Moscow nói ông Zelensky 'ảo tưởng' khi đòi vũ khí hạt nhân của NATO
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova tuyên bố Kiev có thể theo đuổi dự án 'bom bẩn' để tống tiền.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova cho biết những tuyên bố của nhà lãnh đạo Ukraine volodymyr Zelensky về việc sở hữu vũ khí hạt nhân là nguyên nhân gây quan ngại sâu sắc. Trong một bài đăng trên mạng xã hội hôm 5/2, bà gọi ông Zelensky là một “kẻ bị ảo tưởng”, người có thể tìm cách sở hữu một “quả bom bẩn”.
Ông Zelensky trước đó đã nhắc lại tham vọng hạt nhân của mình trong một cuộc phỏng vấn với người dẫn chương trình truyền hình Anh Piers Morgan hôm 4/2, trong đó ông than thở rằng Kiev đã đánh đổi sức mạnh răn đe của họ thời Liên Xô “chẳng đổi lấy gì” vào những năm 1990. Ông kêu gọi NATO triển khai vũ khí hạt nhân ở Ukraine như một biện pháp tạm thời chống lại Nga, trong khi Kiev chờ gia nhập khối quân sự do Mỹ đứng đầu.
“Liệu chúng tôi có được cung cấp vũ khí hạt nhân không? Hãy để họ cung cấp vũ khí hạt nhân cho chúng tôi”, ông Zelensky nói với Morgan. “Tên lửa nào có thể ngăn chặn tên lửa hạt nhân của Nga? Đó là một câu hỏi”.
Đáp lại trong hôm 5/2, bà Zakharova viết: “Những tuyên bố mới nhất của ông Zelensky rằng ông ấy muốn sở hữu sức mạnh hạt nhân đã cho thấy ông ấy là một người ảo tưởng, coi hành tinh này như một đối tượng cho những ảo tưởng của mình. Chúng cũng chứng minh rằng đối với ông ta, các nhà máy điện hạt nhân không phải là nguồn năng lượng hòa bình mà là vũ khí bẩn mà chế độ Kiev cần để tống tiền”.
Luận điệu hạt nhân của Ukraine đã xuất hiện từ trước khi bùng nổ xung đột với Nga. Ông Zelensky gợi ý rằng Kiev có thể chế tạo vũ khí nguyên tử trong bài phát biểu tại Hội nghị An ninh Munich vào tháng 2/2022, vài ngày trước khi xung đột leo thang.
Các quan chức Nga đã bày tỏ lo ngại về việc Ukraine có khả năng phát triển bom bẩn trong bối cảnh chiến trường nước này gặp nhiều khó khăn. Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA), cơ quan giám sát hạt nhân của Liên hợp quốc, đã báo cáo không có sự chuyển đổi các vật liệu phóng xạ được công bố ở nước này.
Ukraine thừa hưởng ngành công nghiệp hạt nhân dân sự phát triển mạnh từ Liên Xô và hiện đang vận hành ba nhà máy điện hạt nhân và hai lò phản ứng nghiên cứu.
Trái ngược với khẳng định của ông Zelensky, Ukraine thiếu khả năng răn đe hạt nhân thực tế do không có khả năng đơn phương phóng các vũ khí của Liên Xô được triển khai trên lãnh thổ của họ để đáp trả một cuộc tấn công.
Việc giải giáp vũ khí hạt nhân ở Ukraine, cùng với Belarus và Kazakhstan, là một phần của sáng kiến cắt giảm hạt nhân rộng rãi hơn vào những năm 1990. Các quốc gia phương Tây khuyến khích các nước sở tại bằng các chương trình viện trợ.