Một lộ trình thành công để chấm dứt đại dịch COVID-19

Hơn 2 năm qua, vẫn chưa rõ khi nào và bằng cách nào đại dịch COVID-19 sẽ kết thúc. Hiện nhiều chính phủ đang rút lại các hạn chế, đưa xã hội dần 'sống chung' cùng COVID-19.

Nhiều chính phủ đã hiệu chỉnh lại các chiến lược COVID-19 của họ

Nhiều chính phủ đã hiệu chỉnh lại các chiến lược COVID-19 của họ

Mỗi quốc gia, mỗi kiểu chính sách

Nhiều chính phủ đã hiệu chỉnh lại các chiến lược COVID-19 của họ để đối phó với sự gia tăng toàn cầu của các ca nhiễm trùng với biến thể SARS-CoV-2 Omicron.

Thế nhưng, các phương pháp tiếp cận sức khỏe cộng đồng vẫn còn những khác biệt đáng kể. Nhìn chung, có ba kiểu tiếp cận: loại bỏ tất cả các hạn chế (ví dụ như Vương quốc Anh); tiếp tục thực hiện các biện pháp giảm thiểu để bảo vệ những người dễ bị tổn thương (ví dụ như Hàn Quốc); và theo đuổi cách tiếp cận trấn áp, hoặc 'không COVID-19' như Trung Quốc.

Được biết, Chính phủ Anh sẽ bãi bỏ tất cả các biện pháp xã hội và sức khỏe cộng đồng vào mùa xuân năm 2022, bao gồm cả sự cần thiết phải cách ly và xét nghiệm miễn phí. Cơ sở lý luận cho điều này là chi phí để duy trì các chính sách COVID-19, chẳng hạn như xét nghiệm, và tác động bất lợi mà những can thiệp này gây ra đối với các dịch vụ công thiết yếu khác, chẳng hạn như giáo dục và hỗ trợ sức khỏe tâm thần.

Trong thời gian tới, có thể nhiều quốc gia khác sẽ áp dụng các cách tiếp cận tương tự đối với COVID-19.

Một số chính phủ, chủ yếu ở Đông Á và Thái Bình Dương, đang tiếp tục với chiến lược siết chặt kiểm soát để loại bỏ lây nhiễm SARS-CoV-2, nhưng điều này đang bị thách thức bởi Omicron.

Hầu hết các chính phủ đã duy trì các biện pháp can thiệp phi dược phẩm để giảm thiểu nhiễm trùng. Kể từ ngày 12/2/2022, việc sử dụng khẩu trang ở tất cả các không gian công cộng là bắt buộc ở 152 quốc gia, truy tìm nguồn bệnh tiếp tục được thực hiện ở 136 quốc gia, 77 trong số đó thực hiện truy tìm toàn diện tất cả các trường hợp.

Hàn Quốc trước đây đã áp dụng thành công cách tiếp cận ngăn chặn tối đa, nhưng nay đã chuyển hướng sang chiến lược "Sống chung với COVID-19" có mục tiêu - một chiến lược ưu tiên bệnh nhân cao tuổi và dễ bị tổn thương để xét nghiệm và cung cấp bộ dụng cụ y tế miễn phí, đồng thời khuyến khích điều trị tại nhà cho các trường hợp nhẹ và sử dụng các phòng khám được chỉ định cho các trường hợp nặng hơn.

Sự xuất hiện của Omicron, cùng với việc nới lỏng một số biện pháp giảm thiểu COVID-19, khiến Hàn Quốc đang chứng kiến các ca bệnh tăng lên, tuy nhiên tỷ lệ bao phủ vaccine cao đã giúp giữ số lượng người nhập viện và tử vong ở mức có thể kiểm soát được.

New Zealand cũng thả lỏng dần chiến lược loại bỏ COVID-19 cùng lúc với sự xuất hiện của biến thể Omicron, dẫn đến sự gia tăng số ca mắc bệnh. Tuy nhiên, tỉ lệ dân số được tiêm chủng cao và nhiệm vụ tiêm vaccine cho những người làm công tác thiết yếu đã giúp giảm thiểu số ca nhập viện và tử vong tại đơn vị chăm sóc đặc biệt (ICU).

Ngược lại, Hồng Kông vẫn tiếp tục theo đuổi phương pháp zero COVID, song đang có tỷ lệ nhập viện đáng kể và tỷ lệ tử vong do COVID-19 cao nhất trên thế giới. Điều này có lẽ là do khả năng miễn dịch của quần thể tương đối thấp ở các nhóm nguy cơ cao, do nhiễm trùng trong quá khứ hoặc do tiêm chủng; hiện chỉ 30% những người trên 80 tuổi tại Hồng Kông được tiêm chủng.

Chile, một quốc gia sử dụng các biện pháp nghiêm ngặt như khóa cửa đất nước trong suốt đại dịch, cũng đã trải qua tỷ lệ nhập viện ICU và tử vong do Omicron cao. Việc tạm dừng hoặc cắt giảm các biện pháp y tế công cộng quan trọng ở Chile, chẳng hạn như các yêu cầu về khoảng cách xã hội, xét nghiệm và cách ly, có lẽ đã góp phần vào sự gia tăng số ca nhiễm trong đợt sóng lần thứ năm này.

Sự xuất hiện của các biến thể mới vẫn là mối quan tâm của tất cả thế giới

Sự xuất hiện của các biến thể mới vẫn là mối quan tâm của tất cả thế giới

Các biến thể mới

Sự xuất hiện của các biến thể mới vẫn là mối quan tâm của tất cả thế giới. Mặc dù các vaccine hiện có vẫn có hiệu quả chống lại phân dòng BA.210 của Omicron mới nổi và việc tái nhiễm bởi phân dòng BA.2 sau khi nhiễm BA.1 dường như là rất hiếm, nhưng không có gì đảm bảo rằng vaccine sẽ hoạt động chống lại các biến thể trong tương lai.

