Lý do bột yến mạch tốt cho người bệnh đái tháo đường
Bột yến mạch là loại thực phẩm tốt nên có trong chế độ ăn kiêng dành cho bệnh nhân đái tháo đường. Ăn yến mạch giàu chất xơ có lợi cho tim mạch và giúp kiểm soát lượng đường trong máu.
1. Yến mạch giàu chất xơ tốt cho người đái tháo đường
NỘI DUNG
1. Yến mạch giàu chất xơ tốt cho người đái tháo đường
2. Ăn bột yến mạch giúp quản lý lượng đường trong máu như thế nào?
3. Yến mạch tăng khả năng giảm viêm
4. Giảm nguy cơ mắc bệnh tim và cholesterol cao
5. Yến mạch nào tốt nhất cho người mắc bệnh đái tháo đường type 2?
Theo Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ (USDA), yến mạch là một loại ngũ cốc rất giàu chất xơ cùng với các khoáng chất thiết yếu như magie, kali, canxi, phốt pho, kẽm và sắt. Yến mạch không chỉ bổ dưỡng và tạo cảm giác no mà còn có thể mang lại những lợi ích cụ thể cho những người mắc bệnh đái tháo đường type 2.
Theo MedlinePlus (trang thông tin trực tuyến của Thư viện Y khoa Quốc gia Hoa Kỳ), người lớn mắc bệnh đái tháo đường type 2 có thể được hưởng lợi từ việc ăn ngũ cốc nguyên hạt như yến mạch do chúng có tác dụng làm giảm lượng đường và cholesterol. Ngoài ra, chất xơ hòa tan trong yến mạch giúp đạt được mục tiêu về lượng đường trong máu, kiểm soát cân nặng.
Xem xét thành phần dinh dưỡng trong yến mạch:
Lượng calo: 153 (yến mạch truyền thống; ½ cốc) so với 166 (bột yến mạch; 1 cốc).
Protein: 5 g (yến mạch truyền thống; ½ cốc) so với 6 g (bột yến mạch; 1 cốc).
Chất béo: 3 g (yến mạch truyền thống; ½ cốc) so với 4 g (bột yến mạch; 1 cốc).
Carbohydrate: 27 g (yến mạch truyền thống; ½ cốc) so với 28 g (bột yến mạch; 1 cốc).
Chất xơ: 4 g (yến mạch truyền thống; ½ cốc) so với 4 g (bột yến mạch; 1 cốc).
Đường: 0 g (yến mạch truyền thống; ½ cốc) so với 1 g (bột yến mạch; 1 cốc).
2. Ăn bột yến mạch giúp quản lý lượng đường trong máu như thế nào?
Hiệp hội Đái tháo đường Hoa Kỳ (ADA) cho biết, cân bằng lượng carbohydrate nạp vào là chìa khóa cho chế độ ăn uống lành mạnh cho bệnh đái tháo đường. Theo Trường Y tế Công cộng Harvard TH Chan, mặc dù bột yến mạch có hàm lượng carbohydrate cao nhưng càng ít chế biến thì chỉ số đường huyết (GI) càng thấp. Lý do là nó được tiêu hóa và chuyển hóa chậm hơn, dẫn đến lượng đường trong máu tăng thấp hơn. Ví dụ như yến mạch cắt thép chế biến ít hơn so với bột yến mạch ăn liền.
Hàm lượng chất xơ cao trong yến mạch có thể giúp quản lý lượng đường trong máu và cân nặng. Một cốc bột yến mạch có khoảng 30 g carbs với 4 g chất xơ. Chất xơ rất quan trọng đối với tất cả người lớn, đặc biệt đối với những người mắc bệnh đái tháo đường. Chất xơ không chỉ giúp tiêu hóa đều đặn mà beta-glucan (ß-glucan), một loại chất xơ hòa tan cụ thể có trong yến mạch, làm tăng thời gian tiêu hóa, giúp làm chậm quá trình giải phóng glucose trong ruột non.
Một phân tích tổng hợp được công bố vào tháng 9 năm 2022 trên tạp chí Nghiên cứu và chăm sóc bệnh đái tháo đường mở BMJ đã kết luận rằng ß-glucan có thể giúp cải thiện mức đường huyết (cả ngay sau bữa ăn và khi nhịn ăn) ở người trung niên mắc bệnh đái tháo đường type 2.
Một lợi ích tiềm năng khác của thực phẩm giàu chất xơ như yến mạch là khả năng giúp người ăn cảm thấy no lâu hơn, giảm khả năng ăn quá nhiều. Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC) , tác dụng này có thể giúp thúc đẩy quá trình giảm cân. Thực phẩm giàu chất xơ cũng có xu hướng ít calo hơn, giúp tạo ra mức thâm hụt calo hàng ngày có thể giúp giảm hoặc duy trì cân nặng.
3. Yến mạch tăng khả năng giảm viêm
Một lý do khác để bổ sung năng lượng bằng yến mạch là đặc tính chống viêm. Viêm là một trong những cơ chế bảo vệ tự nhiên của cơ thể. Khi một người bị thương hoặc bị bệnh, cơ thể sẽ giải phóng các tế bào viêm để giúp chữa lành. Tuy nhiên, tình trạng viêm quá nhiều có thể xảy ra do bệnh tật (chẳng hạn như bệnh đái tháo đường type 2) hoặc do căng thẳng kéo dài, chế độ ăn uống kém và lối sống ít vận động. Tình trạng viêm mạn tính sẽ gây căng thẳng quá mức lên các cơ quan, góp phần gây ra các biến chứng như bệnh về tim và não.
