Lãnh đạo quỹ đầu tư công nghệ Trung Quốc: Lệnh cấm xuất khẩu chip của Mỹ là 'tin tuyệt vời'
Lãnh đạo một quỹ đầu tư bán dẫn Trung Quốc đã hoan nghênh việc Mỹ cấm xuất khẩu một số loại chip tiên tiến sang quốc gia châu Á này, mô tả động thái này là 'tin tuyệt vời' có thể kích thích hệ sinh thái trong nước.
“Chúng tôi nhận được tin rất tuyệt vời và không cảm thấy ngạc nhiên về việc Mỹ tiếp tục cấm xuất khẩu chip H100, 800 của Nvidia sang Trung Quốc”, Chloe Wang, Phó chủ tịch Quỹ Yang Cheng có trụ sở tại thành phố Quảng Châu (Trung Quốc), nói tại hội nghị East Tech West của CNBC ở tỉnh Quảng Châu (Trung Quốc).
Bộ Thương mại Mỹ chuẩn bị ngăn chặn việc bán một số chip trí tuệ nhân tạo (AI) tiên tiến cho Trung Quốc, với mối lo rằng chúng có thể được sử dụng cho mục đích phát triển quân sự. Điều này sẽ hạn chế việc xuất khẩu các bộ xử lý đồ họa (GPU) A800 và H800 của Nvidia, các quan chức cho biết.
Chip Nvidia H100, được nhiều công ty AI ở Mỹ sử dụng, đã bị cấm bán sang Trung Quốc theo các hạn chế vào năm ngoái của chính quyền Biden
Chloe Wang nói Quỹ Yang Cheng đầu tư vào các công ty bán dẫn, bao gồm cả những hãng trong lĩnh vực đào tạo AI và ô tô tự hành. Theo bà, một công ty chip AI mà Quỹ Yang Cheng đầu tư sẽ thực hiện đợt phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) năm nay, trong khi một công ty chip AI có trụ sở tại Thượng Hải được định giá hơn 3 tỉ USD, nhưng bà không nêu tên các công ty.
Chloe Wang nói thêm: “Chúng tôi tin rằng những hãng sản xuất chip upstream đó – sẽ dẫn đầu hoặc đóng vai trò dẫn đầu ở Trung Quốc và sẽ tạo ra hệ sinh thái của riêng mình. Có lẽ chúng ta không phải quá phụ thuộc vào hệ thống Cuda (phần mềm AI của Nvidia). Tôi vẫn cảm thấy khá tin tưởng vào các doanh nhân Trung Quốc cũng như thị trường cơ sở người tiêu dùng”.
Công ty downstream đề cập đến các công ty hoạt động ở giai đoạn cuối của chuỗi cung ứng. Trong lĩnh vực chip, các công ty downstream có thể là các nhà sản xuất thiết bị điện tử, các công ty lắp ráp sản phẩm điện tử, nhà bán lẻ, nhà phân phối và các công ty kỹ thuật dịch vụ. Họ là các khách hàng cuối cùng của các công ty upstream, thường tập trung vào việc hoàn thiện và tiếp thị sản phẩm để đưa đến thị trường tiêu dùng.
Chloe Wang nói có khoảng 1.500 công ty ở Trung Quốc tham gia thiết kế mạch tích hợp (IC) và“thiếu hụt các hãng trong lĩnh vực đào tạo chip AI, với chỉ khoảng 20 công ty khởi nghiệp trong lĩnh vực này.
Trung Quốc muốn tăng sức mạnh tính toán lên 50% vào năm 2025, theo kế hoạch được một số Bộ của nước này công bố trong tháng 10. Làm như vậy được coi là cách quan trọng để phát triển AI, vốn cần chip tiên tiến để xử lý lượng dữ liệu khổng lồ.
Gina Raimondo - Bộ trưởng Thương mại Mỹ cho biết lệnh cấm của chính phủ Mỹ được thiết kế để ngăn chặn Trung Quốc tiếp cận các chất bán dẫn tiên tiến “bởi chúng có thể được sử dụng cho mục đích và hiện đại hóa quân sự”. Các quan chức Mỹ nói thêm rằng không có ý định làm tổn hại đến sự tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc.
Những tháng gần đây, sự chú ý lại đổ dồn vào gã khổng lồ công nghệ Huawei (Trung Quốc). Dòng smartphone Mate 60 mới nhất của Huawei sở hữu chip Kirin 9000s hỗ trợ 5G, bất chấp các lệnh trừng phạt của Mỹ đã tìm cách cắt đứt công ty Trung Quốc khỏi công nghệ này.
Kirin 9000s do SMIC (nhà sản xuất chip số Trung Quốc) sản xuất đã làm dấy lên mối lo ngại ở Mỹ và đặt ra câu hỏi về việc làm thế nào điều đó có thể xảy ra. Ngoài ra, Mỹ còn xem xét kỹ lưỡng về việc liệu quy trình đang được sử dụng để tạo ra chip mới này có đủ hiệu quả trên quy mô lớn để duy trì sự trở lại của Huawei hay không.
Huawei có cơ hội lấp đầy khoảng trống của Nvidia ở Trung Quốc khi Mỹ hạn chế xuất khẩu chip AI
Các nhà phân tích cho biết những biện pháp của Mỹ nhằm hạn chế xuất khẩu chip AI tiên tiến sang Trung Quốc có thể khiến Nvidia phải rút lui và tạo cơ hội cho Huawei mở rộng tại thị trường trong nước trị giá 7 tỉ USD.
