Loại rau gia vị kết hợp với trứng làm món bánh vừa ngon, lại giàu dinh dưỡng
Ca dao có câu rằng 'Gió đông lạnh buốt tái tê. Thanh hao lá hẹ tràn trề cỗ xuân'. Đây chính là kinh nghiệm ăn hẹ tốt nhất mà người xưa đúc kết được.
Bốn mùa xuân, hạ, thu, đông đều có những loại thực phẩm tươi ngon và tốt cho sức khỏe. Mùa xuân cũng có nhiều loại rau vừa tươi ngon lại giá rẻ, nhưng chẳng mấy ai nhớ đến có loại rau gia vị cực nhiều dinh dưỡng và tăng sức đề kháng rất tốt.
Phần lớn, nhiều người không thích rau hẹ vì mùi của chúng khá nồng, thậm chí nhiều người còn cho rằng chúng tanh và dễ ảnh hưởng đến hơi thở. Tuy nhiên, rau hẹ biết cách chế biến lại rất thơm ngon và hấp dẫn. Chẳng hạn như món bánh hẹ trứng. Nếu không dùng rau hẹ, bạn có thể dùng tỏi tây, hẹ tây (hành tăm) để thay thế.
Hướng dẫn cách làm bánh hẹ trứng
Nguyên liệu cần thiết
Hẹ tươi - 60g, trứng gà - 3 quả, bột mì - 150g, dầu hào, nước tương, dầu mè, bột ngũ vị hương, muối.
Cách thực hiện
Cho nước ấm vào bột mì cùng chút muối và nhào thành khối bột mịn. Sau đó, dùng màng bọc thực phẩm bọc kín lại. Để nghỉ từ 30 phút đến 1 tiếng.
Hẹ tươi rửa sạch, để ráo, cắt nhỏ. Trứng đánh tan, thêm xíu nước tương vào. Cho vào chảo chút dầu ăn, đổ trứng vào và đảo trứng nhanh tay, giống với cách làm trứng đảo rối.
Cho hẹ cắt nhỏ vào xào cùng trứng. Thêm xíu bột ngũ vị hương, dầu hào, nước tương vào trộn đều.
Bột mì lấy ra, nhồi kỹ lại nhiều lần. Cắt thành các viên bột nhỏ vừa phải. Dùng cây cán bột, cán mỏng thành vỏ bánh. Múc nhân trứng hẹ vừa xào vào. Vo tròn bánh và ấn hơi dẹt.
Quét lớp dầu mỏng vào trong chảo. Cho lần lượt bánh vào rán đến khi se một mặt thì lật bánh. Đến khi vàng đều hai mặt thì bày ra đĩa.
Chúc bạn thành công với cách làm bánh hẹ trứng này nhé!
Rau hẹ có tác dụng gì với sức khỏe?
Rau hẹ là loại cây thân thảo, còn được gọi là cửu thái, khởi dương thảo, giàu dược tính và mùi thơm đặc trưng. Rau hẹ rất giàu dinh dưỡng bao gồm nhiều vitamin (B, C), chất xơ và các khoáng chất. Không chỉ được dùng trong ẩm thực chế biến nhiều món ngon, hẹ còn là cây thuốc trị được nhiều bệnh.
Cũng giống như hành tỏi, hẹ còn chứa nhiều hoạt chất có tính kháng khuẩn, tiêu viêm. Rau hẹ có vị hơi cay, the nhẹ nên dễ ăn, vừa được dùng làm gia vị vừa làm rau ăn. Các món ngon như mì vằn thắn, sủi cảo hay bánh bao đều không thể thiếu được rau hẹ.
Theo y học cổ truyền, rau hẹ có vị ngọt cay, tính ấm, có tác dụng tích cực trong việc ôn trung bổ hư, điều hòa phủ tạng, bổ thận ích dương. Một số tác dụng chữa bệnh của hẹ như chữa cảm mạo, ho do lạnh; hỗ trợ điều trị đái tháo đường; nhuận tràng, trị táo bón; chữa ăn uống kém.
Nhiều nghiên cứu cho thấy, lượng chất xơ trong rau hẹ có tác dụng kích thích tiêu hóa, thúc đẩy nhu động ruột, có thể phòng chống bệnh táo bón. Thêm vào đó, chất xơ trong rau hẹ còn có khả năng cân bằng các nhóm vi khuẩn đường ruột, ngăn ngừa tác động của chất gây ung thư ở niêm mạc ruột. Đây cũng là loại rau dự phòng tích cực để tránh bệnh ung thư đại tràng.
Rau hẹ cũng có tác dụng hiệu quả trong việc hỗ trợ điều trị tăng huyết áp và các bệnh liên quan đến cơ tim.
Mặc dù được coi là kháng sinh trừ viêm vào mùa xuân, nhưng rau hẹ cũng khó tiêu nên không nên ăn quá nhiều mỗi lần. Đồng thời, những người thể chất âm hư nội nhiệt, hay bị mụn nhọt và mắc các bệnh về mắt thì nên kiêng ăn hẹ, hoặc ăn với số lượng rất ít.
Theo kinh nghiệm dân gian, người xưa cũng khuyên khi nấu ăn, rau hẹ không nên kết hợp với mật ong và thịt bò, sẽ tạo ra chất khó tiêu, ảnh hưởng đến sức khỏe.