Làng nghề xoay xở thời dịch Covid-19
Đồng Nai là nơi có nhiều làng nghề, nghề truyền thống tồn tại từ vài chục đến cả trăm năm mang giá trị lớn về văn hóa, nghệ thuật và giải quyết việc làm cho nhiều lao động tại địa phương. Xảy ra dịch bệnh Covid-19, các làng nghề đều cố gắng vượt khó để tồn tại và phát triển.
Toàn tỉnh có hơn 10 làng nghề khác nhau: gỗ mỹ nghệ, gốm, điêu khắc đá, đúc gang, mây tre đan, làm trầm... Qua nhiều thập niên, các làng nghề gặp không ít thăng trầm nhưng vẫn được gìn giữ để bớt mai một.
* Đầu ra bị ảnh hưởng
Đại dịch Covid-19 khiến các làng nghề, nghề truyền thống tại Đồng Nai cũng như cả nước gặp rất nhiều khó khăn trong việc vận chuyển, tiêu thụ sản phẩm ở cả thị trường nội địa và xuất khẩu. Nhiều cơ sở làng nghề, nghề truyền thống phải giảm công suất từ 20-50% và đang trong giai đoạn phải cầm cự và từng bước hồi phục. Các nghệ nhân, chủ cơ sở nghề truyền thống đang nỗ lực trong việc tìm thị trường để duy trì sản xuất, đảm bảo việc làm, thu nhập cho người lao động.
Các làng nghề, nghề truyền thống tập trung nhiều ở các huyện: Xuân Lộc, Tân Phú, Định Quán, Trảng Bom và TP.Biên Hòa. Sản phẩm của các làng nghề trong tỉnh có đến hơn 60% xuất khẩu sang hơn 30 nước, vùng lãnh thổ trên thế giới. Nhưng thị trường chính để xuất khẩu sản phẩm của làng nghề là Hoa Kỳ, Pháp, Đức, Anh, Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc và các nước trong khối ASEAN.
Nghệ nhân Nguyễn Khắc Dũng, chủ Cơ sở gỗ mỹ nghệ Dũng Anh ở ấp 4 xã Xuân Tâm (H.Xuân Lộc) cho hay: “Cơ sở của tôi chuyên sản xuất các loại tranh, tượng từ gốc rễ cây cung cấp cho thị trường nội địa và xuất khẩu. Trước thời điểm xảy ra dịch bệnh Covid-19, hàng hóa sản xuất không kịp bán, nhiều khách hàng nước ngoài phải đặt trước 2-3 tháng mới có hàng. Thế nhưng, thời gian qua, ảnh hưởng của dịch bệnh làm sản phẩm làng nghề tiêu thụ rất chậm, cơ sở của tôi phải giảm công suất 30-40%”. Cũng theo ông Dũng, nhiều hàng hóa làm ra chưa xuất đi được vì giao thương với nhiều nước còn hạn chế, hàng hóa vận chuyển cho đối tác bị chậm lại. Không xuất được hàng đi, các cơ sở làng nghề sẽ chịu áp lực lớn về kho để lưu trữ sản phẩm và vốn để luân chuyển sản xuất kinh doanh.
Tương tự, nghệ nhân Hoàng Ngọc Hiến, chủ Cơ sở gốm mỹ thuật Hiến Nam ở P.Hóa An
(TP.Biên Hòa) chia sẻ: “Gốm mỹ thuật cơ sở sản xuất ra có hơn một nửa là xuất khẩu sang các nước, còn lại tiêu thụ khu vực miền Nam, miền Bắc. Khi chưa xảy ra dịch, đơn hàng của cơ sở luôn dồi dào, đôi khi phải từ chối bớt vì không đáp ứng kịp. Từ tháng 3-2020, dịch bệnh Covid-19 bùng phát, lan rộng dẫn đến mặt hàng gốm mỹ nghệ tiêu thụ chậm lại. Tôi buộc phải giảm công suất khoảng 30%”.
Khảo sát tại làng nghề, nghề truyền thống như: mây tre đan (H.Định Quán), nghề làm trầm thô (H.Tân Phú), chế tác đá
(TP.Biên Hòa)... thì đa phần các cơ sở đều phải thu hẹp sản xuất vì đơn hàng ít. Dịch bệnh Covid-19 khiến các làng nghề trong tỉnh nặng gánh hơn trong việc duy trì sản xuất và tìm đầu ra cho sản phẩm. Bởi các cơ sở làng nghề thường có vốn ít, sản phẩm bị tồn kho hoặc bán đi nhưng đối tác cũng bị ảnh hưởng do dịch bệnh nên tiêu thụ chậm, kéo dài thời gian thanh toán các đơn hàng.
Một số cơ sở sản xuất vì không còn vốn, thiếu đơn hàng buộc phải đóng cửa tạm thời, đợi qua dịch bệnh mới khôi phục lại sản xuất. Như vậy, làng nghề truyền thống tại Đồng Nai phục hồi nhanh hay chậm tùy thuộc rất lớn vào tình hình dịch bệnh Covid-19. Trường hợp dịch được khống chế tốt trong những tháng cuối năm, các nước mở cửa, giao dịch thương mại trở lại bình thường thì làng nghề sẽ có đầu ra thuận lợi, nhanh phục hồi.
