Nâng cao chất lượng, thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm cây ăn quả

Sản xuất sản phẩm cây ăn quả ở các tỉnh phía Bắc vẫn còn rất nhiều tiềm năng, tuy nhiên để hiện thực hóa câu chuyện phát triển bền vững cần có những giải pháp cụ thể giải quyết những vấn đề liên quan đến bảo quản, liên kết sản xuất và tìm kiếm thị trường...

Điểm nghẽn lớn trong khâu chế biến, bảo quản

Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, tổng giá trị xuất khẩu rau quả 11 tháng năm 2024 lên 6,66 tỷ USD, tăng 28,2% so với cùng kỳ năm 2023. Đây là mức cao nhất từ trước đến nay, với các sản phẩm chủ lực như sầu riêng, thanh long, chuối, mít và xoài. Với kết quả này, ngành tự tin có thể lập kỷ lục 7,2 tỷ USD trong cả năm 2024.

 Toàn cảnh Diễn đàn "Nâng cao chất lượng, chuỗi giá trị và thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm cây ăn quả các tỉnh phía Bắc"

Toàn cảnh Diễn đàn "Nâng cao chất lượng, chuỗi giá trị và thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm cây ăn quả các tỉnh phía Bắc"

Với điều kiện thổ nhưỡng và khí hậu thuận lợi, các tỉnh phía Bắc được đánh giá có nhiều tiềm năng lớn để phát triển nhiều loại cây ăn quả như vải, nhãn, cam, bưởi, mận và đào… cho thị trường nội địa và xuất khẩu.

Tại Diễn đàn "Nâng cao chất lượng, chuỗi giá trị và thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm cây ăn quả các tỉnh phía Bắc" do Cục Trồng trọt, Hội Làm vườn Việt Nam, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hòa Bình phối hợp Báo Nông nghiệp Việt Nam tổ chức Diễn đàn tổ chức chiều 6.12, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình Đinh Công Sứ cho biết, với tính đa dạng về khí hậu, đất đai cho phép Hòa Bình thích ứng nhiều loại cây trồng khác nhau, trong đó có cây ăn quả. Toàn tỉnh có gần 16.000 ha cây ăn quả các loại, trong đó chủ lực là nhóm cây có múi (cam, bưởi, quýt, chanh) với diện tích trên 10.000 ha...

Thời gian qua, tỉnh đã có nhiều chính sách thúc đẩy phát triển nhóm sản phẩm này như chính sách cải tạo vườn tạp; hỗ trợ cây giống; hỗ trợ chứng nhận các tiêu chuẩn chất lượng; chính sách thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn... Toàn tỉnh đã cấp được 88 mã số vùng trồng cho các loại cây ăn quả với; 53 mã số phục vụ xuất khẩu với diện tích 375ha. Có 2.431 ha cây ăn quả các loại được chứng nhận GlobalGAP, VietGAP, an toàn thực phẩm, hữu cơ.

Đến nay, nhiều sản phẩm cây ăn quả chủ lực của tỉnh đã tiêu thụ ổn định ở nhiều chuỗi siêu thị và các thành phố lớn trong nước. 3 năm gần đây, chuối, nhãn, cam, bưởi đã được xuất khẩu chính ngạch sang nhiều thị trường cao cấp như Hoa Kỳ, Canada, Anh, EU...

Tuy nhiên, việc phát triển cây ăn quả của tỉnh vẫn tiềm ẩn những yếu tố thiếu bền vững trong thực hiện quy hoạch hay việc thực hiện nghiêm túc các tiêu chuẩn kỹ thuật. Mục tiêu về nâng cao giá trị gia tăng còn chưa rõ nét vì sản phẩm vẫn chủ yếu tiêu thụ dạng tươi sống mà hạn chế lớn nhất, điểm nghẽn ở đây chính là khâu bảo quản, chế biến sản phẩm. Đây là điểm nghẽn lớn nhất không chỉ với tỉnh Hòa Bình mà chung cho các tỉnh phía Bắc và không chỉ cho cây ăn quả mà còn đối với nhiều loại nông sản khác.

