Mặc 'áo giáp' cho vựa lúa - Bài 1: Vị thế 'Giỏ thực phẩm toàn cầu'

Không phải ngẫu nhiên ĐBSCL được gọi là 'vựa lương thực, thực phẩm' của cả nước, được thế giới công nhận là 'Giỏ thực phẩm toàn cầu'. Đây là khu vực có hệ thống sông ngòi, kênh rạch chằng chịt; nhiều vườn cây trĩu trái, rừng nước lợ, rừng ngập mặn rộng lớn; cùng với các khu dự trữ sinh quyển, vườn quốc gia, khu bảo tồn thiên nhiên được công nhận.

Gạo Việt xuất khẩu sang 27 quốc gia, vùng lãnh thổ

Theo Bộ NN-PTNT, vùng ĐBSCL cung ứng khoảng 23 triệu tấn lúa/năm; sản lượng các loại cây ăn trái chính như xoài, chuối, thanh long, khóm, cam, quýt, bưởi, nhãn, chôm chôm, sầu riêng, mít… toàn vùng đạt gần 5,5 triệu tấn/năm... Tính chung đến nay, vùng ĐBSCL đang đóng góp hơn 31% GDP toàn ngành nông nghiệp.

Ông Trần Quốc Toản, Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công thương, cho biết, chỉ tính riêng mặt hàng gạo, năm 2023, sản phẩm gạo Việt Nam đã cung ứng cho nhu cầu sử dụng của người dân 27 quốc gia và vùng lãnh thổ. Sản lượng gạo xuất khẩu đã thiết lập kỷ lục mới khi đạt hơn 8,3 triệu tấn, tương ứng 4,7 tỷ USD, tăng 35,5% so với năm 2022. Con số này tiếp tục duy trì bằng hoặc hơn trong năm 2024.

“Nhiều mặt hàng thuần Việt như gạo, điều, cà phê, tiêu… đã có mặt tại Nam Phi. Đặc biệt, mặt hàng gạo lần đầu đạt kim ngạch xuất khẩu 6 triệu USD vào năm 2023. Điều này khẳng định Việt Nam đã và đang là nguồn cung ứng lương thực, thực phẩm rất quan trọng của quốc gia này nói riêng và toàn cầu nói chung”, ông Phạm Thanh Hải, đại diện Tham tán thương mại Việt Nam tại Nam Phi, nhấn mạnh.

 Nông dân An Giang thu hoạch lúa đông xuân 2023-2024. Ảnh: CAO PHONG

Nông dân An Giang thu hoạch lúa đông xuân 2023-2024. Ảnh: CAO PHONG

Vùng ĐBSCL còn là nơi cung ứng thủy hải sản cho nhiều quốc gia trên thế giới. Ông Trương Đình Hòe, Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến thủy sản Việt Nam, thông tin, chỉ từ đầu năm đến nay, lượng lớn tôm, cá tra, cá ngừ, bạch tuộc, cua ghẹ và thủy hải sản khác, tương ứng giá trị 2 tỷ USD, đã được Việt Nam cung ứng cho nhiều quốc gia trên thế giới. Trong đó, nhiều nhất là tôm với giá trị xuất khẩu đạt gần 700 triệu USD, kế đến là cá tra - gần 500 triệu USD, ngoài ra còn có các loại thủy hải sản, nhuyễn thể khác… 5 thị trường được xác định có kim ngạch nhập khẩu thủy hải sản lớn nhất của Việt Nam là Hoa Kỳ, Nhật Bản, châu Âu, Hàn Quốc và Australia.

Cũng theo ông Hòe, 5 địa phương có sản lượng nuôi trồng thủy hải sản cung ứng cho thị trường toàn cầu nhiều nhất tập trung tại vùng ĐBSCL là Cà Mau, Bạc Liêu, Kiên Giang, Trà Vinh, Bến Tre.

“Cứ điểm” an toàn của chuỗi cung ứng lương thực

Sản phẩm Việt đã và đang có sức ảnh hưởng lớn đến nhu cầu của người tiêu dùng trên toàn cầu. Nghiên cứu mới đây của Tổ chức Oxford Economics công bố cho thấy, Việt Nam là một trong 5 “giỏ” cung ứng lương thực, thực phẩm lớn nhất trên thế giới. Đây cũng là quốc gia chiếm 15% thị phần sản lượng gạo cung ứng cho toàn cầu.

Từ năm 2023, nhiều tập đoàn phân phối toàn cầu đã thiết lập văn phòng tại khu vực phía Nam để tìm kiếm nguồn cung ứng hàng hóa từ khu vực này. Ông Nguyễn Đức Trọng, Phụ trách phát triển nhà cung cấp mới thuộc Tập đoàn Walmart Việt Nam, cho biết, tập đoàn đã xây dựng “cứ điểm” thu mua tại Việt Nam. Tập đoàn đang phối hợp cùng Bộ Công thương làm việc với các doanh nghiệp, nông hộ, hợp tác xã tại vùng ĐBSCL để thu mua sản phẩm như xoài cát Hòa Lộc, bưởi, vú sữa, sầu riêng…

Cũng phải nói thêm rằng, Việt Nam là một trong 5 quốc gia có lượng hàng cung ứng nhiều nhất cho Tập đoàn Walmart, ước đạt khoảng 7 tỷ USD/năm. Nhu cầu tiêu thụ trái cây nói riêng và nông sản, thực phẩm mang bản sắc riêng Việt Nam nói chung tại các thị trường mà Tập đoàn Walmart đang hiện diện tăng mạnh trong thời gian gần đây.

