Lý Nhân trên lộ trình xây dựng nông thôn mới nâng cao

Xác định xây dựng NTM là nhiệm vụ thường xuyên, lâu dài, trên cơ sở xây dựng chiến lược phát triển KT – XH ổn định, bền vững, sau gần 7 năm cán đích NTM, xã Lý Nhân, huyện Vĩnh Tường tiếp tục triển khai các giải pháp tăng trưởng kinh tế, phát huy thế mạnh làng nghề, từng bước hoàn thiện cơ sở hạ tầng. Đồng thời, tích cực xây dựng đời sống văn hóa cơ sở, nâng cao dân trí, hướng tới xây dựng NTM nâng cao, thôn dân cư kiểu mẫu lộ trình đến năm 2025.

Đường trục thôn Bàn Mạch được trải nhựa, tạo thuận lợi phát triển thương mại – dịch vụ, làng nghề truyền thống.

Đường trục thôn Bàn Mạch được trải nhựa, tạo thuận lợi phát triển thương mại – dịch vụ, làng nghề truyền thống.

Xã Lý Nhân nổi tiếng với 3 làng nghề truyền thống là làng rèn thôn Bàn Mạch, 2 làng mộc thôn Văn Giang và Văn Hà. Theo thời gian, 3 làng nghề ngày càng phát triển về quy mô, có chỗ đứng trên thị trường, là điểm tựa kinh tế vững chắc của người dân nơi đây.

Bắt tay vào xây dựng NTM trên tinh thần nhà nước và nhân dân cùng làm, nhờ huy động thêm nguồn lực xã hội hóa giúp xã hoàn thành được các hạng mục khó như giao thông, cơ sở văn hóa, nhà ở dân cư, thu nhập... từ đó cán đích NTM sớm so với một số địa phương trong huyện.

Đánh giá về những chuyển biến tích cực từ chương trình xây dựng NTM, ông Nguyễn Xuân Toàn, Chủ tịch UBND xã Lý Nhân cho biết: “Thực hiện mục tiêu quốc gia xây dựng NTM giai đoạn 2011 – 2020, xã Lý Nhân đã tạo được bước đột phá trong phát triển KT – XH, giúp thay đổi toàn diện bộ mặt nông thôn.

Công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị được quan tâm, củng cố, tính dân chủ cơ sở được phát huy, an ninh trật tự được giữ vững.

Về phát triển kinh tế, phát huy tiềm năng, thế mạnh của địa phương, gắn phát triển nông nghiệp với phát triển nhanh công nghiệp dịch vụ, giai đoạn 2017 – 2019, xã đã hoàn thành công tác dồn thửa, đổi ruộng, tạo tiền đề đưa cơ giới hóa vào sản xuất; đồng thời, khuyến khích, định hướng, tạo điều kiện vay vốn cho người dân làng nghề mở rộng quy mô sản xuất, ứng dụng khoa học kỹ thuật nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm và thân thiện với môi trường.

Từ đó, thu nhập bình quân đầu người được nâng lên qua các năm, đến nay đạt gần 60 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ hộ nghèo giảm ở mức dưới 0,8%, đời sống vật chất và tinh thần của người dân được nâng lên, tạo tiền đề huy động nguồn lực xã hội hóa đầu tư kết cấu hạ tầng, hướng tới xây dựng NTM nâng cao, thôn dân cư kiểu mẫu”.

Hiện nay, 100% đường trục xã, trục thôn, ngõ xóm trên địa bàn xã Lý Nhân đã được cứng hóa; 100% người dân được sử dụng điện, nước sạch, hệ thống kênh mương, rãnh thoát nước đảm bảo quy định; 93% cơ sở sản xuất làng nghề, kinh doanh dịch vụ, hộ chăn nuôi đảm bảo các tiêu chí về môi trường.

Thiết chế văn hóa tại các thôn xã Lý Nhân được quan tâm đầu tư, góp phần nâng cao đời sống tinh thần cho người dân

Thiết chế văn hóa tại các thôn xã Lý Nhân được quan tâm đầu tư, góp phần nâng cao đời sống tinh thần cho người dân

Triển khai cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, 100% các thôn trong xã đều có nhà văn hóa, phục vụ nhu cầu thể thao, giao lưu văn hóa – văn nghệ, 96% số hộ đạt chuẩn gia đình văn hóa; ngoài ra, xã có 3 thôn được công nhận thôn văn hóa cấp tỉnh là Bàn Mạch, Văn Giang và Văn Hà.

Hướng tới đạt NTM nâng cao, thôn dân cư kiểu mẫu vào năm 2025, xã đề ra 2 nhiệm vụ đột phá, trong đó, đẩy mạnh việc thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, tăng hiệu quả trên đơn vị diện tích canh tác và giá trị thu nhập lao động nông nghiệp; xây dựng NTM gắn với đô thị hóa, trên cơ sở phát huy thế mạnh về thương mại - dịch vụ, tiểu thủ công nghiệp của địa phương.

Bên cạnh đó, xã tập trung phát triển toàn diện văn hóa xã hội, gắn con người với môi trường văn hóa lành mạnh, văn minh, nâng cao chất lượng dân số, đảm bảo an sinh xã hội.

Để hoàn thành các mục tiêu đề ra, xã tập trung vào 4 nhóm giải pháp chính, trong đó, nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, tránh tư tưởng ỷ lại, chủ quan, thỏa mãn trong Đảng bộ và nhân dân; phát huy vai trò lãnh đạo của Đảng, quản lý điều hành của chính quyền địa phương, vai trò tuyên truyền, vận động, giám sát và phản biện xã hội của người dân, tính tiên phong, gương mẫu của người đứng đầu.

Thực hiện nghiêm quy chế dân chủ với phương châm: “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân hưởng thụ”; tranh thủ huy động nguồn lực hỗ trợ của nhà nước, cùng với khai thác tối đa nguồn lực xã hội hóa để đầu tư cơ sở vật chất, phục vụ phát triển KT – XH trên địa bàn.

Thời gian tới, xã tập trung hoàn thiện các công trình xây dựng cơ bản, trong đó gồm các hạng mục thiết chế văn hóa, giao thông, hệ thống điện chiếu sáng công cộng...

Mặt khác, kiên quyết xử lý nghiêm các hành vi lấn, chiếm đất nông nghiệp, tập kết vật liệu xây dựng, rác thải ở các tuyến đường của xã...; đồng thời, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, xây dựng địa phương theo phương châm: “Xanh – sạch – đẹp – văn minh – đáng sống”.

Bài, ảnh: Hoàng Sơn

Nguồn Vĩnh Phúc: http://baovinhphuc.com.vn/kinh-te/74784/ly-nhan-tren-lo-trinh-xay-dung-nong-thon-moi-nang-cao.html