Dù Nvidia là nhà cung cấp chip AI hàng đầu tại Trung Quốc với thị phần vượt quá 90%, các công ty Trung Quốc, gồm cả Huawei, cũng đang phát triển phiên bản riêng tương tự chip bán chạy nhất của Nvidia như A100 và H100.
Các nhà phân tích và một số công ty AI như iFlyTek (Trung Quốc) nói chip AI Ascend của Huawei có thể so sánh với chip Nvidia về sức mạnh tính toán cơ bản, nhưng vẫn tụt hậu về hiệu suất.
Jiang Yifan, Giám đốc phân tích thị trường tại hãng Guotai Junan Securities, cho biết một yếu tố hạn chế chính khác với các công ty Trung Quốc là sự phụ thuộc của hầu hết dự án vào chip và hệ sinh thái phần mềm Nvidia, nhưng điều đó có thể thay đổi sau các hạn chế từ Mỹ.
“Theo tôi, động thái này từ Mỹ thực sự đang mang lại cho chip Ascend của Huawei một món quà lớn”, Jiang Yifan đề cập trong một bài đăng trên tài khoản mạng xã hội Weibo của mình. Tuy nhiên, cơ hội này đi kèm với một số thách thức.
Nhiều dự án AI tiên tiến được xây dựng bằng CUDA, kiến trúc lập trình phổ biến mà Nvidia đã đi tiên phong, từ đó tạo ra hệ sinh thái toàn cầu rộng lớn có khả năng đào tạo các mô hình AI với độ phức tạp cao như GPT-4 của OpenAI.
Phiên bản riêng của Huawei mang tên CANN. Các nhà phân tích nói CANN có nhiều hạn chế hơn về khả năng đào tạo các mô hình AI, đồng nghĩa là chip của Huawei còn xa lắm mới thay thế được cho Nvidia.
Theo Woz Ahmed, cựu giám đốc thiết kế chip nay là cố vấn, để giành được khách hàng Trung Quốc từ Nvidia, Huawei phải tái tạo hệ sinh thái mà Nvidia từng tạo được, gồm cả hỗ trợ khách hàng chuyển dữ liệu và mô hình của họ sang nền tảng riêng của Huawei.
Woz Ahmed cho biết quyền sở hữu trí tuệ cũng là một vấn đề vì nhiều công ty Mỹ đã nắm giữ các bằng sáng chế quan trọng về GPU.
Ông nói thêm: “Để đạt được một điều gì đó gần giống như vậy, có thể cần 5 hoặc 10 năm”.
Nếu giành được thị phần của Nvidia, Huawei có thể đạt được một chiến thắng khác trước Mỹ, quốc gia trừng phạt công ty này bằng các biện pháp kiểm soát xuất khẩu kể từ năm 2019.
Huawei đã tung ra GPU Ascend đầu tiên vào năm 2019 và đây là một trong số nhiều sản phẩm, chẳng hạn hệ điều hành Harmony, mà công ty Trung Quốc cho biết là hoàn toàn tự sản xuất.
Không chỉ trình làng Kirin 9000s, gã khổng lồ viễn thông Trung Quốc đưa ra tuyên bố về những đột phá trong các công cụ thiết kế chip.
Huawei cũng đặt mục tiêu trở thành nhà cung cấp sức mạnh tính toán chính cho AI. Mạnh Vãn Chu, Giám đốc tài chính Huawei, nói rằng hãng muốn xây dựng cơ sở điện toán cho Trung Quốc và cung cấp cho thế giới một “lựa chọn thứ hai”, ám chỉ tới các công ty Mỹ đang thống trị trị trường.
Đến nay, các đối tác của Huawei tại Trung Quốc, gồm cả iFlyTek (công ty phần mềm AI hàng đầu quốc gia châu Á này), đang sử dụng Ascend 910 để đào tạo các mô hình AI của mình. iFlyTek cũng bị Mỹ đưa vào danh sách đen thương mại vào năm 2019.
Trong cuộc họp báo thu nhập của iFlyTek, Phó chủ tịch cấp cao Jiang Tao cho biết khả năng của Ascend 910B “có thể so sánh với Nvidia A100” và thông báo rằng họ đang phát triển cơ sở hạ tầng AI cho mục đích chung ở Trung Quốc cùng với Huawei.
Jiang Tao nói: “Sự hợp tác của chúng tôi hiện nhằm mục đích cho phép các mô hình ngôn ngữ lớn phát triển trong nước được xây dựng bằng cả công nghệ phần cứng và phần mềm trong nước”.
Các đối tác khác của Huawei gồm công ty phần mềm nhà nước Tsinghua Tongfang và Digital China. Tại hội nghị vào tháng 7, Huawei cho biết chip AI của họ hiện giúp cung cấp sức mạnh cho hơn 30 mô hình ngôn ngữ lớn ở Trung Quốc, quốc gia đang trải qua cơn sốt generative AI và hiện có hơn 130 mô hình ngôn ngữ lớn.
Charlie Chai, nhà phân tích của hãng 86Research, nói sự thống trị của hệ sinh thái Nvidia không phải là "trở ngại không thể vượt qua nếu các công ty trong nước có đủ thời gian và lượng khách hàng lớn".
Nỗ lực tự cung tự cấp của Trung Quốc, vốn được Chủ tịch Tập Cận Bình ủng hộ, có thể sẽ hỗ trợ điều này. Charlie Chai nói thêm: “Nói tóm lại, đây là sự gián đoạn nhỏ với nguồn cung trong ngắn hạn nhưng lại là sự thúc đẩy lớn cho chương trình tự cung tự cấp dài hạn”.