'Lá chắn thép' bảo vệ biên giới Tây Bắc Tổ quốcBài cuối: 'Ba bám, bốn cùng' tăng sức mạnh bảo vệ Tổ quốc

Nhiều địa phương nơi có đồn biên phòng đóng quân đã nhân rộng thành công các mô hình mới, cách làm hay giúp đỡ nhân dân khu vực biên giới phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo, góp phần tăng sức mạnh bảo vệ Tổ quốc.

Các chiến sĩ Đồn Biên phòng Thanh Luông (huyện Điện Biên) tuần tra.

Điện Biên là tỉnh miền núi có địa hình hiểm trở, giao thông đi lại chưa thuận tiện, 90% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số, đời sống còn nhiều khó khăn. Với phương châm “ba bám, bốn cùng” (bám trụ, bám dân, bám địa bàn và cùng ăn, cùng ở, cùng làm, cùng nói tiếng dân tộc), cán bộ, chiến sĩ Bộ đội Biên phòng tỉnh Điện Biên triển khai nhiều dự án, mô hình, cách làm sáng tạo trong phát triển kinh tế; tuyên truyền, phổ biến pháp luật, nâng cao nhận thức, giúp dân thoát nghèo bền vững, chung sức giữ biên cương.

Đồng hành, hỗ trợ người dân phát triển kinh tế

Những năm qua, Bộ đội Biên phòng tỉnh Điện Biên không chỉ tham gia bảo vệ chủ quyền biên cương của Tổ quốc, góp phần đảm bảo an ninh, trật tự khu vực biên giới, mà còn luôn chú trọng tập huấn, bồi dưỡng cho đội ngũ cán bộ, nhân dân trên địa bàn nắm vững và áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chuyển đổi cây trồng, vật nuôi.

Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Mường Pồn hỗ trợ gia đình anh Lò Văn Sơn (trú tại bản Cò Chạy 2, xã Mường Pồn, huyện Điện Biên) phát triển kinh tế. Ảnh đơn vị cung cấp

Là một trong những người được nhận sự hỗ trợ trực tiếp của cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Mường Pồn, anh Lò Văn Sơn (sinh năm 1985; trú tại bản Cò Chạy 2, xã Mường Pồn, huyện Điện Biên) chia sẻ, gia đình anh có hoàn cảnh khá éo le. Vợ anh sức khỏe yếu, 10 năm nay phải đi bệnh viện chạy thận nhân tạo; con trai bị tai nạn lao động, không làm việc được.

“Nhờ có các cán bộ, chiến sĩ biên phòng Mường Pồn mấy năm qua tận tình xuống hỗ trợ, cùng gia đình phát quang cây cỏ, đào hố, trồng và chăm bón cây… nên đến nay, vườn bưởi, vườn cam của gia đình đã lớn, hứa hẹn một mùa thu hoạch năng suất, giúp chúng tôi bớt khó khăn” – anh Sơn bày tỏ.

Với phương châm “Đồn là nhà, biên giới là quê hương, đồng bào các dân tộc là anh em ruột thịt”, cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Thanh Luông (huyện Điện Biên) luôn gần dân, bám địa bàn, tuyên truyền, phổ biến pháp luật, hỗ trợ người dân phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo. Cùng với đó, đơn vị còn tích cực hỗ trợ sinh kế các gia đình có hoàn cảnh khó khăn, xây dựng nhà Đại đoàn kết.

Chia sẻ với chúng tôi, Trung tá Nguyễn Văn Đại, Đồn trưởng Đồn Biên phòng Thanh Luông cho biết: Thời gian qua, Đồn đã tập trung nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác vận động quần chúng làm tốt vai trò tham mưu cấp ủy, chính quyền địa phương 3 xã củng cố cơ sở chính trị và tham gia phát triển kinh tế - xã hội, giúp bà con dân tộc từng bước xóa đói giảm nghèo. Qua đó, góp phần củng cố quốc phòng, an ninh.

