Làm sao để lễ hội bảo tồn được các giá trị nhân văn?
Mùa lễ hội năm 2025 đang diễn ra tương đối yên ả, êm đềm. Tuy nhiên, đó đây vẫn xảy ra tình trạng chen lấn, xô đẩy tranh cướp vật thiêng; cách quản lý, tổ chức sinh hoạt lễ hội, tín ngưỡng hiện nay còn những bất cập… NB&CL có cuộc trò chuyện với TS Trần Hữu Sơn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu ứng dụng văn hóa - du lịch xung quanh những nội dung này.
Nhu cầu cá nhân thể hiện mạnh hơn
+ Mùa xuân là mùa của lễ hội. Có ý kiến ví lễ hội là bảo tàng sống, thể hiện những khát vọng hướng đến các giá trị tinh thần và khuôn mẫu văn hóa của một cộng đồng. Trong bối cảnh hội nhập sâu sắc hiện nay, những giá trị văn hóa truyền thống đó của lễ hội biến đổi như thế nào, thưa ông?
- Mùa xuân là mùa của lễ hội. Nhưng vì sao lại có lễ hội? Vì lễ hội đáp ứng nhu cầu của người dân, đó là nhu cầu cố kết cộng đồng. Làng tôi mở hội, bản tôi mở hội để mà khoe những giá trị tốt đẹp của làng tôi, của bản tôi. Lễ hội còn đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng. Thông qua lễ hội, người dân không chỉ cố kết cộng đồng trong nội bộ làng mình mà còn giao tiếp với các làng khác và là nơi gặp gỡ thần linh.
Người ta đến lễ hội vì muốn nguyện cầu một điều gì đó, mong mỏi một điều gì đó chứ không bao giờ có một lễ hội chỉ có vui chơi không. Cộng đồng mong cầu có con cái thì có lễ hội cầu con; cộng đồng mong muốn được mùa thì người ta có lễ hội xuống đồng, lễ hội Lồng tồng… Mỗi lễ hội đáp ứng một nhu cầu, mà nhu cầu đó rất chính đáng, vì thế mà lễ hội bao giờ cũng rất quan trọng với người dân. Qua lễ hội, những giá trị văn hóa như lòng yêu nước, tình nghĩa đồng bào, nhớ ơn tổ tiên… được lan tỏa, trao truyền từ thế hệ này đến thế hệ khác.
Hiện nay, khi kinh tế thị trường tác động lên mọi mặt của đời sống xã hội, ý thức con người cũng thay đổi. Người ta đến lễ hội để cầu mong những điều cá nhân hơn; họ cầu tiền tài, cầu địa vị thay vì cầu những giá trị chung của cộng đồng. Thậm chí, cầu một cách thái quá. Tôi lấy ví dụ, đền Bà Chúa Kho tại sao đông như thế? Là vì người ta quan niệm đi buôn bán phải vay tiền của bà và phải đem trả. Do đó, tệ đốt vàng mã ở đây phải đến hàng nghìn tấn mỗi năm. Đã có thống kê ước tính số tiền cho đốt vàng mã ở đây lên đến 300 tỷ đồng, như vậy lãng phí quá.
Hoặc trong một số lễ hội có cướp vật thiêng, cướp biểu tượng thiêng; trước đây chỉ tổ chức cho người trong cộng đồng tham gia, nhưng hiện nay lễ hội mở rộng ra, người ở rất nhiều nơi cũng đến tranh cướp, gây ra cảnh tượng rất phản cảm, thậm chí bạo lực, mất kiểm soát. Như vậy là trái với quy định của cộng đồng, đó là hành động cướp vật thiêng chỉ dành riêng cho một cộng đồng nhất định mà thôi.
![Nghi thức rước kiệu tại Lễ hội Đền Vua Mai 2025 (Nghệ An). Ảnh: Trần Phong](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_13_197_51464665/6aa955e165af8cf1d5be.jpg)
Nghi thức rước kiệu tại Lễ hội Đền Vua Mai 2025 (Nghệ An). Ảnh: Trần Phong
+ Phải chăng lễ hội đã “biến dạng”? Vậy làm sao để chúng ta giữ được các giá trị nhân văn và để lễ hội bớt đi những hiện tượng phản cảm đó?
- Chúng ta phải thể chế hóa những quy định để giữ gìn, đề cao những giá trị cốt lõi của lễ hội. Giá trị này không thể bị xâm phạm. Lễ hội này khác với lễ hội kia là bởi những giá trị cốt lõi đó chứ không phải giống nhau hết. Lễ hội phải có sắc thái riêng, bởi lễ hội mà giống nhau hết thì sẽ không còn lễ hội nữa. Và quan trọng là việc thể chế hóa đó phải trên cơ sở nghiên cứu khoa học kỹ lưỡng chứ không thể bằng một biện pháp hành chính hay ngăn cấm.
Tôi nói ví dụ: Cách đây gần chục năm, người ta cấm treo trâu trong lễ hội Đông Cuông vì hành vi này bị cho là “phản cảm”. Nhưng người ta không hiểu việc treo trâu là biểu tượng của tù binh trong xã hội cổ xưa của đồng bào dân tộc. Tại sao mùa đông lại treo trâu trắng, mùa thu treo trâu đen… tất cả những cái đó đều có gốc tích, ý nghĩa cả.
