Lao động trẻ và xu hướng mới của thị trường lao động - Bài 3: Định vị thị trường lao động việc làm

Trong quá trình hội nhập quốc tế, vấn đề lao động có vai trò quan trọng, mang tính cấp thiết, lâu dài đối với sự phát triển bền vững của nền kinh tế quốc gia đó. Do vậy, để tăng khả năng cạnh tranh, phát triển thị trường sản xuất kinh doanh, doanh nghiệp không chỉ đầu tư trang thiết bị công nghệ hiện đại mà còn từng bước thay đổi phương án sử dụng lao động hiệu quả, thu hút nhân tài, nâng cao các chế độ, chính sách cho người lao động.

Doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư sản xuất vào Khu chế xuất Tân Thuận, TP Hồ Chí Minh. Ảnh minh họa: Danh Lam/TTXVN

Doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư sản xuất vào Khu chế xuất Tân Thuận, TP Hồ Chí Minh. Ảnh minh họa: Danh Lam/TTXVN

Nhu cầu của doanh nghiệp

Tại huyện Bình Chánh, ông Lý Khánh Hoàng, Trưởng Phòng Nhân sự Công ty Trách nhiệm hữu hạn sản xuất giày Juno cho biết vừa tuyển dụng 50 công nhân làm ở các bộ phận thủ công với mức lương từ 6 - 9 triệu đồng/tháng nhằm bù đắp lao động nghỉ việc và doanh nghiệp thay đổi phương thức sản xuất. Theo ông Lý Khánh Hoàng, việc tuyển dụng người lao động mới là thường xuyên. Tuy nhiên, phần lớn Công ty tuyển lao động phổ thông, có sức khỏe, trong độ tuổi lao động, có tay nghề sơ cấp sẽ được đào tạo và ưu tiên người gắn bó lâu dài. Lao động ở các vị trí kỹ thuật, văn phòng… thường ổn định, ít khi thay đổi.

Tham gia tuyển dụng lao động nhiều lần, bà Lê Thị Kim Liên, chuyên viên Phòng Tuyển dụng - Đào tạo, Công ty Cổ phần thực phẩm Cholimex (Khu Công nghiệp Vĩnh Lộc, huyện Bình Chánh, Thành phố Hồ Chí Minh) cho biết: Tùy theo yêu cầu vị trí công việc, doanh nghiệp không “đặt nặng” vấn đề về trình độ học vấn mà chủ yếu là kinh nghiệm, chăm chỉ, siêng năng và trong độ tuổi lao động. Người chưa biết sẽ được doanh nghiệp hỗ trợ đào tạo, hướng dẫn nhưng vẫn được trả lương. Đến khi thạo nghề, doanh nghiệp sẽ ký kết hợp đồng và đảm bảo các chế độ, chính sách phúc lợi.

Tương tự, nhiều doanh nghiệp thâm dụng lao động không quá trú trọng vấn đề về trình độ học vấn trong quá trình tuyển dụng, song luôn thực hiện tốt các chính sách về lương, thưởng, đãi ngộ cao, hấp dẫn để thu hút người lao động. Tuy nhiên, thời gian gần đây, thị trường lao động việc làm ở khu vực này diễn biến khó lường bởi chịu tác động rất lớn từ cách mạng công nghiệp lần thứ tư, COVID-19 và những biến động kinh tế thế giới.

Ngược lại, ở phân khúc thị trường lao động có tay nghề, chuyên môn cao hay lao động có trình độ kỹ thuật cao thật sự ổn định, ngay cả khi bị tác động chung của dịch bệnh hay và những biến động kinh tế thế giới, nhu cầu lao động ở phân khúc này vẫn có nhưng chiếm tỷ trọng không lớn, nhất là lao động ở trình độ sau đại học, có nhiều năm kinh nghiệm. Đặc biệt, do tính chất công việc được xác định ngay từ đầu, ý thức của người lao động và sử dụng lao động cao, môi trường làm việc ổn định, việc dịch chuyển hay “nhảy việc” càng ít xảy ra.

Đối với lao động mới ra trường, ông Trần Minh Tú, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Kềm Nghĩa (huyện Củ Chi) đã chỉ ra nhiều điểm thiếu sót về kỹ năng mềm, trải nghiệm thực tiễn. Sinh viên thường mắc phải là nặng lý thuyết, chưa chú trọng thực nghiệm, thực tiễn trong quá trình học tập, đào tạo trước khi ra trường. “Trước đây, khi tuyển dụng lao động trẻ, Công ty thường dành thời gian để bồi dưỡng, đào tạo lại nhằm đảm bảo vị trí, chức năng và nhiệm vụ công việc. Tuy nhiên, thời gian gần đây, để đáp ứng yêu cầu của đối tác, Công ty chấp nhận trả lương cao để tuyển nhân sự có tay nghề cao, giảm thời gian đào tạo, tập trung vào tăng năng suất lao động”, ông Tú chia sẻ.

Có thể thấy, tùy theo lĩnh vực và ngành nghề, nhu cầu thực tiễn của các doanh nghiệp sẽ khác nhau rất lớn, nhất là những ngành nghề kỹ thuật cao và thâm dụng lao động cao. Nhưng ở bất cứ lĩnh vực nào, ý thức công việc, trình độ chuyên môn, kinh nghiệm, kỹ năng, sự năng nỗ và tuổi trẻ là những yếu tố có lợi cho người lao động trong quá trình tìm việc, tham gia vào thị trường lao động.

