Nam sinh dân tộc Tà Ôi và khát vọng cống hiến vì cộng đồng

Lớn lên trong cái khó của vùng đặc biệt khó khăn huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên - Huế, Hồ Văn Đôi (sinh năm 2002, người dân tộc Tà Ôi, thuộc nhóm Tà Ôi chính dòng) đã không ít lần đứng trước lựa chọn phải dừng lại việc học. Nhưng vượt qua tất cả, Văn Đôi giờ đã là sinh viên năm cuối của Học viện Dân tộc, gặt hái được nhiều thành tích ấn tượng và không ngừng cống hiến cho cộng đồng.

Gian nan đi tìm con chữ

Hoàn cảnh gia đình Văn Đôi gặp nhiều khó khăn, khi nhà đông con, bố mất sớm từ năm 2007, một mình mẹ của anh nuôi dạy 8 anh em ăn học, nhưng tối đa cũng chỉ lo được cho các anh em đến khi tốt nghiệp THPT. Đã không ít lần, Văn Đôi phân vân giữa ý định học lên đại học hay dừng lại để đi làm phụ gia đình. Anh tâm sự: “Sự thật là mẹ mình khó có thể lo cho mình đi học đại học được vì gia đình nghèo như thế, học tiếp sẽ rất khó khăn, lại tạo thêm gánh nặng cho gia đình”.

Nhận được những sự động viên của các thầy cô đã khiến Văn Đôi quyết tâm lên Hà Nội học để phát triển bản thân, với mục đích tìm kiếm con chữ, tri thức và cơ hội vì anh biết rằng, nếu chỉ ở quê không ra ngoài tiếp xúc va chạm nhiều thì không bao giờ có thể phát triển và đổi đời được.

Chân dung Hồ Văn Đôi - chàng trai dân tộc Tà Ôi luôn nỗ lực vươn lên trong cuộc sống.

Chân dung Hồ Văn Đôi - chàng trai dân tộc Tà Ôi luôn nỗ lực vươn lên trong cuộc sống.

Văn Đôi quyết tâm theo học ngành Kinh tế Giáo dục vùng dân tộc thiểu số tại Học viện Dân tộc. Vừa học, vừa đi làm thêm để tự trang trải cuộc sống, nam sinh còn tranh thủ đi các sự kiện khi được nghỉ làm để có thêm kinh nghiệm. “Vì tương lai, vì thương mẹ, cũng là động lực lớn nhất khiến mình quyết định đi học và phấn đấu phải thành công sớm hơn sự già đi của mẹ mỗi ngày. Dù thật sự rất 'chông gai' nhưng mình vẫn nhận được sự quan tâm giúp đỡ của nhiều bạn bè, thầy cô trong học viện”, Hồ Văn Đôi chia sẻ.

Hồ Văn Đôi (ngoài cùng, bên trái) tại Lễ trao Giải thưởng Vừ A Dính 2024.

Hồ Văn Đôi (ngoài cùng, bên trái) tại Lễ trao Giải thưởng Vừ A Dính 2024.

Thành quả đáng tự hào

Nếu như năm 2020, Văn Đôi luôn ngại ngùng trong việc nói chuyện, ít giao lưu với mọi người xung quanh vì tự ti khi vốn tiếng phổ thông còn hạn chế. Nhưng chỉ sau một năm, anh đã mở lòng hơn, học được cách tự tin khi phát biểu ý kiến trước đám đông, cách xử lý các vấn đề trong thực tế.

Văn Đôi trong trang phục dân tộc mình.

Văn Đôi trong trang phục dân tộc mình.

Nhờ quá trình không ngừng cố gắng, Văn Đôi đã đạt được những thành tích nổi bật như: Sinh viên rèn luyện xuất sắc năm học 2021 - 2022; đạt “Thanh niên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ năm 2022”, được Đoàn Thanh niên Ủy ban Dân tộc tặng giấy khen; Sinh viên ưu tú trong công tác tại Học viện Dân tộc năm 2023; Đoạt giải Nhì cuộc thi “Ủy ban Dân tộc trong trái tim tôi”, do Đoàn Thanh niên Ủy ban Dân tộc tổ chức; nhận chứng nhận của Cộng đồng tình nguyện Việt Nam dự án quỹ đỡ đầu Việt Nam với vai trò là trưởng ban Truyền thông tỉnh Thừa Thiên Huế... Mới đây nhất, Văn Đôi còn xuất sắc nhận Giải thưởng Vừ A Dính năm 2024, được tôn vinh là “Tấm gương đẹp của bản làng”.

