Nâng cao năng lực thu gom, xử lý nước thải đô thị

Trước tốc độ đô thị hóa nhanh, yêu cầu về đầu tư hệ thống thu gom, xử lý nước thải sinh hoạt đô thị trên địa bàn đã và đang được tỉnh quan tâm. Tuy nhiên, ngoài thành phố Sơn La và đô thị huyện Mộc Châu được đầu tư hệ thống đường ống thu gom nước thải riêng và có nhà máy xử lý nước thải, còn lại các đô thị trên địa bàn tỉnh hệ thống thu gom nước thải sinh hoạt đều chung với hệ thống thu gom nước mưa và xả thải trực tiếp do môi trường.

Nhà máy xử lý nước thải thành phố Sơn La.

Thành phố Sơn La hiện có 107.775 người dân sinh sống, trong đó khoảng 71.788 người trong khu vực đô thị, trung bình một ngày sử dụng và thải ra môi trường khoảng 4.622 m³ nước thải. Năm 2016, thành phố Sơn La triển khai Dự án “Hệ thống thoát nước và xử lý nước thải thành phố Sơn La”. Hệ thống thu gom, xử lý nước thải đô thị thành phố Sơn La được đầu tư theo hướng thoát nước riêng hiện đại (tách riêng với hệ thống thoát nước mưa, nước mặt), tự chảy theo điều kiện địa hình và được hỗ trợ bởi 5 trạm bơm. Toàn bộ nước thải được thu gom, đưa về bể chứa Nhà máy xử lý nước thải Thành phố tại bản Tông, xã Chiềng Xôm để xử lý bằng phương pháp sinh học (AO), nước thải được làm sạch đạt cột A theo tiêu chuẩn QCVN 40/2011/BTNMT. Sau 5 năm thi công, đến tháng 12/2020 dự án hoàn thành giai đoạn 1 và được bàn giao cho liên doanh Công ty cổ phần Môi trường và Dịch vụ đô thị Sơn La và Công ty Cổ phần Môi trường và Xây dựng tỉnh Điện Biên quản lý, vận hành từ tháng 4/2021.

Quy trình xử lý nước thải trong nhà máy.

Đánh giá hiệu quả dự án sau 1 năm đi vào hoạt động, ông Đào Mạnh Chiến, Phó Giám đốc Ban Quản lý các dự án ODA tỉnh Sơn La, cho biết: Đến thời điểm hiện tại, Nhà máy thu gom, xử lý khoảng 2.400 m³/ngày,đêm, chiếm 52% tổng lượng nước thải sinh hoạt phát sinh (tính theo lượng nước sạch cung cấp qua hệ thống tập trung).

Còn tại đô thị huyện Mộc Châu, với định hướng trở thành Khu du lịch Quốc gia, việc đầu tư hệ thống thu gom, xử lý nước thải cũng được tính đến và đầu tư từ nhiều năm trước. Ông Lê Văn Hưu, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Đầu tư và Xây dựng Mộc Châu đơn vị được giao vận hành, quản lý công trình xử lý nước thải đô thị của huyện Mộc Châu, chia sẻ: Năm 2015, huyện Mộc Châu đã khởi công xây dựng Nhà máy thu gom, xử lý nước thải, công suất 4.500 m³/ngày, đêm. Trong đó, thu gom, xử lý 3.000 m³ nước thải cho thị trấn Nông trường Mộc Châu và 1.500 m³ cho thị trấn Mộc Châu. Công ty tiếp quản vận hành nhà máy từ cuối năm 2019. Đến nay, Nhà máy mới đảm bảo thu gom, xử lý đạt 50% lượng nước thải đô thị.

Thành phố Sơn La và Mộc Châu việc đầu tư thu gom, xử lý nước thải sinh hoạt mới chỉ đạt trên 50%. Nguyên nhân là do đặc thù về địa hình, nhiều gia đình không thể đấu nối vào hệ thống thoát nước và xử lý nước thải. Tình trạng đấu nối chung đường ống thoát nước thải với đường ống thoát nước mưa vẫn còn phổ biến ở nhiều gia đình. Do dó, lưu lượng nước thải tăng đột biến vào mùa mưa, gây tình trạng quá tải tại một số vị trí, khó khăn cho quá trình vận hành và xử lý nước thải và để giảm thiểu nước thải ảnh hưởng đến môi trường, hàm lượng chất thải chưa đảm bảo, ảnh hưởng đến quá trình xử lý bằng công nghệ sinh học.

