Nâng cao truyền thông trong giáo dục cho cán bộ, giáo viên tỉnh Bắc Ninh

Chiều 22/5, Sở GD&ĐT Bắc Ninh phối hợp Báo GD&TĐ tổ chức Hội nghị truyền thông trong giáo dục đối với cơ quan, đơn vị, trường học trên địa bàn tỉnh.

Đại biểu dự Hội nghị truyền thông trong giáo dục tỉnh Bắc Ninh.

Đại biểu dự Hội nghị truyền thông trong giáo dục tỉnh Bắc Ninh.

Dự hội nghị có ông Nguyễn Thế Sơn - Giám đốc Sở GD&ĐT Bắc Ninh; đại diện lãnh đạo các Phòng, đơn vị trực thuộc Sở GD&ĐT; đại diện Báo GD&TĐ cũng là báo cáo viên Hội nghị có nhà báo Dương Thị Thanh Hương - Phó Tổng Biên tập, nhà báo Nguyễn Đức Tuân - Phó Tổng Biên tập. Báo cáo viên tập huấn còn có chuyên gia truyền thông ThS. Nguyễn Cao Cường.

Đặc biệt, Hội nghị có hơn 500 cán bộ quản lý, giáo viên đến từ các đơn vị thuộc Sở GD&ĐT tỉnh Bắc Ninh và phòng GD&ĐT các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh.

Chia sẻ tại buổi tập huấn, nhà báo Dương Thị Thanh Hương, Phó Tổng Biên tập Báo GD&TĐ, giáo dục là lĩnh vực luôn nhận được sự quan tâm của người dân và toàn xã hội, bởi mỗi chính sách, sự thay đổi của ngành Giáo dục đều có ảnh hưởng rất lớn.

Trong thời đại công nghệ thông tin phát triển như hiện nay, lượng thông tin mỗi ngày là rất lớn và nguồn thông tin cũng đa dạng. Nếu công tác truyền thông trong các cơ sở giáo dục không theo kịp sự phát triển sẽ bị tụt hậu. Kéo theo đó là hàng loạt vấn đề nảy sinh khi thông tin, mối liên hệ giữa nhà trường, gia đình học sinh, chính quyền địa phương và xã hội bị gián đoạn.

Nhà báo Dương Thị Thanh Hương - Phó Tổng Biên tập Báo GD&TĐ chia sẻ tại Hội nghị.

Nhà báo Dương Thị Thanh Hương - Phó Tổng Biên tập Báo GD&TĐ chia sẻ tại Hội nghị.

Nhà báo Dương Thị Thanh Hương nhấn mạnh, ý thức được tầm quan trọng của hoạt động truyền thông đối với hoạt động giáo dục, Báo GD&TĐ kết hợp cùng Sở GD&ĐT Bắc Ninh tổ chức chương trình tập huấn truyền thông tại Trung tâm văn hóa Kinh Bắc cho khoảng 500 cán bộ quản lý, giáo viên các trường mầm non, TH, THCS trên địa bàn tỉnh.

"Hội nghị nhằm nâng cao kỹ năng cho cán bộ quản lý giáo dục, giáo viên. Góp phần truyền tải thông điệp của cơ sở giáo dục tới phụ huynh, học sinh. Nâng cao ảnh hưởng và vị thế của của các cơ sở giáo dục trong xã hội. Xoa dịu, dập tắt các thông tin thất thiệt, gây ảnh hưởng đến uy tín, hình ảnh, vị trí của cơ sở giáo dục. Thiết lập mối quan hệ tốt đẹp giữa các cơ sở giáo dục với phụ huynh, học sinh và xã hội.

Chúng tôi mong muốn qua chương trình tập huấn, cán bộ quản lý, giáo viên và nhà trường sẽ làm tốt hơn nữa công tác truyền thông ngành. Góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT...", nhà báo Dương Thị Thanh Hương tin tưởng.

Ông Nguyễn Thế Sơn - Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Bắc Ninh phát biểu tại Hội nghị.

Ông Nguyễn Thế Sơn - Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Bắc Ninh phát biểu tại Hội nghị.