* Tìm cách bán hàng
Các sản phẩm của làng nghề ở Đồng Nai khá đặc sắc, thu hút được người tiêu dùng trong nước và nước ngoài. Trong đó, có những mặt hàng được các nghệ nhân, thợ giỏi, thợ lâu năm nghiên cứu, thiết kế và thực hiện bằng nhiều công đoạn thủ công tạo nên nét riêng, cuốn hút mà các làng nghề khác không có được.
Nghệ nhân Triệu Phú Quý, chủ Cơ sở gỗ mỹ nghệ Phú Quý ở ấp 6, xã Xuân Tâm (H.Xuân Lộc) nói: “Dịch bệnh làm cho nghề sản xuất gỗ mỹ nghệ từ gốc rễ cây ở Xuân Lộc gặp “sóng gió” lớn. Sản phẩm làm ra rất khó xuất khẩu vì nhiều nước vẫn còn giãn cách xã hội. Cơ sở của tôi quay về thị trường trong nước tìm các khách hàng mê gỗ mỹ thuật trang trí trong nhà, sân vườn. Để thu hút người tiêu dùng trong nước, tôi và các thợ trong cơ sở phải thiết kế ra những mẫu mã mới, đẹp, giá cạnh tranh”. Nhờ năng động trong tìm hiểu nhu cầu của thị trường trong nước nên nghệ nhân Quý đã tìm thêm các khách hàng trong khu vực phía Nam, miền Trung và miền Bắc. Do đó, tình hình sản xuất, tiêu thụ sản phẩm của làng nghề đã sáng sủa hơn so với dịp tháng 5, 6 vừa qua.
Bà Bùi Thị Thanh Phương, chủ Cơ sở sản xuất trầm ở ấp Phú Lợi, xã Phú Trung (H.Tân Phú) cho biết: “Giai đoạn trước dịch, cơ sở cung cấp cho thị trường TP.HCM, miền Trung và Trung Quốc hơn 1 tấn/ngày trầm nguyên liệu. Từ khi xảy ra dịch, tiêu thụ chậm lại, tôi phải tìm thêm các cơ sở chế biến trầm trong nước để bù lại. Bên cạnh đó, tôi quảng cáo qua mạng xã hội về chất lượng sản phẩm để tìm thêm khách hàng. Khoảng 2 tháng nay, đầu ra của nguyên liệu trầm tốt hơn so với những tháng trước”.
Các cơ sở trầm hương ở xã Phú Trung chủ yếu sản xuất ra nguyên liệu thô bán cho các cơ sở, doanh nghiệp trong nước và ngoài nước để sản xuất thành các sản phẩm như: vòng đeo cổ, vòng đeo tay, đồ mỹ nghệ, nhang, tinh dầu... Hiện Phú Trung là nơi sản xuất nguyên liệu trầm hương lớn tại Việt Nam. Nguyên liệu trầm thô 40% tiêu thụ trong nước và 60% xuất qua Trung Quốc, Đài Loan.
Điêu khắc đá là nghề truyền thống đã tồn tại ở TP.Biên Hòa hơn 300 năm, hiện đã mai một và chỉ còn vài cơ sở cố gắng duy trì sản xuất. Dịch bệnh làm nghề này càng bị thu hẹp, song các cơ sở vẫn cố gắng duy trì và giữ nghề. Hiện làng nghề chỉ còn 6-7 cơ sở và chủ cơ sở đều là những người yêu nghề và muốn bảo tồn và phát triển làng nghề. Đây là một trong những làng nghề truyền thống nổi tiếng ở Đồng Nai và cả nước. Có một số nghệ nhân, thợ điêu khắc đá ở TP.Biên Hòa đã tạo ra những tác phẩm đặc sắc và trở thành kỷ lục quốc gia như: tượng phật ngọc đặt tại chùa thuộc xã Tân Bình (H.Vĩnh Cửu), trái tim điêu khắc từ ngọc ở ngôi chùa (Hà Nội)...
Trên địa bàn tỉnh hiện có rất nhiều làng nghề, nghề truyền thống ngoài sản xuất các sản phẩm thủ công mỹ nghệ trang trí trong nhà, sân vườn, khu du lịch, nhà hàng, khách sạn còn sản xuất những mặt hàng đặc sản như: chuối sấy ở xã Quang Trung (H.Thống Nhất); cốm dẹp xã Vĩnh Thanh (H.Nhơn Trạch); nấm xã Bảo Quang (TP.Long Khánh); hủ tiếu, bánh ướt, bánh đa tại P.Hố Nai (TP.Biên Hòa); bột sắn dây xã Bình Minh (H.Trảng Bom); bánh tráng xã Thạnh Phú (H.Vĩnh Cửu)... Các sản phẩm trên là đặc sản được nhiều người tiêu dùng trong nước, nước ngoài ưa chuộng. Trong thời điểm xảy ra dịch, các cơ sở sản xuất của làng nghề đã tìm cách quảng bá để người tiêu dùng biết đến sản phẩm, mở rộng thị trường tiêu thụ.
Trên địa bàn tỉnh có trên 10 làng nghề truyền thống và chủ yếu nằm ở khu vực nông thôn. Tuy nhiên, đến nay UBND tỉnh mới công nhận được 2 làng nghề là gốm Biên Hòa (TP.Biên Hòa) và nấm Bảo Quang (TP.Long Khánh).