Công nhân Nhà máy xử lý nước thải Thành phố thực hiện vệ sinh đường ống trạm bơm.

Đối với đô thị các huyện còn lại, việc thu hút đầu tư hệ thống thu gom nước thải sinh hoạt được thực hiện thu gom chung với hệ thống nước mưa. Dẫn tới, tỷ lệ xử lý nước thải đạt quy chuẩn môi trường chỉ đạt khoảng 16,7%. Hệ thống thu gom nước thải riêng biệt chưa đáp ứng quy mô, số lượng, độ phủ kín so với nhiều tiêu chí về môi trường và tiêu chí về đô thị văn minh, hiện đại. Ông Hà Ngọc Chung, Giám đốc Sở Xây dựng, cho rằng: Chi phí đầu tư xây dựng nhà máy xử lý nước thải và các đường ống rất lớn. Trong khi đó, nguồn ngân sách Trung ương hỗ trợ và thu ngân sách địa phương đang còn khó khăn, chưa thu hút được các nhà đầu tư. Để nâng cao tỷ lệ thu gom, xử lý nước thải đô thị, Sở Xây dựng đang nghiên cứu, tham mưu UBND tỉnh các giải pháp nhằm tăng cường, cải thiện, nâng cao hiệu quả thu gom, xử lý nước thải sinh hoạt đô thị trên địa bàn tỉnh. Hiện, sở Xây dựng phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư và các sở, ngành liên quan tạo điều kiện tốt nhất cho các doanh nghiệp trong việc đầu tư hệ thống cấp thoát nước trên địa bàn tỉnh.

Về xây dựng cơ sở hạ tầng, hệ thống thu gom xử lý nước thải của tỉnh Sơn La sẽ thực hiện theo từng lộ trình, kế hoạch, cụ thể: Giai đoạn từ năm 2022 đến năm 2026, tỉnh Sơn La sẽ đầu tư xây dựng nâng cấp, cải tạo, hoàn thiện hệ thống thoát nước chung, hướng tới xây dựng hệ thống thoát nước riêng hoặc nửa riêng, phủ kín mạng lưới thu gom nước thải các đô thị trên địa bàn tỉnh; mở rộng quy mô, tăng độ phủ kín mạng lưới đường ống thu gom nước thải đô thị đạt 70-80%, tăng công suất của nhà máy xử lý khoảng 20% đối với hệ thống thoát nước thải đô thị thành phố Sơn La và trị trấn Mộc Châu. Giai đoạn 2026-2030, đầu tư xây dựng cơ bản hoàn thành hệ thống thu gom nước thải đô thị trên địa bàn tỉnh với độ bao phủ trên 60%; hoàn thiện mạng lưới thu gom và xử lý nước thải đô thị trên địa bàn thành phố Sơn La và thị trấn Mộc Châu; 100% các đô thị, khu dân cư tập trung hình thành mới, được xây dựng hệ thống thu gom, xử lý nước thải riêng biệt để tổ chức, hộ gia đình đấu nối thu gom và vận chuyển nước thải, đáp ứng nhu cầu thoát nước trong khu vực.

Để thực hiện được mục tiêu đề ra, cần có những định hướng phát triển thoát nước đô thị ở các khâu, từ quy hoạch, chính sách, công nghệ, quản lý và vận hành. Đồng thời tiến tới lộ trình thu giá dịch vụ thoát nước nhằm giảm gánh nặng cho ngân sách nhà nước, góp phần xây dựng, đẩy nhanh nội lực, tiềm lực để đầu tư, xây dựng các hệ thống thu gom, xử lý nước thải từng bước hiện đại, đồng bộ, phủ kín mạng lưới toàn đô thị, đáp ứng theo từng thời kỳ phát triển.

Minh Thu

Nguồn Sơn La: http://www.baosonla.org.vn/vi/bai-viet/nang-cao-nang-luc-thu-gom-xu-ly-nuoc-thai-do-thi-49451