Lúa xanh thì con gái

BHG - Một ngày vào Thu, tôi lên bản thăm đồi chè, ngồi trong ngôi nhà của người Dao giữa lưng núi, nhấp xong chén chè bỗng nghe bà chủ nhà nói: Cô phải đi thăm ruộng vì hôm nay là ngày lúa đi lấy chồng. Cái câu nói vừa kỳ lạ vừa dân dã mang tri thức riêng biệt trong canh tác lúa nước của cô khiến tôi hình dung lại những ruộng lúa xanh ngắt mà mình vừa đi qua. Mùa này lúa đang xanh thì con gái chờ ngày trổ đòng ,đơm bông đây mà.

Vẻ đẹp của đồng lúa xanh ở thôn Hạ Thành, xã Phương Độ, thành phố Hà Giang.

Vẻ đẹp của đồng lúa xanh ở thôn Hạ Thành, xã Phương Độ, thành phố Hà Giang.

Gió mùa Thu mơn man thổi trên các cánh đồng một màu xanh mướt sống động trải ra trước mắt bao người. Mới trước đó, đồng ruộng còn trơ màu cỏ dại và đất hoang, sau khi có bàn tay người nông dân, từng thửa ruộng đã khoác màu áo mới. Thời điểm này cũng là lúc các bà, các chị chăm lúa, phát cỏ, bón phân và phòng trừ sâu hại cho lúa cũng chỉ có giai đoạn này để chăm sóc và quyết định mùa vụ có được bội thu hay không. Lúa lên xanh, vừa đến đầu gối người ấy là cả một quần thể riêng đủ các loại sinh vật sinh sống trong đó. Người nông dân làm ruộng truyền đời hiểu rõ mảnh ruộng và sự sinh sôi từng ngày của cây lúa, họ hiểu rõ cái gì gây hại, thứ gì có ích cho loại cây lượng thực chính này. Ở miền núi, nhiều nơi bà con thả cá chép thuần chủng xuống ruộng để chúng ăn phù du trong ruộng, mùa làm cỏ họ sẽ sục bùn để cá Chép sinh trưởng tốt và có thêm các sinh vật làm thức ăn cho chúng. Những con cá bé bằng đầu ngón tay khi mới thả giờ đã có thể rẽ nước lao mình giữa các gốc mạ cần nhiều nước hơn để bơi lội cho thỏa thích. Từ giờ tới khi lúa chín ương chúng cần đạt kích thước của cá trưởng thành nên ăn rất nhiều, loại cá này là một lực lượng chăm sóc lúa tự nhiên khi ăn các sinh vật gây hại như sâu, bọ, cào cào và sục bùn thường xuyên cho lúa.

Cánh đồng lúa đang thì con gái mang vẻ đẹp tươi xanh.

Cánh đồng lúa đang thì con gái mang vẻ đẹp tươi xanh.

Với người nông dân chân chất cả đời sống với đồng ruộng thì những cánh đồng xanh mướt luôn mang lại hy vọng ấm no cho cả năm. Thế nên họ chỉ biết chăm sóc, bảo vệ sao cho từng thửa ruộng từng cây lúa chính tay mình cấy xuống đất mẹ bao la cho đến ngày thu hái những hạt ngọc vàng mẩy về nhà. Còn nhớ hồi nào khi con trâu là đầu cơ nghiệp, đến mùa lúa nhà nào cũng chăn thả rất kỹ không cho chúng đi ăn lúa của người làng. Những gốc lúa mơn mởn là thứ hấp dẫn nhất với con trâu, chỉ dăm ba phút lơ là là một đàn trâu đã gặm sạch một đám ruộng chỉ còn trơ gốc rạ non và vết chân quần. Lỡ để trâu ăn lúa phải mang phân bón thúc cho lúa kịp lên lại chứ chẳng biết cách chữa nào khác.

Với nhiều người sinh sống ở thành thị đã lâu khi được đi đến một cánh đồng, nhất là của quê hương mình khi lúa đang thì con gái lòng sẽ dâng một cảm giác bình an và gợi nhớ những kỷ niệm xa xôi thời niên thiếu. Giữa cánh đồng mênh mông, thong thả dạo bước tận hưởng sự tươi mát, trong trẻo mà đồng lúa đem lại, mọi mệt mỏi tan biến, mọi áp lực trong cuộc sống bị bỏ lại phía sau. Lúa nước là hệ thống canh tác lâu đời nhất của nhân loại và trồng lúa luôn gắn chặt với thiên nhiên bởi các yếu tố đất, nước và vô vàn loại vi sinh vật nhỏ bé khác. Bởi vậy, một cánh đồng xanh mát luôn mang đến sự an toàn, bình yên và thư thái cho con người.

Ở vùng cao mùa này, những thửa ruộng bậc thang xanh ngát một màu non tơ đầy hy vọng. Giữa muôn trùng mây núi, từng đám ruộng nổi bật với màu xanh non nhưng vẫn vô cùng hài hòa với núi rừng tạo thành quần thể cảnh quan hùng vỹ. Giờ đây ở Bản Phùng, Nậm Ty, Bản Luốc... (Hoàng Su Phì); Khuổi My, Lùng Vài (thành phố Hà Giang) và nhiều nơi có ruộng bậc thang trên mảnh đất Hà Giang tất cả du khách đều sẽ chìm đắm trong một không gian xanh mướt của mùa lúa đang thì con gái. Lúa đang thì con gái, đang từng ngày chờ trổ bông để cho mùa vàng ấm no trên những đồng rừng.

Bài, ảnh: Trọng Toan

Nguồn Hà Giang: http://baohagiang.vn/van-hoa/202208/lua-xanh-thi-con-gai-63f7b2b/