Mận Yên Châu: Chinh phục thị trường bằng chất lượng

Không có được thương hiệu nổi tiếng như mận Mộc Châu, song quả mận hậu trên mảnh đất Yên Châu với vị ngọt đậm đà, chất lượng tốt cũng đang từng bước chinh phục người tiêu dùng.

Tại Tuần lễ mận và nông sản an toàn tỉnh Sơn La được tổ chức tại Trung tâm Xúc tiến Thương mại Nông nghiệp – Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Cầu Giấy, Hà Nội) tháng 5 vừa qua, lần đầu tiên, trái mận Yên Châu (Sơn La) được giới thiệu đến người tiêu dùng. Có vị chua ngọt xen lẫn, vị giòn tan, mận Yên Châu đã gây ngạc nhiên cho không ít người tiêu dùng. Chị Nguyễn Thị Lan (Mỹ Đình) chia sẻ, từ trước đến nay tôi vốn chỉ biết đến một thương hiệu mận của Sơn La là mận Mộc Châu, không ngờ còn một sản phẩm khác ngon đến vậy. Mận Yên Châu có vị dôn dốt rất ngon, đậm vị, không đắng, thực sự là sản phẩm rất ngon.

Trái mận trên đất Yên Châu cho hiệu quả kinh tế cao

Cây mận được đưa vào trồng trên địa bàn huyện Yên Châu từ năm 1991, đến nay diện tích đã lên đến hơn 1.400 ha, chiếm 30% trong tổng số diện tích cây ăn quả của huyện Yên Châu. Mận được trồng chủ yếu ở các xã như Phiêng Khoài, Yên Sơn, Chiềng On. Với giá dao động tại vườn từ 15 – 22.000 đồng/kg, nhờ trồng mận, nhiều hộ dân trên địa bàn huyện đã có thu nhập bình quân từ 150 triệu – 200 triệu/ha.

Anh Nguyễn Khánh Toàn (bản Hang Mon 1, xã Phiêng Khoài, huyện Yên Châu) chia sẻ, cây mận của xã Phiêng Khoài được đưa về trồng từ giống của mận Sapa, để thay thế cho cây ngô không mang lại hiệu quả kinh tế tốt. Phù hợp với thổ nhưỡng và khí hậu, cây mận đã cho chất lượng rất tốt, mẫu mã đẹp, vị ngon, được người tiêu dùng ưa thích. Với 2ha đất, gia đình tôi thu được 500 triệu/năm.

Thực hiện chủ trương của tỉnh về chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất dốc, Nghị quyết Đảng bộ huyện Yên Châu lần thứ XX về thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị và phát huy điều kiện lợi thế của địa phương, xác định cây mận hậu cùng với cây chuối, xoài, nhãn là 4 loại cây ăn quả chính, huyện Yên Châu đã định hướng đến năm 2020 phát triển 2.000 ha cây mận hậu ở địa bàn các xã Mường Lựm, Lóng Phiêng, Chiềng On, Phiêng Khoài. Phòng Nông nghiệp huyện cũng đã có nhiều giải pháp nhằm phát triển vùng trồng mận hậu tập trung, giúp người dân bao tiêu sản phẩm. Cùng với đó là nhân rộng các mô hình trồng mận hậu với tình hình đặc thù lợi thế của địa phương, gắn với việc nâng cao chất lượng, xây dựng thương hiệu cho sản phẩm, đảm bảo việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất dốc thực sự đem lại hiệu quả kinh tế, tăng thu nhập ổn định cho người dân.

Năm 2019, tỉnh Sơn La đã có thêm một loại nông sản mới là quả mận được xuất khẩu theo đường chính ngạch sang thị trường Campuchia. Ngay trong tháng 5, các hợp tác xã trên địa bàn huyện đã cùng với Công ty Cổ phần Tập đoàn Uniseed xuất khẩu hơn 100 tấn mận sang thị trường Campuchia theo đường chính ngạch. Xác định mận là một trong những cây ăn quả là sản phẩm chủ lực, không chỉ tiêu thụ trong nước, năm 2019, Yên Châu dự kiến xuất khẩu ra thị trường nước ngoài khoảng 445 tấn mận hậu. Để làm được điều này, ngoài tuyên truyền cho người dân trồng cây theo tiêu chuẩn VietGap, Yên Châu còn thường xuyên tham gia các sự kiện xúc tiến thương mại trong và ngoài nước do tỉnh tổ chức. Qua đó, giúp người nông dân có thu nhập ổn định, không lo rớt giá và thị trường bấp bênh.

Phó Giám đốc phụ trách Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Sơn La Nguyễn Thành Công cho biết, trong thời gian tới, ngành nông nghiệp Sơn La đang nỗ lực thực hiện các biện pháp để nâng cao sản lượng, chất lượng đồng thời xây dựng thương hiệu chính thức cho quả mận hậu Sơn La nói chung và mận Yên Châu nói riêng, giúp cho loại nông sản này có giá cả ổn định hơn. Đồng thời, ngành liên kết chặt chẽ với các tập đoàn kinh tế để sản xuất mận theo quy trình VietGAP, GlobalGAP. Từ đó, tiến hành cấp mã số vùng trồng, tem truy xuất nguồn gốc để xuất khẩu đi thị trường các thị trường khó tính khác như Hàn Quốc, Nhật Bản, châu Âu.

Bảo Ngọc

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/man-yen-chau-chinh-phuc-thi-truong-bang-chat-luong-125017.html