Luôn mong mỏi được cống hiến cho dân tộc

Văn Đôi luôn cảm thấy biết ơn khi có cơ hội được tiếp tục đi học, được va chạm và phát triển bản thân. Nhưng với Văn Đôi, nam sinh mong việc học của mình không chỉ có thể giúp ích cho bản thân, gia đình mà còn có thể đóng góp, cống hiến cho chính dân tộc, quê hương của mình. Anh đã cùng các anh chị, bạn bè tại Hà Nội sáng lập nhóm và Fanpage Cộng đồng 54 dân tộc Việt Nam trên nền tảng mạng xã hội. Anh tâm sự: “Mình tự hào khi là người con của dân tộc Tà Ôi, một trong 53 dân tộc thiểu số tại Việt Nam. Mình luôn mong muốn tìm mọi cách làm sao để dân tộc mình được nhiều người biết đến hơn. Đó cũng là lý do mà mình cùng với các anh sáng lập nhóm và Fanpage Cộng đồng 54 dân tộc Việt Nam để làm sao cho cộng đồng người đồng bào dân tộc thiểu số ở các vùng miền núi có tiếng nói trong cộng đồng, dân tộc nào cũng có vai trò, vị thế trong xã hội, đặc biệt là các dân tộc thiểu số rất ít người”.

Dự án “Mang Trung Thu lên vùng biên giới" tại huyện Bát Xát (tỉnh Lào Cai) là dự án đáng nhớ nhất mà Văn Đôi tham gia.

Dự án “Mang Trung Thu lên vùng biên giới" tại huyện Bát Xát (tỉnh Lào Cai) là dự án đáng nhớ nhất mà Văn Đôi tham gia.

Theo Văn Đôi, thanh niên ngày nay có vai trò rất quan trọng trong việc bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa của dân tộc mình: “Thế hệ trẻ hiện nay, đặc biệt là thanh niên người dân tộc thiểu số phải thật sự quan tâm đến văn hóa của dân tộc mình thì mới phát triển dân tộc trong cộng đồng. Đứng trước tình trạng văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi ngày càng bị mai một nghiêm trọng, cần có sự tự giác của đồng bào, thế hệ trẻ phải chủ động trong việc tìm về nguồn gốc của dân tộc mình”.

Trong tương lai, Văn Đôi vẫn sẽ tiếp tục phát triển nhóm Cộng đồng 54 dân tộc Việt Nam trên mạng xã hội để truyền tải những thông tin chính xác về vùng dân tộc thiểu số và miền núi, lan tỏa những nét đẹp, cuộc sống sinh hoạt của đồng bào. Bên cạnh đó, anh mong muốn sẽ kết nối và kết hợp với nhiều tổ chức, đơn vị để thực hiện nhiều chương trình thiện nguyện giúp đỡ đồng bào vùng đặc biệt khó khăn. Ngoài ra, anh còn muốn góp phần lan tỏa chương trình mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, giai đoạn năm 2021 - 2030, do Ủy ban Dân tộc chủ trì thực hiện.

Hồ Văn Đôi luôn mong muốn được đóng góp nhiều hơn cho cộng đồng.

Hồ Văn Đôi luôn mong muốn được đóng góp nhiều hơn cho cộng đồng.

Hồ Văn Đôi bày tỏ: “Khi nhóm và fanpage Cộng đồng 54 dân tộc Việt Nam lớn mạnh, mình sẽ truyền lại những kinh nghiệm của mình cho các bạn có niềm yêu thích về văn hóa để tiếp tục làm cầu nối đưa những giá trị của cộng đồng đến với mọi người. Mình hy vọng các bạn trẻ sẽ tiếp nối nó, để làm sao cho cộng đồng phát triển, giúp bà con vùng đồng bào dân tộc thiểu số có tiếng nói trong cộng đồng và xã hội, để họ có thể phát triển và góp phần vào công cuộc phát triển đất nước”.

Nguyễn Thu Giang

Nguồn SVVN: https://svvn.tienphong.vn/nam-sinh-dan-toc-ta-oi-va-khat-vong-cong-hien-vi-cong-dong-post1684505.tpo