Mikoyan hồi sinh dự án 'kẻ hủy diệt' tàu sân bay thời Liên Xô?

Nếu dự án máy bay siêu thanh MiG-321 hồi sinh, nó sẽ là mối đe dọa lớn đối với mọi nhóm tác chiến tàu sân bay trên toàn cầu.

Cả ở Liên Xô và Mỹ đều hiểu được nhu cầu chế tạo vũ khí sử dụng siêu âm thanh. Và kể từ nửa sau của thế kỷ trước, cả cường quốc quân sự này đã bắt đầu ráo riết tìm cách chế tạo máy bay có khả năng bay với tốc độ siêu thanh.

Tại Mỹ, máy bay tên lửa X-15 đã được phát triển và thử nghiệm ở Bắc Mỹ, trong khi đó ở Liên Xô, máy bay siêu thanh đa năng MiG-321 cũng bắt đầu được nghiên cứu, một trong những mục đích chính của chiếc máy bay này là chống lại tàu sân bay Mỹ.

Thiết kế của MiG-321 là kết quả của ý tưởng tạo ra một máy bay đa năng siêu thanh, xuất hiện vào đầu năm 1975 ở Liên Xô. Chiếc máy bay mới nhằm chống lại các tàu sân bay Mỹ. Về cơ bản, chiếc máy bay này được cho là sẽ thay thế cho máy bay ném bom Tu-22.

Công việc trong dự án được thực hiện bởi các kỹ sư thiết kế của Phòng thiết kế MiG trong giai đoạn 1975-1989 dưới sự lãnh đạo của N.Z. Matyuk. Ban đầu, dự án được định danh là Type-301, nhưng sau đó được đổi tên thành MiG-321.

Một điều kỳ lạ khác của dự án này, là tập đoàn Mikoyan chưa bao giờ phát triển máy bay ném bom, vì đó là đặc quyền của tập đoàn Tupolev. Vì vậy, câu hỏi tại sao Mikoyan lại được giao nhiệm vụ phát triển một chiếc máy bay ném bom đến nay vẫn còn là một bí ẩn.

MiG-321 là một nền tảng linh hoạt có thể được sử dụng như một máy bay trinh sát, máy bay ném bom và máy bay đánh chặn tầm xa. Nhưng giới quân sự Liên Xô kỳ vọng ở chiếc máy bay này là khả năng chống lại các nhóm tác chiến tàu sân bay của một kẻ thù tiềm tàng.

Tốc độ tối đa theo thiết kế của MiG-321 đạt 5.300 km/h, độ cao bay tối đa 27.000 m và tầm bay 7.000 km. Kích thước chiều dài thân là 40m và sải cánh 29m. Các cánh có dạng hình học thay đổi, với góc lệch dao động từ 15 đến 70 độ.

Người ta tính toán rằng với những thông số và trang bị này, máy bay sẽ có trọng lượng 95 tấn, vũ khí trang bị 13 tấn và nhiên liệu 38 tấn. Một trong những vấn đề chính ở tốc độ siêu âm là sự gia nhiệt lớn của thân máy bay.

Vì lý do này, người ta đã lên kế hoạch rằng 60% cấu tạo MiG-321 sẽ được làm bằng titan và 40% còn lại là thép chịu nhiệt. Động cơ của MiG-321 bao gồm hai động cơ với tổng lực đẩy 60 tấn. Các cửa hút không khí của máy bay được đặt phía trên thân máy bay.

MiG-321 được cho là có thể thực hiện các chuyến bay trinh sát và tấn công các mục tiêu mặt đất bằng tên lửa đất đối không. Song với sự phát triển của vệ tinh, vai trò trinh sát của một chiếc máy bay như vậy trở nên ít hiệu quả.

Tuy nhiên, khả năng bay ở độ cao lớn với tốc độ siêu âm đã khiến nó trở thành phương tiện tấn công tàu sân bay lý tưởng. Vào cuối những năm 80, tài liệu về chiếc máy bay đã sẵn sàng, nhưng do chi phí cao của dự án, nó không bao giờ được thực hiện.

Việc thực hiện dự án này được cho là một bước đột phá của Liên Xô. Theo tính toán của những người tạo ra MiG-321, theo thời gian MiG-321 được cho là sẽ thay thế cả Tu-160. Nhưng với sự sụp đổ của Liên Xô, tất cả công việc bị đình chỉ mặc dù thực tế rằng tất cả các tài liệu dự án đã được chuẩn bị đầy đủ.

Năm 1997, Phòng thiết kế MiG đã tuyên bố bảo vệ dự án, nhưng mọi thứ không thể thực hiện theo ý định. Lúc đó, Chính phủ Nga không có kinh phí nên đã bán dự án. Và dự án MiG-321 cũng chịu chung số phận với những dự án đầy tham vọng khác của Liên Xô vào những năm 90 của thế kỷ trước.

Tuy nhiên, trong thời gian gần đây, tập đoàn MiG lại bắt đầu nói về dự án này. Nếu tính đến sự phát triển của công nghệ và vật liệu hiện đại, chiếc MiG-321 được chế tạo lại, được trang bị tên lửa siêu thanh hiện đại, có thể trở thành vũ khí nguy hiểm để chống lại tàu sân bay.

Máy bay ném bom chiến lược Tu-160 được nâng cấp gần đây vẫn có thể thực hiện nhiệm vụ chiến đấu chính, nhưng chúng ít có cơ hội qua mặt được lực lượng phòng không của các nhóm tác chiến tàu sân bay. MiG-321, với tốc độ ở độ cao lớn như vậy, có thể vượt qua hầu hết các hệ thống phòng không của đối phương.

Vật liệu và thiết bị điện tử hiện đại sẽ làm giảm đáng kể chi phí của dự án. Và kết hợp với tên lửa hạt nhân hiện đại, MiG-321 có thể trở thành vũ khí số một trong nhiệm vụ chống lại tàu sân bay. Nếu được trang bị tên lửa siêu thanh chiến lược, MiG-321 có thể sẽ thay thế máy bay Tu-160 và vượt xa nó về hiệu quả. Về mặt này, triển vọng của dự án không còn quá mơ hồ và khả năng cao là nó sẽ được hồi sinh.

Lê Quang

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: https://kienthuc.net.vn/quan-su/mikoyan-hoi-sinh-du-an-ke-huy-diet-tau-san-bay-thoi-lien-xo-1746001.html