Lãnh đạo phong trào phản chiến tại Mỹ nêu bật ý nghĩa lịch sử của Hiệp định Paris
Trao đổi với phóng viên thường trú TTXVN tại New York, ngày 26/1, nhà hoạt động Cora Weiss, một trong những người đứng đầu phong trào phản đối chiến tranh Việt Nam năm xưa, đánh giá Hiệp định Paris là một quá trình đàm phán cam go và kéo dài, song có ý nghĩa vô cùng quan trọng.
Bà Cora Weiss cho rằng với Chính phủ Mỹ khi đó, Hiệp định Paris đã giúp họ tìm được lối thoát khỏi một cuộc chiến phi pháp và phi nghĩa kéo dài suốt 10 năm. Hàng triệu người Việt Nam đã thiệt mạng hoặc nhiễm chất độc da cam trong cuộc chiến khốc liệt này, trong khi nước Mỹ cũng có hàng chục nghìn binh sĩ tử trận hay bị nhiễm độc. Hiệp định Paris, đạt được sau quá trình đàm phán dai dẳng và căng thẳng, đã giúp chấm dứt điều này. Và điều quan trọng nữa là hiệp định mở đường cho việc kết thúc chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam.
Theo bà Cora Weiss, vào thời điểm đàm phán Hiệp định Paris, phong trào phản chiến dâng cao chưa từng thấy, có lẽ chưa từng diễn ra như thế trong bất kỳ cuộc chiến nào. Từ năm 1969, hàng nghìn người đã xuống đường biểu tình ở thủ đô Washington D.C. Số lượng người tham gia các phong trào phản chiến sau đó không ngừng tăng lên và các cuộc biểu tình phản đối sự can dự của Mỹ vào cuộc chiến tranh ở Việt Nam tiếp tục lan ra nhiều thành phố khác, trong đó có New York.
Ông Peter Weiss, chồng bà Cora và cũng là một nhà hoạt động nổi tiếng trong phong trào phản chiến thời Chiến tranh Việt Nam, cho rằng việc ký Hiệp định Paris là kết quả không thể khác đối với Chính phủ Mỹ lúc ấy. Bởi lẽ, cuộc chiến tranh vừa gây tổn hại cho nước Mỹ trên phương diện chính trị, vừa làm thiệt hại nước Mỹ trên phương diện kinh tế. Ông đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng và ý nghĩa lịch sử của Hiệp định Paris đối với tất cả các bên liên quan.
Bà Cora Weiss, sinh năm 1934, là nhà hoạt động vì hòa bình người Mỹ nổi tiếng từ đầu thập niên 60 của thế kỷ trước, đứng đầu tổ chức Women Strike for Peace. Bà đã giành nhiều giải thưởng và nhiều lần được đề cử giải Nobel Hòa bình. Với Việt Nam, bà là một trong những người bạn lâu năm, thân thiết từ cuối thập niên 60 và là một trong số các nhà hoạt động nổi bật nhất vận động dư luận Mỹ phản đối cuộc chiến tranh Việt Nam. Với tư tưởng phản đối chiến tranh và quá trình hoạt động thiện nguyện, bà bắt đầu quan tâm đến Việt Nam từ năm 1965 khi Mỹ bắt đầu ném bom miền Bắc Việt Nam.
Năm 1968, bà Cora Weiss thành lập tổ chức thiện nguyện có tên “Ủy ban liên lạc với gia đình tù binh Mỹ bị giam giữ tại Việt Nam” (COLIAFAM ) để giúp giải quyết một trong các điều kiện chấm dứt can thiệp của Mỹ tại Việt Nam và vận động dư luận Mỹ gây sức ép chấm dứt chiến tranh này. Hoạt động của COLIAFAM kéo dài khoảng 4 năm tới khi Hiệp định Paris được ký kết. Trong thời gian đó, bà Cora Weiss đã đến Việt Nam hàng chục lần. Sau năm 1975, bà tiếp tục quan tâm và có nhiều giúp đỡ dành cho Việt Nam.