/-neu-toi-la-can-bo-doan--a370845.html