Sự kiện xác lập kỷ lục trình diễn nhạc Ngũ âm quy mô lớn nhất Việt Nam

Trong khuôn khổ Lễ hội Oóc Om Bóc - Đua ghe Ngo Sóc Trăng, khu vực ĐBSCL lần thứ VI và Tuần Văn hóa, Thể thao và Du lịch Sóc Trăng lần thứ I, năm 2024 (Lễ hội), Tổ chức xác lập kỷ lục Việt Nam xác nhận trình diễn Nhạc Ngũ âm của người Khmer tỉnh Sóc Trăng có quy mô lớn nhất Việt Nam. Ngành chức năng tỉnh đã có sự chuẩn bị chu đáo cho sự kiện này.

Theo Sở VHTT&DL tỉnh Sóc Trăng, để chuẩn bị cho sự kiện Tổ chức xác lập kỷ lục Việt Nam xác nhận trình diễn Nhạc Ngũ âm của người Khmer tỉnh Sóc Trăng có quy mô lớn nhất Việt Nam, Sở VHTT&DL tỉnh đã xây dựng kế hoạch tổ chức xác lập được triển khai, công tác chuẩn bị đã hoàn tất, thủ tục hồ sơ xác lập kỷ lục cung cấp đầy đủ theo yêu cầu của đơn vị tổ chức xác lập kỷ lục.

Công tác chuẩn bị đã hoàn tất cho sự kiện xác lập kỷ lục Việt Nam xác nhận trình diễn Nhạc Ngũ âm có quy mô lớn nhất Việt Nam

Công tác chuẩn bị đã hoàn tất cho sự kiện xác lập kỷ lục Việt Nam xác nhận trình diễn Nhạc Ngũ âm có quy mô lớn nhất Việt Nam

Đồng thời, hoàn thành kịch bản trình diễn, liên hệ, lập danh sách các nghệ nhân tham gia biểu diễn; kiểm đếm số lượng dàn nhạc để trưng bày dụng phục vụ buổi trình diễn.

Ngoài ra, Sở đã chỉ đạo các đơn vị chuyên môn chuẩn bị các phương án bố trí dàn nhạc phù hợp với không gian nơi trình diễn (công viên 30/4, thành phố Sóc Trăng) đảm bảo buổi lễ được diễn ra thành công.

Ông Sơn Pô – Phó Giám đốc Sở VHTT&DL tỉnh Sóc Trăng cho biết, sự kiện tổ chức xác lập kỷ lục Việt Nam xác nhận trình diễn Nhạc Ngũ âm của người Khmer tỉnh Sóc Trăng có quy mô lớn nhất Việt Nam là một trong những điểm nhấn có ý nghĩa đặc biệt trong chuổi các hoạt động của Lễ hội được các cấp lãnh đạo quan tâm chỉ đạo thực hiện và được đông đảo quần chúng nhân dân và du khách gần xa náo nức mong chờ để được trải nghiệm.

“Buổi trình diễn có 20 dàn nhạc Ngũ âm đồng diễn với 200 nghệ nhân, nhạc công và diễn viên múa Rom Vong tham gia. Tất cả các nghệ nhân, diễn viên tham gia trình diễn đều đã chuẩn bị sẵn sàng cho sự kiện quan trọng này”.

20 dàn nhạc Ngũ âm tham gia đồng diễn

20 dàn nhạc Ngũ âm tham gia đồng diễn

Nghệ nhân Thạch Hải Vinh – Đoàn Khmer tổng hợp tỉnh Sóc Trăng, chia sẻ: “Tôi rất vui mừng vì dàn nhạc Ngũ âm của người Khme rnói chung và người Khmer Sóc Trăng nói riêng được tổ chức kỷ lục guiness xác nhận, bản thân tôi rất phấn khởi, đây không chỉ là niềm vui riêng tôi mà là niềm vui chung của tỉnh Sóc Trăng chúng ta, Vì vậy chúng ta cần phải phát huy và bảo tồn loại hình nhạc cụ này ngày càng tốt hơn”.

Chương trình sẽ được khai mạc và tổ chức trình diễn xác lập kỷ lục vào lúc 18h, ngày 11/11/2024 tại công viên 30/4 TP Sóc Trăng.

Nhạc Ngũ âm truyền thống của người Khmer (Pinn Peat) là một dàn nhạc được hợp thành bởi 5 bộ nhạc cụ được làm từ 5 loại chất liệu khác nhau tạo nên 5 âm sắc riêng biệt: bộ đồng, bộ sắt, bộ mộc, bộ hơi và bộ da.

Trong đó, mỗi bộ sẽ có một, hai hoặc ba loại nhạc cụ tham gia tạo nên biên chế hoàn chỉnh của dàn nhạc Ngũ âm truyền thống gồm loại 9 nhạc cụ: Kèn Srolai Pinn Peat (Bộ hơi); đàn Rôneat Ek, Rôneat Thung (Bộ mộc); Rôneat Đek (Bộ sắt); Kuông Vông Tôch, Kuông Vông Thum, Chhưng (Bộ đồng); Trống Samphô, Trống Skô Thum (Bộ da).

Nhạc Ngũ âm của người Khmer tương ứng với 05 âm sắc được phát ra từ các nhạc cụ được làm bởi 5 loại vật liệu gồm: đồng, sắt, gỗ, da và hơi. Điều này được quan niệm bắt nguồn từ sự gắn liền với 5 yếu tố trong nguyên lý ngũ hành là Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ,...

Ngày 20/12/2019, Nhạc ngũ âm của người Khmer ở Sóc Trăng đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Hà Giang

Nguồn Bảo Vệ Công Lý: https://baove.congly.vn/su-kien-xac-lap-ky-luc-trinh-dien-nhac-ngu-am-quy-mo-lon-nhat-viet-nam-458579.html