Phát biểu tại hội nghị, ông Nguyễn Thế Sơn - Giám đốc Sở GD&ĐT Bắc Ninh cho biết, đến thời điểm này các đơn vị, cơ sở giáo dục đang thực hiện các nhiệm vụ tổng kết, kết thúc theo biên chế thời gian năm học, nhưng công tác truyền thông trong giáo dục là nhiệm vụ không có thời điểm kết thúc, điểm tạm nghỉ, thậm chí đây còn là thời điểm cần chú ý, quan tâm hơn. Bởi trước mắt là các kỳ thi quan trọng là tuyển sinh đầu cấp và tốt nghiệp THPT năm 2024.

"Truyền thông trong giáo dục là nhiệm vụ quan trọng, đây là một trong 5 giải pháp cơ bản được ngành giáo dục đề ra nhằm triển khai Nghị quyết 29 của Trung ương Đảng về đổi mới căn bản toàn diện giáo dục và đào tạo. Năm học 2023 - 2024, một trong những nhiệm vụ trọng tâm năm học của Bộ GD&ĐT và ngành GD&ĐT Bắc Ninh đó là tăng cường công tác truyền thông giáo dục…", ông Nguyễn Thế Sơn nói.

Trong thời gian tới, Giám đốc Sở GD&ĐT Bắc Ninh lưu ý đến các đơn vị, cơ sở giáo dục cần tổ chức đa dạng, hiệu quả các hình thức, cách thức truyền thông; Quan tâm xây dựng mạng lưới đội ngũ làm truyền thông toàn ngành và quan tâm tới bồi dưỡng, tập huấn kỹ năng, nghiệp vụ; Khi triển khai công tác truyền thông trong giáo dục cần quan tâm tới toàn diện các nội dung, nhiệm vụ giáo dục…

"Trong bối cảnh nguồn thông tin được tiếp cận đa dạng, đa chiều như hiện nay, công tác quản lý, quản trị trong giáo dục sẽ gặp khó khăn hơn. Vì vậy trên quan điểm làm tốt về truyền thông giáo dục để chúng ta phấn đấu dần đạt được theo các cấp độ. Truyền thông để xã hội để biết, sau đó là hiểu, quan tâm chia sẻ cảm thông và ủng hộ ngành và cuối cùng là niềm tin tưởng của xã hội đối với ngành GD&ĐT - cấp độ cao nhất...", ông Sơn nhấn mạnh.

Nhà báo Nguyễn Đức Tuân - Phó Tổng Biên tập Báo GD&TĐ với những ví dụ sinh động trong quá trình tác nghiệp và cung cấp thông tin cho báo chí của các đơn vị, nhà trường.

Nhà báo Nguyễn Đức Tuân - Phó Tổng Biên tập Báo GD&TĐ với những ví dụ sinh động trong quá trình tác nghiệp và cung cấp thông tin cho báo chí của các đơn vị, nhà trường.

Tại Hội nghị, ThS Nguyễn Cao Cường, nhà báo Dương Thị Thanh Hương, nhà báo Nguyễn Đức Tuân đã trao đổi nhiều nội dung công tác truyền thông trong giáo dục. Một trong những nội dung được cán bộ quản lý các nhà trường quan tâm đó là cách xử lý khủng hoảng truyền thông trong và ngoài trường học.

ThS Nguyễn Cao Cường chia sẻ, trao đổi với thầy cô giáo tại Hội nghị.

ThS Nguyễn Cao Cường chia sẻ, trao đổi với thầy cô giáo tại Hội nghị.

Báo cáo viên đã cung cấp nhiều thông tin, ví dụ sinh động những số liệu chân thực để nêu bật vai trò của người đứng đầu cơ sở giáo dục khi xử lý khủng hoảng truyền thông. Cán bộ quản lý, thầy cô giáo là Hiệu trưởng, Hiệu phó đã được nghe, trao đổi và nêu ý kiến để cùng tìm ra những giải pháp phù hợp.

Đăng Chung

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/nang-cao-truyen-thong-trong-giao-duc-cho-can-bo-giao-vien-tinh-bac-ninh-post684357.html