Lễ hội mùa Xuân và 'quỹ đạo' của nhà quản lý

Sau Tết cổ truyền, khi cánh cửa năm mới mở ra, trời đất giao hòa, tiết Xuân hiện hữu cũng là thời điểm nhiều lễ hội được tổ chức, điều này lý giải vì sao người ta thường gọi mùa Xuân là mùa của lễ hội, mùa du Xuân, vãn cảnh. Nhìn tổng thể, các lễ hội không chỉ đáp ứng nhu cầu tâm linh, tín ngưỡng của đông đảo nhân dân mà còn nhằm mục tiêu duy trì, phát triển những giá trị văn hóa truyền thống, giáo dục lòng yêu nước, tri ân công đức tổ tiên, nhân lên những mỹ tục tốt đẹp của dân tộc. Tuy nhiên, trong bối cảnh nhiều lễ hội ở các địa phương được tổ chức kéo theo số lượng người tham gia đông, việc tổ chức lễ hội thế nào cho đúng với ý nghĩa tốt đẹp của nó, tích hợp được các yếu tố an toàn, tiết kiệm, thiết thực, hiệu quả, mang tính xã hội hóa cao... đã trở thành mối quan tâm chung, là bài toán đặt ra và động thái cần có từ phía các cấp chính quyền, nhà quản lý...

Thực hiện nghi thức Tế nữ quan trong Lễ hội Đền Mẫu Âu Cơ năm Quý Mão 2023 tại xã Hiền Lương, huyện Hạ Hòa.

Trong bức tranh chung lễ hội của cả nước, những lễ hội mùa Xuân dễ hiện ra với những gam màu sáng bởi quy mô, cấp độ tổ chức và ý nghĩa xã hội mà nó mang lại. Có thể dẫn chứng ra đây những lễ hội tiêu biểu ở các địa phương trải dài từ Bắc, Trung, Nam, khắp ba miền đất nước như: Lễ hội Chùa Hương (huyện Mỹ Đức, Hà Nội, khai hội từ mùng sáu tháng Giêng đến tháng ba âm lịch), Lễ hội Gò Đống Đa (quận Đống Đa, Hà Nội, mùng năm Tết), Lễ hội khai ấn Đền Trần (Nam Định, từ ngày 11 đến 16 tháng Giêng), Lễ hội Yên Tử (Quảng Ninh, từ mùng 10 tháng Giêng đến tháng ba âm lịch), Lễ hội Tịch điền Đọi Sơn (Hà Nam, từ mùng năm đến mùng bẩy tháng Giêng), Lễ hội chợ Viềng (Nam Định, đêm mùng bẩy rạng sáng mùng tám tháng Giêng âm lịch).

Cùng với đó là Lễ hội Đền Vua Mai (Nam Đàn, Nghệ An, mùng ba đến mùng năm Tết), Lễ hội Cầu Ngư (các tỉnh ven biển Nam Trung bộ, tháng Giêng âm lịch), Lễ hội núi Bà Đen (Tây Ninh, từ mùng bốn Tết đến hết tháng Giêng), Lễ hội Chùa Bà Thiên Hậu (Bình Dương, từ 13 đến 15 tháng Giêng), Lễ hội Đức Thánh Trần (TP Hồ Chí Minh, từ mùng tám đến mùng 10 tháng Giêng). Với quê hương Đất Tổ Vua Hùng, trong tổng hòa của 369 lễ hội gắn với các di tích, di sản như Lễ hội Đền Mẫu Âu Cơ (huyện Hạ Hòa), Lễ hội Trò Trám (xã Tứ Xã, huyện Lâm Thao), hội Phết Hiền Quan (huyện Tam Nông), Lễ hội Đền Tam Giang, Mộ Chu Hạ, hội làng Hùng Lô (TP Việt Trì), Lễ hội Đền Lăng Sương, Đình Đào Xá (huyện Thanh Thủy) thì Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng (TP Việt Trì) luôn là một trong những lễ hội mùa Xuân lớn nhất, mẫu mực nhất của cả nước trên mọi phương diện...

Hội thi bơi chải trong Lễ hội Đền Quốc tế, xã Thạch Đồng, huyện Thanh Thủy.

Nhìn vào bản đồ các lễ hội mùa Xuân có thể thấy vai trò của các cấp chính quyền, nhà quản lý, cộng đồng xã hội và ý thức trách nhiệm của chính mỗi người dân lớn như thế nào để đưa hoạt động lễ hội đi đúng “quỹ đạo” của nó, tạo không khí vui tươi, phấn khởi, đáp ứng nhu cầu tâm linh, tín ngưỡng của nhân dân. Vì thế, cuối tháng 12 năm 2022, với chức năng quản lý nhà nước, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH,TT&DL) đã có văn bản hướng dẫn việc tổ chức các hoạt động VH,TT&DL mừng Xuân Quý Mão 2023, trong đó có yêu cầu, chỉ dẫn về công tác quản lý, tổ chức lễ hội.

