Liệu pháp nào giúp 'giải cứu' xe buýt TPHCM?

TP.HCM có 128 tuyến xe buýt với gần 2.100 xe hoạt động. Trước tình trạng ùn tắc giao thông ngày càng nghiêm trọng - với một trong những nguyên nhân chính là lượng xe cá nhân tăng quá nhanh - xe buýt được kỳ vọng sẽ góp phần quan trọng trong việc giảm xe cá nhân, hạn chế tắc đường, ô nhiễm. Thế nhưng lượng khách sử dụng loại hình vận tải này đang giảm qua các năm.

Giải cứu” xe buýt để ngành vận tải hành khách công cộng này phát huy hết công năng, hoạt động hiệu quả, đem lại nhiều tiện ích cho xã hội là điều đang được trông chờ?

Tiết kiệm chi phí đi lại, an toàn hơn, giảm bớt xe máy cá nhân gây ô nhiễm, kẹt xe… là những yếu tố thu hút nhiều người dân TPHCM đi xe buýt.

Thế nhưng đó chỉ là một phần của bộ mặt xe buýt TPHCM. Chạy ngược chiều, chạy lấn làn, chạy cả lên vỉa hè… lại là một bộ mặt khác của hệ thống xe buýt khiến người dân ngao ngán, “sợ” xe buýt.

Ông Trần Văn Thống, Quận 4, TPHCM: “Thường tài xế xe buýt muốn tấp là tấp liền à, ngoắc vô là tấp, không trở tay kịp. Nguy hiểm chứ, bị hoài thấy hoài, tình trạng đó thấy hoài.”

Những năm gần đây, hệ thống xe buýt ở TP.HCM được đầu tư, nâng cấp phương tiện hiện đại, cải thiện chất lượng phục vụ. Dù vậy xe buýt vẫn thiếu hấp dẫn. Theo thống kê của Sở GTVT TP.HCM, từ năm 2014 đến nay, lượng khách đi xe buýt giảm dần theo từng năm.

6 tháng đầu năm 2022, xe buýt TP.HCM chỉ đạt khoảng 30 triệu lượt hành khách. Xe buýt ế khách khiến doanh nghiệp đã khó càng thêm khó. Như đơn vị này có 110 chiếc xe buýt chạy trên 6 tuyến nhưng hiện chỉ có phân nửa số xe hoạt động, còn lại nằm ở bãi xe, áp lực chi phí đè nặng doanh nghiệp.

Ông Trần Nguyên Thái, Giám đốc chi nhánh phía Nam, Công ty Bảo Yến: “Giá nhiên liệu tăng cao cũng ảnh hưởng chi phí doanh nghiệp xe buýt. Trong đó các chi phí sửa chữa, tiền lương và chi phí công tác quản lý cũng tăng cao”.

Hiện TPHCM đang có 128 tuyến xe buýt hoạt động, trong đó có 91 tuyến trợ giá (với khoảng 1.000 tỷ đồng mỗi năm). Từ đầu năm 2022 đến nay các đơn vị vận tải chưa nhận được tiền tạm ứng trợ giá. Do vậy, để “giải cứu” xe buýt, các doanh nghiệp mong muốn thành phố sớm chi trả trợ giá đầy đủ.

Về lâu dài, để người dân không quay lưng với xe buýt, giúp hệ thống xe buýt phục hồi và phát triển trở lại, cần tiếp tục nâng cấp phương tiện, nâng cao chất lượng phục vụ hành khách, xây dựng hình ảnh xe buýt văn minh – thân thiện – an toàn.

Ông Lê Trung Tính, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô hành khách TPHCM:“Phải xem xét, điều chỉnh các hợp đồng thầu cũng như đặt hàng để các doanh nghiệp sống được bởi đó là điều kiện bất khả kháng thì phải trả cho người ta. Nếu tiếp tục đấu thầu nên đưa xét cho phù hợp với điều kiện tình hình thực tế.”

Ông Lê Đỗ Mười, Viện trưởng Viện Chiến lược và phát triển GTVT:“Các đơn vị vận tải hành khách công cộng TPHCM cần nhìn lại và đánh giá lại mình để phù hợp với phát triển đô thị trong tương lai. Hình thái đô thị TPHCM hoàn toàn khác, không còn truyền thống như xưa.

“Thay áo mới” cho xe buýt TP.HCM, ngành giao thông cũng sẽ tái cấu trúc mạng lưới tuyến buýt ở thành phố, bao gồm tuyến trục, tuyến chính và thu gom; đẩy mạnh ứng dụng CNTT trên tất cả các tuyến xe buýt để đảm bảo tần suất hoạt động, chạy đúng chuyến, đúng giờ.

Nguồn Quốc Hội TV: https://www.quochoitv.vn/lieu-phap-nao-giup-giai-cuu-xe-buyt-tphcm