Linh hồn của văn hóa Mường

Ông Nguyễn Đình Thưởng ở khu 2, xã Ngọc Đồng, huyện Yên Lập, có 36 năm thực hành diễn xướng dân gian, tập quán và tín ngưỡng của đồng bào Mường, từ những tâm huyết đó đã giúp ông vinh dự được Chủ tịch nước trao tặng danh hiệu Nghệ nhân ưu tú vì đã cống hiến xuất sắc trong gìn giữ và phát huy di sản văn hóa phi vật thể của dân tộc.

Nghệ nhân Nguyễn Đình Thưởng thực hiện nghi lễ Mở cửa rừng vào ngày mùng 7 tháng Giêng Âm lịch hằng năm.

Xã Ngọc Đồng là xã thuần nông với trên 90% dân số là người dân tộc Mường, ông Thưởng đã gắn bó cả cuộc đời với tín ngưỡng văn hóa dân gian của đồng bào mình. Ngay từ khi còn nhỏ, ông được thừa hưởng những hiểu biết và tập tục của người Mường từ bố đẻ là thầy mo Nguyễn Đình Cho. Lúc còn sống, ông Cho thường làm các nghi lễ như: Cúng vào mùa, ra mùa, lễ mừng cơm mới, lễ làm vía buộc tay cho người già, trẻ nhỏ, đặc biệt là lễ mở cửa rừng, đóng cửa rừng vào ngày mùng 7 tháng Giêng và 25 tháng Chạp hằng năm. Vì thế, những âm thanh của lời hát, tiếng trống, mõ, sên, phách đã ngấm sâu vào tâm hồn ông. Năm 1986, ông Thưởng được bố giao lại lô nhang, bàn thờ, tên hiệu của các cụ. Năm ấy, ông vừa tròn 27 tuổi và chính thức nối gót cha trở thành thầy mo Mường.

Thầy mo hay còn gọi là nghệ nhân có vị trí đặc biệt quan trọng trong đời sống văn hóa và tâm linh của người Mường, đóng vai trò trung tâm trong tất cả các nghi lễ. Từ cúng bản, cúng Mường, cúng thần rừng phù hộ, cúng tiễn người đã khuất, cúng mừng cơm mới, cúng vía.... Những tập tục ấy giúp đời sống tinh thần của người Mường gắn bó chặt chẽ với nhau, biết hướng thiện. Một trong những lễ cúng mà ông Thưởng tâm đắc nhất là lễ cúng mở cửa rừng. Người thực hiện phải là thầy mo có uy tín được dân làng cử ra sắp lễ, gieo quẻ âm dương giao ước khi được thần chấp thuận dân làng mới được vào rừng làm nương rẫy và săn bắn thú rừng.

Ở tuổi 64, ông Thưởng vẫn còn minh mẫn để thuộc hàng trăm bài cúng, văn vần sử dụng trong các nghi lễ và diễn xướng. Giọng nói ông truyền cảm, khi thì hùng hồn, thiêng liêng, lúc lại buồn sầu, bi thảm. Bên cạnh việc thực hành tín ngưỡng văn hóa lâu đời của người Mường, ông Thưởng còn đóng vai trò là già làng uy tín luôn tuyên truyền cho bà con không đi theo mê tín dị đoan, thực hành nếp sống mới và chấp hành chủ trương, đường lối pháp luật của Đảng và Nhà nước. Để mạch nguồn văn hóa dân tộc Mường luôn được giữ gìn và bảo tồn, ông Thưởng đã góp công truyền nghề cho 160 người trong xã. Trong đó có nhiều người am hiểu và thực hành thuần thục các nghi lễ của người Mường.

Nghệ nhân Nguyễn Đình Thưởng thực hiện lễ cúng làm vía buộc tay cho người già

Năm 1994, ông Thưởng được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tặng Huy chương Bạc tại Liên hoan hát dân ca và giao duyên khu vực các tỉnh, thành phố phía Bắc tại Hà Nội. Năm 2009, ông tiếp tục đạt giải phong trào tiết mục trình diễn bằng tiếng dân tộc độc đáo nhất tại Hội diễn văn nghệ quần chúng và Hội trại văn hóa phục vụ Giỗ Tổ Hùng Vương; Lễ hội Đền Hùng. Trong các năm 2013, 2014 ông được tặng Bằng khen của Tỉnh ủy Phú Thọ vì đã có thành tích tiêu biểu trong phong trào văn hóa; Giấy khen của UBND huyện Yên Lập vì có thành tích xuất sắc tham gia Hội báo xuân Giáp Ngọ 2014 tổ chức tại huyện Yên Lập. Năm 2017 ông Đạt giải B tại Liên hoan văn nghệ quần chúng phục vụ Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng... Đặc biệt, năm 2022, ông được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu vinh dự “Nghệ nhân ưu tú”.

Có những người như nghệ nhân như ông Nguyễn Đình Thưởng, văn hóa dân tộc Mường nói riêng và bản sắc văn hóa trên địa bàn tỉnh nói chung sẽ mãi mãi được trường tồn

Thùy Trang

Nguồn Phú Thọ: https://baophutho.vn//dan-toc-ton-giao/linh-hon-cua-van-hoa-muong/190897.htm