Thị trường lao động chất lượng cao

Theo Hiệp hội doanh nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh, do tác động từ bên trong lẫn bên ngoài, gần đây, nhiều doanh nghiệp đã thay đổi phương thức sản xuất mới. Doanh nghiệp chú trọng ứng dụng công nghệ, những thành tựu khoa học kỹ thuật, đầu tư trang thiết bị hiện đại vào sản xuất kinh doanh nhằm nâng cao năng suất, hiệu quả lao động; tạo ra lợi thế cạnh tranh cho riêng mình.

Song song đó, doanh nghiệp tiến hành cải tổ bộ máy tổ chức, tuyển dụng nhân sự trình độ cao; đào tạo nâng cao năng lực, chuyên môn cho đội ngũ công nhân lao động đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong môi trường làm việc mới. Từ sự cạnh tranh quyết liệt, các doanh nghiệp đã hình thành một lực lượng lao động sản xuất linh hoạt, phù hợp với xu thế mới, đáp ứng yêu cầu sản xuất kinh doanh và hội nhập, phát triển của doanh nghiệp trong giai đoạn mới.

Điển hình, Công ty Cổ phần Ba Huân vừa ký kết hợp tác chuyển đổi số toàn diện với Công ty Cổ phần FPT. Theo đó, doanh nghiệp này sẽ hiện thực các giải pháp số phù hợp ở tất cả lĩnh vực hoạt động từ chăn nuôi, sản xuất, cung ứng đến xây dựng, số hóa sản phẩm, quản trị sản xuất tự động; quản trị nguồn lực, tinh gọn bộ máy; xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu...

Bà Phạm Thị Huân, Chủ tịch Công ty Cổ phần Ba Huân cho rằng, việc số hóa toàn công ty là một trong những giải pháp mới nhằm tăng khả năng cạnh tranh của nhãn hàng, tăng giá trị cho nền kinh tế nông nghiệp Việt Nam; là bước đi bền vững thay vì chỉ hướng đến lợi nhuận trước mắt. “Trong tương lai, các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp trong ngành Nông nghiệp phải thay đổi, chuyển đổi số để phát triển lâu dài; hơn nữa không để thế hệ tương lai tiếp quản doanh nghiệp lạc hậu, thiết bị cũ kỹ…", bà Ba Huân chia sẻ.

Tương tự, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Lập Phúc, chuyên về cơ khí, khuôn mẫu chính xác cao, luôn chú trọng chất lượng và phải thỏa mãn nhu cầu giá rẻ để có khả năng cạnh tranh, tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Do vậy, phần lớn vật liệu làm khuôn của Công ty Lập Phúc nhập trực tiếp từ các nước tiên tiến và 90% thiết bị, máy móc được nhập khẩu từ các quốc gia phát triển hàng đầu thế giới như Thụy Sỹ, Đức, Nhật Bản…

Ông Nguyễn Văn Trí, Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Lập Phúc cho biết, các sản phẩm phụ trợ của Công ty luôn đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng quốc tế với chứng nhận ISO 9001:2015; 14001:2015 cũng như sử dụng ERP và nhiều công cụ khác nhau. Chất lượng ngang bằng khuôn của Đức, Nhật nhưng giá thành thấp nên đã thu hút được nhiều khách hàng khó tính từ châu Âu, Nhật, Mỹ…

“Tuy nhiên, khó khăn hiện nay của doanh nghiệp ngành công nghiệp hỗ trợ là nguồn nhân lực và nguồn vốn bởi tính đặc thù ngành cơ khí khuôn mẫu chính xác cao. Cho nên, việc tìm kiếm nguồn nhân lực có trình độ cao, ổn định ở lĩnh vực này hay nguồn vốn ưu đãi để duy trì và phát triển đúng với tiềm năng vốn có thật sự không dễ…”, ông Trí chia sẻ.

Các chuyên gia lao động việc làm dự báo, giai đoạn 2025 - 2035, xu hướng tuyển dụng các ngành liên quan đến công nghệ trong thời đại 4.0 luôn ở mức cao nhất so với các ngành khác. Do vậy, nhu cầu nhân lực qua đào tạo gắn với chuyển đổi số, khả năng thích ứng với sự chuyển đổi của xã hội ngày càng chiếm tỷ trọng cao trong thị trường lao động. Hay nói cách khác, vai trò chủ đạo của công nghệ kết nối kỹ thuật số đang tạo nên sự thay đổi sâu sắc trong mọi lĩnh vực của cuộc sống. Nhu cầu về nhân lực trong nền công nghiệp tương lai đã thay đổi, máy móc trong nhà máy đang cần người làm việc có những kỹ năng mới để vận hành…

Trước những biến đổi của xã hội, ông Phan Kỳ Quan Triết, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo nhân lực và thông tin thị trường lao động Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, nguồn nhân lực qua đào tạo sẽ bị tác động mạnh, tạo nên môi trường cạnh tranh gay gắt, làm gia tăng sự mất cân đối cung - cầu lao động. Bên cạnh đó, lao động tri thức của các nước trong khu vực sẽ chiếm lĩnh các vị trí việc làm đòi hỏi có trình độ cao. “Do vậy, người lao động khi tham gia thị trường cần có kiến thức, kỹ năng, đặc biệt là biết ứng dụng công nghệ. Ngoài ra, việc am hiểu một ngoại ngữ và luôn tuân thủ đạo đức nghề nghiệp, ý thức kỷ luật tốt trong làm việc sẽ góp phần gia tăng sự thành công trong tương lai cho họ”, ông Triết khuyến nghị.

Bài cuối: Nguồn nhân lực trong giai đoạn mới

Thanh Vũ (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/xa-hoi/lao-dong-tre-va-xu-huong-moi-cua-thi-truong-lao-dong-bai-3-dinh-vi-thi-truong-lao-dong-viec-lam-20230602082509653.htm