Hoặc lễ hội chọi trâu vùng Đồ Sơn, chọi trâu Hải Lựu đều có sự tích rất hay, phản ánh những giá trị văn hóa. Tôi cho rằng, không thể lấy tư duy của người Kinh ở đồng bằng, một người đi học ở nước ngoài lên bắt người dân Tây Nguyên không được đâm trâu. Những lệnh cấm đó không phải tư duy của cộng đồng chủ thể lễ hội mà là tư tưởng ấu trĩ, là tư duy của người bên ngoài áp đặt quan điểm của mình vào đồng bào dân tộc thiểu số. Tôi đi khảo sát, thấy rằng những lệnh cấm kiểu này rất không được người dân đồng tình. Vì thế, trong thể chế phải loại bỏ được những tư duy kiểu đấy.
Cách nào để giảm “thương mại hóa” lễ hội?
+ Gần đây có những xu hướng “thương mại hóa”, “hoành tráng hóa” trong một số lễ hội và điều này gây ra những ý kiến trái chiều. Phía ủng hộ cho rằng làm như vậy mới thu hút được du khách, tăng nguồn thu. Phía không đồng tình cho rằng cần phải giữ nguyên gốc quy mô lễ hội. Theo ông, có một “đáp số” nào cho việc này?
- Việc này phải nghiên cứu cụ thể từng xu hướng, từng hiện tượng thì mới tư vấn được. Ví dụ, chúng ta cứ nói “thương mại hóa lễ hội”, nhưng lễ hội là sản phẩm du lịch thì tôi có quyền bán những trải nghiệm lễ hội chứ? Người ta hoàn toàn có thể bán các dịch vụ ăn theo lễ hội, ví dụ dịch vụ ẩm thực; ví dụ trò diễn, anh có thể vào xem, có thể tham gia... Thế nhưng không ai được buôn thần bán thánh, bán những giá trị của lễ hội. Ta làm dịch vụ du lịch thì phải phân ra, cái gì thì bán được, cái gì không được, để bảo vệ lễ hội.
Riêng quan điểm của tôi là không nên buôn bán trong lễ hội. Ta buôn bán ở đâu cũng được, còn lễ hội nên để các nơi khác tài trợ. Người dân cứ thu vé của người dân hoặc cũng có thể để hòm công đức để người dân tự nguyện bỏ tiền vào đó thì sẽ hay hơn. Bởi, không lẽ tôi đến thắp hương thành hoàng làng mà lại phải bỏ tiền ra, thế là không được.
Còn đối với xu hướng “hoành tráng hóa”, tôi chia sẻ câu chuyện thế này. Ở một tỉnh cũng từng muốn tổ chức một màn xòe rất lớn, hàng ngàn người tham gia nhưng còn nhiều ý kiến khác nhau. Vị đứng đầu tỉnh vốn là người rất trọng ý kiến của các nhà khoa học, khi đó mới gọi điện hỏi tôi. Đang ở Nhật dự hội thảo, tôi phải ra ngoài nghe và tư vấn tỉnh nên nghe theo ý kiến Bộ Văn hóa và Cục Di sản. Mình đang muốn tôn vinh di sản mà trong di sản có tính phải bảo tồn nguyên gốc, phải đảm bảo không gian của di sản, thời gian của di sản, phải bảo vệ cấu trúc của di sản. Nay tự dưng làm một sự kiện hoành tráng như một Festival thì không phải lắm, như thế là phá mất không gian của di sản…
![Lễ hội thổi cơm làng Thị Cấm (Hà Nội). Ảnh: Đình Trung](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_13_197_51464665/a8b8f3f0c3be2ae073af.jpg)
Lễ hội thổi cơm làng Thị Cấm (Hà Nội). Ảnh: Đình Trung
Nhưng trên thực tế việc “hoành tráng hóa” lễ hội, xem trên tivi thấy cũng nhiều nơi làm lắm. Theo tôi cũng phải xem xét tùy từng trường hợp, nhưng mà phải tách bạch rõ ràng. Đừng có nói rằng màn đại xòe năm bảy nghìn người hay đưa hát Then lên sân khấu là di sản, mà đó chỉ là cái vỏ của di sản, là những “mảnh vỡ” của di sản mà thôi. Việc đưa di sản ra khỏi không gian, thời gian của nó thì chúng ta chỉ có thể trình diễn, mô phỏng lại một phần của di sản chứ không phải là di sản.
Nhưng những hiện tượng này sẽ xuất hiện ngày càng nhiều, sẽ ngày càng phát triển mạnh. Khi nó gắn với phát triển du lịch thì đòi hỏi phải “hoành tráng hóa”, “thương mại hóa” là tất yếu. Tuy nhiên, tôi phải nhắc lại, việc “hoành tráng hóa”, “thương mại hóa” không phải là tất cả di sản. Ai giới thiệu trên sân khấu rằng, đây là di sản cồng chiêng của chúng tôi, đây là di sản hát Then của chúng tôi, di sản tín ngưỡng thờ Mẫu của chúng tôi… là sai, là phản di sản.
Trong cấu trúc di sản có ba bộ phận. Bộ phận quan trọng nhất là giá trị cốt lõi của di sản, nó gắn với không gian thiêng, thời gian thiêng, giá trị thiêng - đó là những thứ bất biến, không thể thay đổi được. Bộ phận thứ hai là các phong tục tập quán, tri thức; bộ phận thứ ba là các loại hình nghệ thuật như múa thế nào, hát ra sao hay âm nhạc, diễn xướng… thì có thể thay đổi, cải biên được. Những giá trị cốt lõi gắn với tâm linh, gắn với điều thiêng của cộng đồng thì đừng có cải biên, cải tiến gì cả.
+ Xin cảm ơn ông!