Yến mạch có chứa một hợp chất chống viêm gọi là avenanthramide, giúp làm giảm tình trạng viêm ở bệnh đái tháo đường type 2 có thể dẫn đến bệnh tiến triển. Trong một thử nghiệm ngẫu nhiên có kiểm soát, các nhà nghiên cứu đã xem xét tác động của chế độ ăn giàu yến mạch ở bệnh nhân mắc bệnh đái tháo đường type 2. Các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng chế độ ăn kiêng này làm giảm các vi hạt được tìm thấy trong tiểu cầu trong máu có thể góp phần làm tăng lượng đường trong máu và viêm nhiễm.
Những kết quả này áp dụng cho những người mắc bệnh đái tháo đường type 2 đã có chế độ ăn uống khá cân bằng, tập thể dục thường xuyên và áp dụng các thói quen lối sống lành mạnh khác. Theo một đánh giá được công bố vào tháng 1 năm 2022 trên tạp chí Nutrients, ngũ cốc nguyên hạt (như yến mạch) cũng có liên quan đến việc giảm nguy cơ viêm nhiễm và từ đó giảm nguy cơ mắc bệnh mạn tính.
Tuy nhiên, vẫn còn thiếu bằng chứng xác nhận khả năng chống viêm của yến mạch và cần có nhiều nghiên cứu hơn.
4. Giảm nguy cơ mắc bệnh tim và cholesterol cao
Theo Viện Đái tháo đường, Tiêu hóa và Bệnh thận Quốc gia Hoa Kỳ (NIDDK), bệnh tim là một biến chứng được biết đến của bệnh đái tháo đường type 2 vì lượng đường trong máu cao có thể làm tổn thương các dây thần kinh và mạch máu kết nối với tim. Mặc dù chỉ ăn bột yến mạch sẽ không ngăn ngừa nguy cơ mắc bệnh tim nhưng thực phẩm giàu chất xơ, chống viêm như yến mạch, cùng với việc tuân theo các thói quen lành mạnh khác, có thể góp phần làm giảm nguy cơ mắc các vấn đề về tim trong thời gian dài.
Cũng có bằng chứng cho thấy yến mạch có thể làm giảm mức cholesterol cao, một yếu tố nguy cơ khác gây ra bệnh tim. Một đánh giá và phân tích tổng hợp trước đây đã kiểm tra các thử nghiệm trong đó những người mắc bệnh đái tháo đường type 2 ăn bột yến mạch vào bữa sáng so với nhóm đối chứng ăn thực phẩm không chứa yến mạch, chẳng hạn như bánh mì trắng. Các nhà nghiên cứu lưu ý rằng chất xơ từ yến mạch không chỉ giúp điều chỉnh lượng glucose mà những người tham gia nghiên cứu còn thấy mức cholesterol lipoprotein mật độ thấp (LDL "xấu") giảm. Các tác giả nói thêm rằng những người mắc bệnh đái tháo đường type 2 ăn yến mạch có mức cholesterol toàn phần thấp hơn.
Một đánh giá khác về các thử nghiệm có kiểm soát cho thấy chế độ ăn giàu yến mạch có liên quan đến việc giảm cholesterol LDL trung bình 4,2%.
5. Yến mạch nào tốt nhất cho người mắc bệnh đái tháo đường type 2?
Khhi là một phần trong chế độ ăn kiêng cho người bệnh đái tháo đường, hãy tìm hiểu loại nào tốt nhất vì không phải các loại yến mạch đều giống nhau. Mặc dù các loại bột yến mạch đều có nguồn gốc từ yến mạch nguyên hạt, là toàn bộ hạt được thu hoạch trước khi tách vỏ nhưng yến mạch càng được chế biến nhiều thì càng chứa ít chất xơ có lợi. Phương pháp nấu ăn cũng rất quan trọng. Theo nguyên tắc chung, thời gian nấu yến mạch càng lâu thì chúng càng tốt hơn. Theo chuyên gia dinh dưỡng, yến mạch cắt thép là loại yến mạch tốt nhất cho bệnh đái tháo đường type 2.
Yến mạch cắt thép: Yến mạch cắt thép (còn gọi là yến mạch Ireland) là loại yến mạch ít được chế biến nhất và có GI thấp nhất trong số các loại yến mạch. Chúng cung cấp kết cấu chắc và chứa nhiều chất xơ. Có chỉ số GI (khoảng 53) thấp nhất trong tất cả các loại yến mạch nên đây là lựa chọn tốt nhất cho chế độ ăn kiêng của người đái tháo đường.
Yến mạch cán: Yến mạch cán, yến mạch thông thường còn được gọi là yến mạch kiểu cũ có GI cao hơn một chút so với yến mạch cắt thép nhưng vẫn cung cấp một lượng chất xơ và chất dinh dưỡng tốt. Chỉ số GI là 55, loại yến mạch này là lựa chọn tốt hơn so với các loại yến mạch nấu nhanh để duy trì năng lượng.
Yến mạch nấu nhanh: Có chỉ số đường huyết (GI) là 66/100, loại yến mạch này có tác động trung bình đến lượng đường trong máu.