Cùng chia sẻ về vấn đề này, ông Yuichiro Shiotani, Giám đốc Aeon Topvalu Việt Nam, thông tin, những năm gần đây, sản lượng thu mua nông thủy hải sản tại Việt Nam năm sau tăng gấp đôi năm trước và dự kiến đạt 1 tỷ USD vào năm 2025. Riêng từ trong năm 2024, ngoài công ty thành viên “săn” nguồn cung ứng hàng hóa đóng tại Việt Nam, tập đoàn sẽ đưa thêm các công ty thành viên từ các quốc gia khác đến tìm hiểu, làm cơ sở tăng tỷ lệ thu mua hàng hóa của Việt Nam.

Ông Mirash Basheer, đại diện Tập đoàn Lulu - chuỗi phân phối hàng hóa hàng đầu khu vực thị trường Trung Đông, cho biết, đang nhắm đến nguồn cung sản phẩm đạt chuẩn Halal từ Việt Nam. Bởi Việt Nam là một trong những quốc gia xuất khẩu nông, thủy sản lớn trên thế giới với nhiều mặt hàng tiêu biểu như gạo, cao su, chè, điều, cà phê, hồ tiêu, tôm, cá… và có những lợi thế quan trọng. Đặc biệt, vị trí địa lý Việt Nam rất thuận lợi, gần những thị trường Halal lớn, khi khoảng 62% dân số Hồi giáo tập trung tại châu Á.

Ông PHÙNG VĂN THÀNH, Tham tán thương mại Đại sứ quán Việt Nam tại Philippines:

Việt Nam là thị trường cung ứng gạo chủ lực của Philippines

Philippines là nước sản xuất gạo, trung bình khoảng 13 triệu tấn gạo/năm. Thế nhưng so với số lượng tiêu thụ khoảng 17 triệu tấn gạo/năm thì vẫn thiếu hụt. Đây là lý do Philippines phải nhập thêm gạo từ nước khác. Hiện Việt Nam là thị trường xuất khẩu gạo lớn nhất vào Philippines, với số lượng ước khoảng 3,2 triệu tấn, chiếm 85%/tổng sản lượng gạo nhập khẩu của nước này. Con số này dự kiến cán mốc 3,7 triệu tấn năm 2024.

Vừa qua, phái đoàn Chính phủ Philippines đã sang làm việc và ký biên bản ghi nhớ với Việt Nam về việc tăng nguồn cung lương thực thực phẩm, nhất là gạo cho Philippines. Thực tế này đã chứng minh, Việt Nam là đối tác xuất khẩu gạo vô cùng quan trọng của nước này, không chỉ là nguồn lương thực cho người dân mà còn đảm bảo an ninh lương thực cho Philippines. Vấn đề còn lại là Việt Nam, đặc biệt ĐBSCL, cần đa dạng chủng loại gạo với nhiều mức giá thành khác nhau để đáp ứng đa dạng nhu cầu cũng như sức mua của thị trường này.

* Ông TRẦN PHÚ LỮ, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại và đầu tư TPHCM:

Cơ hội mở rộng xuất khẩu

Ngành nông sản của Việt Nam đang xuất hiện nhiều cơ hội mới. Trước hết, Việt Nam có thể tận dụng tiềm năng xuất khẩu của mình vào các thị trường lớn như Hoa Kỳ, Châu Âu, Trung Quốc và Nhật Bản… nhờ vào sự đa dạng và chất lượng cao của các mặt hàng cà phê, lúa gạo, hạt điều...

Việc tham gia các hiệp định thương mại tự do cũng hỗ trợ việc giảm thuế, tăng năng lực cạnh tranh cho hàng Việt, từ đó gia tăng thị phần xuất khẩu. Bên cạnh đó, công nghệ số phát triển giúp mở ra cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam tối ưu hóa chuỗi giá trị nông sản thông qua các nền tảng trực tuyến và kết nối quốc tế...

Ngược lại, Việt Nam cũng phải đối diện với những thách thức trong thời gian sắp tới. Tham gia các hiệp định thương mại tự do sẽ thu hút vốn FDI, nhưng lại tạo ra áp lực cạnh tranh từ các doanh nghiệp nước ngoài với doanh nghiệp trong nước.

Cùng với đó, tư duy tiêu dùng đã thay đổi, người tiêu dùng ngày càng chuyển hướng sang ủng hộ các sản phẩm xanh và thân thiện với môi trường. Do đó, để đáp ứng nhu cầu này, từ nông dân đến các nhà sản xuất, nhà bán lẻ phải nỗ lực đầu tư chuyển đổi mô hình sản xuất, kinh doanh hướng đến phát triển xanh, bền vững.

Vùng ĐBSCL hay còn được gọi là Tây Nam bộ gồm có 13 tỉnh, thành phố nằm ở cực Nam của Tổ quốc; có vị trí liền kề vùng Đông Nam bộ, đặc biệt là TPHCM - trung tâm kinh tế của cả nước, phía Bắc giáp Campuchia, phía Tây Nam giáp vịnh Thái Lan, phía Đông Nam giáp Biển Đông. Vùng đất này có tổng diện tích tự nhiên gần 40.000km² và có tổng dân số gần 18 triệu người.

NHÓM PV

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/mac-ao-giap-cho-vua-lua-bai-1-vi-the-gio-thuc-pham-toan-cau-post739438.html