Logistics phải đáp ứng yêu cầu xanh, sạch

Hiện đại hóa dịch vụ logistics bằng trí tuệ nhân tạo (AI) trong quản lý, sử dụng công nghệ xanh, sạch sẽ là xu hướng tất yếu trong thời gian tới.

Nhiều giải pháp cắt giảm chi phí logistics, cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh đưa Việt Nam (VN) trở thành trung tâm logistics tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương được nêu lên tại hội nghị Logistics 2023. Hội nghị có chủ đề “Logistic VN – Con đường phía trước” do Báo Đầu tư phối hợp công ty SLP tổ chức sáng 5-10 tại TP.HCM.

Bốn giải pháp cho logistics

Phát biểu tại hội nghị, ông Trần Duy Đông, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, để đạt mục tiêu cắt giảm chi phí logistics, cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của ngành logistics trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế và cách mạng công nghiệp lần thứ tư, VN cần tập trung vào 4 vấn đề.

Về cơ chế chính sách, VN phải tiếp tục hoàn thiện chính sách, pháp luật về dịch vụ logistics. Chính phủ cần sửa đổi, ban hành mới các chính sách, pháp luật điều chỉnh dịch vụ logistics, vận tải đa phương thức, vận tải xuyên biên giới, bao quát toàn diện các dịch vụ logistics, nội luật hóa các cam kết quốc tế về logistics... Tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, rà soát cắt giảm điều kiện kinh doanh, đơn giản hóa thủ tục kiểm tra chuyên ngành nhằm giảm chi phí và thời gian cho doanh nghiệp.

Về phát triển kết cấu hạ tầng, Nhà nước cần hoàn thiện kết cấu hạ tầng logistics, tiếp tục rà soát các quy hoạch, kế hoạch, đảm bảo tính đồng bộ của hạ tầng giao thông và dịch vụ vận tải.

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông đưa ra 4 giải pháp phát triển logistics Việt Nam trong thời gian tới.

Về phát triển nguồn nhân lực, để xây dựng nguồn nhân lực trong lĩnh vực logistics tại Việt Nam, đòi hỏi phải có sự tham gia và cam kết tích cực của các bên liên quan, bao gồm Chính phủ, chính quyền địa phương, các công ty logistics và trường dạy nghề.

Cuối cùng, các doanh nghiệp logistics cần xây dựng chiến lược kinh doanh, thực hiện liên kết chiến lược, liên doanh với các đối tác hoặc hoạt động mua bán sáp nhập doanh nghiệp để tạo ra các doanh nghiệp mạnh, tăng khả năng cạnh tranh.

“Thực hiện được đồng bộ, hiệu quả các giải pháp này, tôi tin rằng, ngành logistics Việt Nam sẽ ngày càng phát triển mạnh mẽ hơn nữa trong tương lai” - Thứ trưởng Trần Duy Đông khẳng định.

Logistics xanh

Ông Trần Thanh Hải, Phó cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương) cho rằng, xu hướng rất rõ hiện nay trong ngành logistics là đầu tư cho công nghệ và chuyển đổi số trong doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ logistics. Xu hướng ứng dụng công nghệ thông tin, những thành tựu khoa học công nghệ, trí tuệ nhân tạo trong việc quản lý đơn hàng, quản lý vận tải, quản lý cảng biển.

Các chuyên gia cho rằng, xu hướng dịch vụ logistics xanh đáp ứng các tiêu chí về môi trường, tiết kiệm chi phí trong toàn bộ chuỗi cung ứng của doanh nghiệp.

“Xu hướng thứ hai là xanh hóa chuỗi cung ứng, nghĩa là, doanh nghiệp phải đáp ứng yêu cầu về giảm phát thải, thân thiện với môi trường, đáp ứng được yêu cầu của hoạt động thương mại trong giai đoạn tới. Vì thế, tất cả các thành phần tham gia chuỗi cung ứng logistics đều phải đáp ứng yêu cầu xanh hóa, từ vận tải xanh, bao bì xanh, kho bãi xanh, quản lý dữ liệu logistics xanh vào kinh doanh. Qua đó, đáp ứng các tiêu chí về môi trường, tiết kiệm chi phí trong toàn bộ chuỗi cung ứng”- ông Hải chia sẻ.

Đại diện sàn TMĐT Lazada cho biết, đơn vị luôn hướng tới việc xây dựng một hệ sinh thái TMĐT bền vững, trong đó logistics xanh là một trụ cột quan trọng. Tại VN, tốc độ phát triển của TMĐT sẽ làm tăng số lượng xe giao hàng tham gia giao thông ngày càng nhiều.

Vì thế để giảm thiểu ảnh hưởng đến môi trường và hướng tới tương lai phát triển xanh, đơn vị này đã triển khai ứng dụng đa dạng loại hình xe giao hàng như xe đạp điện (2017) và xe máy điện (2022) để tìm ra phương án tốt nhất. Qua đó, nhằm tối ưu hóa chi phí giúp khách hàng có thể mua sắm online với chi phí tiết kiệm hơn.

“Xe máy điện có thùng xe rộng, tải trọng cao hơn 50% so với xe máy phổ thông hiện nay, trong khi tiết kiệm 25-35% chi phí nhiên liệu và 50% chi phí bảo trì. Đặc biệt, xe máy điện còn có thể vận hành hiệu quả ở nhiều địa hình phức tạp như lội nước, đi được ở các đường dốc thông thường như cầu, hầm… Doanh nghiệp giao hàng được hiệu quả hơn và góp phần cải thiện tình trạng ô nhiễm môi trường tại các đô thị lớn”- đại diện Lazada chia sẻ.

Việt Nam cần nhiều giải pháp để trở thành một trung tâm logistics tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Cũng theo vị này, trong thời gian tới, Lazada sẽ mở rộng phạm vi chuyển đổi phương tiện vận tải sang phương tiện sử dụng nhiên liệu sạch đối với các dòng xe tải trọng lớn như xe 3 bánh và 4 bánh. Hướng tới việc xây dựng dịch vụ logistics xanh, đơn vị này đang xây dựng và hoàn thiện kế hoạch ứng dụng nguồn năng lượng mặt trời thay cho điện thông thường trong khu vực kho bãi, trung tâm phân loại hàng hóa của mình.

QUANG HUY - THU HÀ

Nguồn PLO: https://plo.vn/logistics-phai-dap-ung-yeu-cau-xanh-sach-post754959.html