Mâm cỗ mặn lễ Vu Lan cần chuẩn bị những gì?
Mỗi một mùa Vu Lan là dịp nhắc nhở đạo làm con cần hiếu kính, nhớ ơn cha mẹ và giữ gìn nền nếp gia đình. Việc chuẩn bị mâm cúng lễ Vu Lan chu đáo và thành tâm cũng là cách để bày tỏ tấm lòng con cháu. Tham khảo mâm cỗ Vu Lan nên chuẩn bị những gì.
1. Mâm cỗ lễ Vu Lan nên cúng chay hay cúng mặn?
Nội dung
1. Mâm cỗ lễ Vu Lan nên cúng chay hay cúng mặn?
2. Mâm cỗ cúng dịp lễ Vu Lan cần chuẩn bị những gì?
Điều này do quan niệm của mỗi người. Nhiều người cho rằng, dịp lễ Vu Lan và xá tội vong nhân đều là quan niệm tín ngưỡng của Phật giáo, vì vậy chỉ nên cúng cỗ chay. Nhưng cũng có người cho rằng, mâm lễ cúng Phật và cúng chúng sinh nên làm cỗ chay, còn mâm cúng tổ tiên, thần linh thì làm cỗ chay hay cỗ mặn tùy ý.
Thực ra, việc làm cỗ chay hay mặn không theo quy định, nó tùy thuộc vào quan niệm và điều kiện thực tế của mỗi gia đình, do đó quan trọng nhất là tấm lòng thành tâm nhớ ơn gia tiên, cha mẹ.
Về cách thờ cúng, cỗ bàn trong ngày lễ Vu Lan, trong cuốn "Nghi lễ thờ cúng truyền thống của người Việt" của tác giả Hồ Đức Thọ cho biết, cúng lễ Vu Lan báo hiếu tại nhà thường có 4 lễ cúng: cúng Phật, cúng thần linh, cúng gia tiên và cúng thí thực cô hồn.
Lễ cúng Phật thường sắp cơm chay hoặc mâm ngũ quả; Lễ cúng thần linh và gia tiên thường cúng chay hoặc làm mâm cơm mặn; Cúng chúng sinh ở ngoài sân để cúng các cô hồn, lễ vật thường có cháo hoa, cơm vắt, giấy tiền, quần áo nhỏ, chuối, ổi, bánh, kẹo, ngô rang, xôi chè nhưng đều cắt nhỏ như để chia cho nhiều người…
2. Mâm cỗ cúng dịp lễ Vu Lan cần chuẩn bị những gì?
Trong những ngày rằm tháng 7 và lễ Vu Lan, con cháu chúng ta nên hướng tới những điều thiện như giúp đỡ người nghèo và báo hiếu với cha mẹ, ông bà.
Để tưởng nhớ đến ông bà, cha mẹ đã mất, các thế hệ sau nên nhắc nhở con cháu sống hiếu thuận, yêu thương nhau, noi gương theo truyền thống hiếu đạo của người Việt. Chính vì vậy, dù gia đình chuẩn bị cúng chay hay cúng mặn tùy thuộc điều kiện và lựa chọn riêng chứ không nhất thiết phải cầu kỳ quá mức.
Nếu cúng chay, ngoài hoa quả tươi và nước, các món chính trong mâm cỗ đều được dùng nguyên liệu chay từ rau củ, nấm, các sản phẩm từ đậu nành… Mâm cỗ chay có thể cầu kỳ, đẹp mắt nhưng cũng có thể đơn giản, thể hiện sự thanh tịnh, miễn sao đầy đủ, chu đáo và thuận tiện cho sự chuẩn bị của gia đình.
Còn mâm cỗ mặn cũng không cần thiết phải quá hoành tráng, mà quan trọng hơn cả là đồ cúng lễ phù hợp với hoàn cảnh gia đình, được thực hiện trang nghiêm và thành tâm.
Mâm cúng mặn thường bao gồm các món ăn truyền thống như: xôi, gà luộc, nem rán, canh mọc, canh thịt, canh củ quả, rau xào thập cẩm, giò cắt miếng…
Gợi ý một mâm cỗ mặn truyền thống cúng ngày rằm tháng 7 và lễ Vu Lan báo hiếu gồm những món sau:
Gà lễ cánh tiên.
Xôi trắng/xôi dừa/ xôi đỗ xanh/ bánh chưng.
Nem rán truyền thống/ nem rán tôm thịt/ nem hải sản.
Canh bóng thập cẩm/ canh nấm mọc củ sen/ canh củ quả.
Giò lụa/chả quế.
Có thể thêm các món nộm như: nộm rau củ thập cẩm, nộm đu đủ, nộm dưa chuột, nộm ngó sen, nộm thịt gà hoa chuối… để mâm cỗ thêm phong phú và đẹp mắt.