Mùa xuân trên đỉnh Cao Ba Lanh
Tháng 2/1979, Đồng Văn, Hoành Mô (huyện Bình Liêu, tỉnh Quảng Ninh) là mặt trận kiên cường trong cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc. Mỗi mùa xuân qua, đồng bào các dân tộc Bình Liêu luôn đoàn kết một lòng gìn giữ toàn vẹn biên cương Tổ quốc, đưa những bản làng dưới chân núi Cao Ba Lanh ngày một thêm no ấm.
Dù đã qua tiết lập xuân, hoa đào trước ngõ nhà ông Lương Quảng Thím vẫn nở tươi thắm, gợi nhắc người cựu binh nhớ về những ngày xuân bi tráng năm nào. Khi đó, ông đang làm Huyện đội Phó Huyện đội Bình Liêu, tỉnh Quảng Ninh. Với vị trí án ngữ, nối liền một dải biên cương từ Móng Cái, Quảng Hà với Đình Lập (Lạng Sơn), Bình Liêu đã khẩn trương tăng cường phòng thủ, thành lập các trung đội tự vệ, huy động nhân dân lập tuyến cùng làm đường ngay từ năm 1978, khi các hoạt động kích động, quấy rối liên tục diễn ra dọc biên giới.
Ngày 17/2/1979, lực lượng gần 1 trung đoàn bộ binh với hỏa lực mạnh ồ ạt nổ súng đánh lên nhiều cao điểm ở xã Đồng Văn, trong đó đỉnh Cao Ba Lanh 1.050m là vị trí chiến lược bậc nhất. Địch tổ chức hàng chục cuộc tấn công vào Hoành Mô, Đồng Văn nhưng đều bị quân và dân ta đẩy lui.
“Người Tày, Dao, Sán Chỉ, Nùng ở Đồng Văn, Hoành Mô, hầu hết anh em đều xung phong ra giúp đỡ bộ đội. Có người đưa gia đình sơ tán đi sâu vào trong rồi tiếp tục ra biên giới cùng chiến đấu. Mỗi xã huy động 1 trung đội dân quân tải đạn lên, nhân dân và dân quân tự vệ rất hăng hái, tin tưởng, khắc phục những mất mát nhỏ để động viên lực lượng vũ trang, đồng lòng, nhất tâm giữ vững chủ quyền biên giới của mình”, ông Lương Quảng Thím cho hay.
Ngay sau khi địch rút quân, nhân dân Bình Liêu tiếp tục bám trụ giữ đất, củng cố các bản làng, làm “tai mắt” bảo vệ chủ quyền lãnh thổ. Ông Tằng Dảu Sằn (thôn Phai Làu, xã Đồng Văn) nhớ lại, cuộc sống của các gia đình khi ấy đều khó khăn, thiếu đói. Từ Cao Ba Lanh nhìn xuống, thấy Phai Làu đất tốt, ông Sằn cùng 30 hộ dân cùng nhau dựng nhà, trồng quế, trồng hồi... Mồ hôi đổ xuống, rừng cây cũng lớn lên, vững chãi như lòng người dân biên giới. Cuộc sống dần ổn định, bà con lại cùng bộ đội tuần tra, bảo vệ từng mét đường biên, từng cây cột mốc.
Đứng ở sân nhà không xa bờ suối biên giới, nhìn sang là thấy những xóm làng nước bạn, ông Tằng Dảu Sằn kể: Năm 2014, Phai Làu là thôn đầu tiên ký kết nghĩa cụm dân cư hai bên biên giới với thôn Tràng Nhì (Quảng Tây, Trung Quốc). Đến nay, Bình Liêu có 7 thôn và 2 xã Đồng Văn, Hoành Mô kết nghĩa với phía bạn, chấm dứt những vụ việc xâm canh, xâm cư hay kết hôn trái phép...
“Hai bên có bản giao ước cùng nhau phát triển kinh tế, bảo vệ môi trường sinh thái của sông suối, bảo vệ an ninh chính trị đường biên, bảo vệ các cột mốc. Hàng năm cũng đều giao lưu, Ngày Hội Kiêng gió chúng tôi mời bên kia sang, cùng hát, tham gia các điệu nhảy, tham gia vài tiết mục”, ông Tằng Dảu Sằn kể lại.
Cao Ba Lanh vẫn sừng sững với những tảng Đá thần cùng truyền thuyết có tiếng vang khiến quân xâm lược gục ngã, nhưng những bản làng dưới chân Cao Ba Lanh thì đang ngày một đổi thay. Phạt Chỉ, Phai Làu, Đồng Thắng yên bình những mái nhà ngói mới. Hoành Mô nay là cửa khẩu giao thương với tấp nập hàng hóa qua lại. Bình Liêu từ huyện nghèo nhất của Quảng Ninh, đến hết năm 2022 đã về đích Nông thôn mới và chỉ còn 29 hộ nghèo.
Bà Hoàng Thị Viên, người dân thị trấn Bình Liêu vui mừng cho biết, người Bình Liêu nay không chỉ trồng hồi, trồng quế mà còn sản xuất sản phẩm OCOP chất lượng cao, làm du lịch cộng đồng: “Từ ngày phát triển kinh tế, Bình Liêu có nhiều đổi mới. Người dân còn hiến đất làm đường đẹp để đi, có nơi sinh hoạt văn hóa cộng đồng để giao lưu với nhau, xây dựng trường học khang trang cho con cháu được vui vẻ đến lớp. Nét đẹp văn hóa được khai thác làm du lịch giới thiệu đến bạn bè khắp nơi”.
Bình Liêu hôm nay đã trở thành điểm đến khám phá thiên nhiên và văn hóa. Du khách "say" trong không khí chợ phiên, "say" trong điệu then của người Tày hay điệu soóng cọ người Sán Chỉ, câu pả dung người Dao... Cũng có biết bao người vượt chặng đường xa tìm lên những cột mốc chủ quyền, lên Cao Ba Lanh ngắm toàn cảnh biên thùy, cúi đầu tri ân nơi tượng đài các anh hùng liệt sĩ...
Dù mùa xuân nào, trên con đường tuần tra biên giới 43 km, từ cột mốc 1300 nơi ngã 3 tiếp giáp giữa 3 tỉnh Lạng Sơn, Quảng Ninh (Việt Nam) với Quảng Tây (Trung Quốc) cho tới cột mốc 1327 trên đỉnh núi bản Phạt Chỉ, cũng đều in dấu chân của bà con các dân tộc Bình Liêu, như lời kể tự hào của ông Lương Quảng Thím.
“Nhân dân Bình Liêu đã góp công giữ từng tấc đất thiêng liêng của Tổ quốc chúng ta. Thời kỳ mới, dân quân phối hợp bộ đội biên phòng bảo vệ từng cột mốc. Tôi rất tự hào là người con Bình Liêu chưa bao giờ khuất phục, giữ vững chủ quyền, theo Đảng theo Nhà nước đến cùng để ấm no, hạnh phúc”./.
Nguồn VOV: https://vov.vn/xa-hoi/mua-xuan-tren-dinh-cao-ba-lanh-post1002292.vov