Nêu rõ khó khăn, các chuyên gia cũng cho rằng, đối với các tỉnh phía Bắc xuất khẩu quả tươi rất khó vì chưa có cơ sở bảo đảm đáp ứng tiêu chuẩn đi khắp thị trường. Đơn cử, Hàn Quốc yêu cầu sản phẩm xuất khẩu phải xử lý hơi nước nóng nhưng tại miền Bắc chưa có; do đó mỗi container xuất khẩu thường phải chịu giá cao hơn 30% vì phải di chuyển vào miền Nam xử lý hơi nước. Đồng thời, quy mô sản xuất còn nhỏ lẻ, thiếu liên kết; nhu cầu về tiêu chuẩn chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm trong xuất khẩu ngày càng khắt khe...

Chuẩn hóa sản phẩm, hướng tới xuất khẩu

Để đáp ứng được các yêu cầu khắt khe của thị trường quốc tế, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt - Bảo vệ thực vật tỉnh Hòa Bình TS. Nguyễn Hồng Yến nhấn mạnh, việc chuẩn hóa và thí nghiệm các sản phẩm trở nên vô cùng quan trọng. Các quy định về kiểm dịch thực vật, quản lý vùng trồng, đóng gói và chế biến phải được tuân thủ chặt chẽ. Việc này không chỉ giúp tăng cường uy tín và cơ hội tiếp cận thị trường quốc tế mà còn tạo ra môi trường kinh doanh bền vững và lâu dài trong lĩnh vực xuất khẩu trái cây của Việt Nam.

Cây có múi là một trong những đòn bẩy kinh tế của tỉnh Hòa Bình, do đó ông Yến đề xuất, các cơ quan có thẩm quyền rà soát, thống kê, đánh giá cây có múi toàn quốc làm cơ sở chỉ đạo, điều hành. Ban hành quy trình đặc thù cho từng giống; hỗ trợ mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói xuất khẩu. Tiếp tục đẩy mạnh xúc tiến thương mại, tiêu thụ sản phẩm. Thực hiện mô hình cánh đồng mẫu tái canh 13,04ha (33 vườn); phân tích mẫu đất, test bệnh hại. Hoàn thiện cơ sở hạ tầng phục vụ tái canh...

Theo Phó Tổng Giám đốc Công ty Doveco Nguyễn Thanh Tùng, hiện nhu cầu của các thị trường quốc tế rất lớn về khối lượng và đa dạng về các loại rau quả có nguồn gốc của Việt Nam. Chính vì vậy, Việt Nam cần phải đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế như GlobalGAP, SGS, HACCP…

Doveco hiện có khả năng hợp tác phát triển chuỗi sản xuất, xuất khẩu rau quả. Với các tỉnh đồng bằng sông Hồng tập trung một số rau, quả như dứa, chuối tiêu hồng, ngô ngọt, nhãn, vải, rau chân vịt… Các tỉnh Tây Bắc phù hợp với các loại rau như cam, chuối tiêu hồng, ngô ngọt, súp lơ, nhãn xoài, chanh leo, súp lơ…Doanh nghiệp rất rộng cửa chào đón các địa phương, hợp tác xã, hộ sản xuất phát triển chuỗi liên kết bền vững.

Ứng dụng công nghệ trong chế biến rau quả là yếu tố tất yếu, nhưng PGS.TS Phạm Anh Tuấn, Viện trưởng Viện Cơ điện nông nghiệp và Công nghệ sau thu hoạch cho biết, Việt Nam hiện có 150 nhà máy chế biến có dây chuyền công nghệ hiện đại và khoảng 7.500 cơ sở chế biến bảo quản trái cây, rau củ nhỏ. Tuy nhiên, ngành chế biến chỉ mới đáp ứng khoảng 10-17% sản lượng rau quả/năm; số còn lại rau quả xuất khẩu chưa qua chế biến.

Ông Tuấn lưu ý, doanh nghiệp cần xác định đối tượng, sản phẩm, quy mô sản xuất, khả năng đầu tư và thị trường mục tiêu. Lựa chọn nhà tư vấn công nghệ, thiết bị, thiết kế xây dựng nhà xưởng đáp ứng yêu cầu thị trường. Đầu tư xây dựng nhà xưởng, lắp đặt trang thiết bị; sản xuất thử, tiếp nhận chuyển giao công nghệ và thiết bị...

Hạnh Nhung

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/nang-cao-chat-luong-thuc-day-tieu-thu-san-pham-cay-an-qua-post398533.html