Theo Thứ trưởng Bộ VH,TT&DL Tạ Quang Đông, công tác quản lý và tổ chức lễ hội phải đảm bảo đúng theo quy định, thiết thực, an toàn, tiết kiệm, phù hợp với nếp sống văn minh, truyền thống văn hóa của dân tộc và phong tục, tập quán tốt đẹp của từng địa phương, phát huy tính tích cực, sáng tạo của nhân dân trong sinh hoạt văn hóa cộng đồng, bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống. Ở khía cạnh khác, cần chủ động xây dựng kế hoạch, phương án chuẩn bị chu đáo, kỹ lưỡng mọi điều kiện để lễ hội diễn ra an toàn, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, phòng, chống cháy, nổ, vệ sinh môi trường, bảo đảm ANTT, ATGT, an toàn sông nước, phòng, chống các tệ nạn xã hội đi đôi với tăng cường thanh tra, kiểm tra, ngăn chặn, xử lý nghiêm các vi phạm, đặc biệt là các hành vi lợi dụng di tích, lễ hội, tín ngưỡng để trục lợi, hoạt động mê tín dị đoan, cờ bạc, tổ chức lễ hội tràn lan, gây tốn kém, lãng phí, gây bức xúc, dư luận xấu trong nhân dân...

Từ quan điểm, góc nhìn cận cảnh của nhà quản lý, Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở Ninh Thị Thu Hương (Bộ VH,TT&DL) cũng cho rằng, cần đẩy mạnh tuyên truyền các quy định của Đảng, Nhà nước về lễ hội, về giá trị lịch sử, văn hóa của di tích, lễ hội, quán triệt, thực hiện nghiêm túc tinh thần chỉ đạo của Ban Bí thư là chỉ dự lễ chùa, lễ hội khi được phân công, không sử dụng phương tiện, tài sản công trái quy định. Cùng với đó, chỉ đạo Ban tổ chức lễ hội bố trí thu gom kịp thời các loại tiền lễ, tiền giọt dầu đặt không đúng nơi quy định, thực hiện nếp sống văn minh trong lễ hội; kiên quyết không để xảy ra chen lấn, tranh cướp, ăn mày, ăn xin, dịch vụ đổi tiền lẻ hưởng chênh lệch diễn ra trong lễ hội đi đôi với đáp ứng yêu cầu về phòng, chống dịch bệnh COVID-19 trong tình hình mới...Ở tỉnh ta, Sở VH,TT&DL đã sớm có văn bản tăng cường công tác quản lý, tổ chức hoạt động lễ hội đảm bảo đúng nghi thức truyền thống, tạo không khí vui tươi, phấn khởi, an toàn, lành mạnh, tiết kiệm tại các lễ hội trên địa bàn tỉnh, nhất là đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao ý thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành, nhân dân và du khách khi tham gia lễ hội; không tổ chức các lễ hội mang yếu tố phản cảm, bạo lực, các nghi lễ có tính bạo lực, mê tín dị đoan, gây mất an ninh trật tự, không cấp phép tổ chức lễ hội có mục đích thương mại, trục lợi...

“Chúng tôi đã phối hợp chỉ đạo các Ban quản lý di tích, Ban tổ chức lễ hội không bán vé, thu tiền tham dự lễ hội; hướng dẫn việc đặt tiền lễ đúng nơi quy định, quản lý và sử dụng nguồn thu từ hoạt động lễ hội hiệu quả, công khai, minh bạch, đúng mục đích; không đưa các linh vật ngoại lai, hiện vật lạ không phù hợp với thuần phong mỹ tục của Việt Nam vào các khu di tích, khu thờ tự, đảm bảo tính nguyên trạng của di tích theo đúng Luật Di sản văn hóa và các văn bản hướng dẫn thi hành. Bên cạnh đó, tăng cường công tác kiểm tra trước, trong và sau khi tổ chức lễ hội, kịp thời ngăn chặn, xử lý nghiêm các vi phạm, đặc biệt là các hành vi lợi dụng di tích, lễ hội để trục lợi, kích động bạo lực, lưu hành, kinh doanh văn hóa phẩm trái phép và các vi phạm pháp luật khác”, ông Nguyễn Việt Trung - Phó Giám đốc Sở VH,TT&DL khẳng định.

Tiến Dũng

Nguồn Phú Thọ: https://baophutho.vn//van-de-hom-nay/le-hoi-mua-xuan-va-quy-dao-cua-nha-quan-ly/190631.htm