Do đó, dù các chính phủ đã nới lỏng các hạn chế, một phần hoặc toàn bộ, sẽ vẫn cần phải duy trì sự cảnh giác và nhanh nhẹn trong việc ứng phó với những thay đổi của tình huống, nhằm tăng cường các biện pháp giảm thiểu trong trường hợp bùng phát trở lại.

Nếu một biến thể mới xuất hiện, các quốc gia có thu nhập cao có hệ thống y tế mạnh, được tiếp cận với thuốc kháng virus hiệu quả và vaccine sẽ đáp ứng hiệu quả. Mặt khác, các quốc gia có thu nhập thấp với hệ thống y tế mỏng manh và hạn chế tiếp cận với thuốc kháng virus hoặc vaccine sẽ đối mặt với một thách thức đáng kể nếu một biến thể mới trở nên phổ biến.

Không giống như Vương quốc Anh hoặc Nam Phi, Mỹ đã quan sát thấy một số lượng kỷ lục các trường hợp nhập viện do biến thể Omicron, vì 1/3 dân số chưa tiêm chủng và chỉ có ít mũi tiêm tăng cường được thực hiện. Hơn nữa, các trường hợp Omicron đạt đỉnh điểm trong khi biến thể Delta vẫn còn lưu hành.

Các kịch bản kết thúc đại dịch

Kịch bản lạc quan nhất là đại dịch sẽ kết thúc sớm và đồng thời ở cả các quốc gia có thu nhập cao và thu nhập thấp. Kịch bản thứ hai, nhiều khả năng hơn là đại dịch sẽ ít gây rối loạn hơn ở các quốc gia có thu nhập cao sớm hơn so với các quốc gia có thu nhập thấp.

Kịch bản tồi tệ nhất là sự xuất hiện của một biến thể mới dễ lây truyền hơn và có khả năng né tránh hệ thống miễn dịch, sẽ kéo dài đại dịch.

Có ba ưu tiên mà các chính phủ nên tập trung để giúp chấm dứt đại dịch này ở tất cả các quốc gia, cũng như chuẩn bị cho tình huống xấu nhất trong đó đại dịch tiếp tục kéo dài đến năm 2023 và hơn thế nữa.

Thứ nhất, sản xuất, cung cấp và phân phối vaccine COVID-19 một cách công bằng để mở rộng phạm vi tiêm chủng đầy đủ và xây dựng khả năng miễn dịch giữa các quốc gia. Việc tặng vaccine là đáng khen ngợi nhưng không bền vững.

Tỷ lệ tiêm vaccine thấp ở các quốc gia có thu nhập thấp đang làm chậm sự kết thúc của đại dịch. Tính đến ngày 25/2/2022, tỷ lệ bao phủ vaccine dự kiến (ít nhất một liều) là 61% trên toàn cầu, nhưng tỷ lệ này ở châu Phi chỉ ở mức 15%. Thiếu sự công bằng về vaccine cho thấy COVID-19 sẽ tiếp tục ảnh hưởng không tương xứng đến các quốc gia có thu nhập thấp, ngay cả khi các quốc gia có thu nhập cao đã trở về cuộc sống bình thường.

Thứ hai, các chính phủ cần có một kế hoạch y tế công cộng để có thể nhanh chóng phản ứng mối đe dọa tiềm tàng từ một biến thể mới nổi. Theo đó, cần đánh giá rủi ro thường xuyên thông qua giám sát; áp dụng các biện pháp y tế công cộng hiệu quả và chi phí thấp như đeo khẩu trang; ngăn ngừa sự gián đoạn đối với các dịch vụ y tế thiết yếu; và quan trọng nhất là xây dựng lại lòng tin của công chúng đối với chính phủ thông qua công tác truyền thông về những rủi ro một cách minh bạch, kịp thời và rõ ràng.

Thứ ba, những đối tượng dễ bị tổn thương nhất phải được bảo vệ. Đây vừa là mệnh lệnh đạo đức, vừa là điều cần thiết để chấm dứt đại dịch này. Bên cạnh đó, hai quần thể dễ bị tổn thương nên được xem xét: những người dễ bị nhiễm SARS-CoV-2 hơn (chẳng hạn như nhân viên y tế) và những người có nguy cơ bị COVID-19 nghiêm trọng (chẳng hạn như suy giảm miễn dịch).

Chính phủ và các tổ chức y tế cần bảo vệ nhân viên y tế thông qua hỗ trợ sức khỏe nghề nghiệp, đảm bảo nghỉ ngơi và hỗ trợ thiết thực, các chính sách tổ chức chủ động và văn hóa hỗ trợ. Các nguồn lực cũng phải được phân bổ để giải quyết các hậu quả sau cấp tính của nhiễm trùng, cái gọi là "COVID kéo dài hạn", bao gồm cách tiếp cận đa ngành để đánh giá và quản lý bệnh tật, các hệ thống hỗ trợ thích hợp, đặc biệt là ở tuyến chăm sóc chính, cũng như chính sách chi trả bệnh tật và trợ cấp tàn tật…

Cuối cùng, các quốc gia cần xác định và quyết định mức độ lây truyền có thể chấp nhận được và cách kiểm soát virus mà không tạo gánh nặng cho hệ thống y tế và tránh những hậu quả bất lợi cho sức khỏe và kinh tế xã hội.

Hà Anh (Theo Nature)

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn//mot-lo-trinh-thanh-cong-de-cham-dut-dai-dich-covid-19-169220407094826601.htm