Trong năm 2023, Bộ đội Biên phòng tỉnh Điện Biên đã tổ chức 1.618 ngày công giúp dân lao động sản xuất. Ảnh đơn vị cung cấp

Đồn Biên phòng tỉnh Điện Biên còn phối hợp với Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh Điện Biên và các đơn vị liên quan hỗ trợ bà con xây, sửa “mái ấm”. Ảnh đơn vị cung cấp

Trong năm 2023, Bộ đội Biên phòng tỉnh Điện Biên đã tổ chức 1.618 ngày công giúp dân lao động sản xuất; phối hợp làm và sửa 37km đường thôn, bản; tu sửa 15,5km kênh mương thủy lợi; thu hoạch và chăm sóc hoa màu 77,7ha. Đồng thời, phối hợp với các địa phương trồng rừng, khai hoang phục hóa 80ha; giúp dân sửa chữa và làm mới 52 căn nhà; giúp 321 hộ gia đình xóa đói, giảm nghèo.

Đại tá Nguyễn Thanh Dịu, Chính ủy Bộ đội Biên phòng tỉnh Điện Biên cho biết, thực hiện Chương trình “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương”, Đồn Biên phòng tỉnh còn phối hợp với Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh Điện Biên và các đơn vị liên quan hỗ trợ bà con xây, sửa “mái ấm”, tặng quà là vật phẩm, thuốc men, giống cây trồng, vật nuôi cho các hộ nghèo và học sinh các xã biên giới.

“Qua đó, khơi dậy tinh thần dân tộc, thi đua yêu nước của hội viên; ý chí tự vươn lên thoát nghèo, ổn định cuộc sống; tích cực tham gia xây dựng nông thôn mới; phát triển kinh tế-xã hội, củng cố vững chắc khối đại đoàn kết dân tộc. Bà con tích cực tham gia cùng Đồn Biên phòng trong quản lý bảo vệ biên giới vững mạnh” - Đại tá Nguyễn Thanh Dịu nhấn mạnh.

Bộ đội Biên phòng tuyên truyền cho nhân dân, đồng bào dân tộc về chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật Nhà nước. Ảnh đơn vị cung cấp

Giữ vững chủ quyền biên giới

Dù trong thời chiến cũng như thời bình, với bản lĩnh chính trị vững vàng, các cán bộ, chiến sĩ Bộ đội Biên phòng tỉnh Điện Biên đã vượt qua nhiều khó khăn, gian khổ, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Đại tá Nguyễn Thanh Dịu cho biết, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Điện Biên đã thực hiện nhiều hoạt động, phong trào để xây dựng và củng cố thế trận lòng dân ở khu vực biên giới theo phương châm “mỗi người dân là một cột mốc sống”. Trong đó, các đơn vị chú trọng triển khai phong trào “Toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia trong tình hình mới”; xây dựng và nhân rộng các mô hình tự quản.

Đến nay, trên khu vực biên giới của tỉnh Điện Biên, có hơn 80 tập thể và hơn 4.400 cá nhân đăng ký tự quản gần 409km đường biên giới và 146 mốc quốc giới; 302 tổ tự quản với 1.682 thành viên tự quản an ninh trật tự thôn, bản biên giới.

Đặc biệt, các chương trình, mô hình như “Nâng bước em tới trường”, “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương”, “Con nuôi Đồn Biên phòng”, “Chung sức xây dựng nông thôn mới”... được các đơn vị thực hiện hiệu quả đã tạo niềm tin trong nhân dân, thắt chặt tình đoàn kết quân dân.

Bộ đội Biên phòng tỉnh xây dựng kế hoạch sẵn sàng chiến đấu và bảo đảm an ninh, an toàn Lễ kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ.

Cùng với đó, phong trào “Kết nghĩa cụm dân cư hai bên biên giới” cũng được triển khai rộng khắp. Đến nay, các bên liên quan đã tổ chức kết nghĩa được 9 cặp cụm dân cư hai bên biên giới (tuyến Việt - Trung: 1 cặp xã - trấn; tuyến Việt - Lào: 8 cặp bản - bản) và đi vào hoạt động hiệu quả, góp phần tích cực vào việc xây dựng mối quan hệ đoàn kết, hữu nghị, xây dựng biên giới hòa bình, ổn định, hợp tác cùng phát triển với nước láng giềng.

Đại tá Phan Văn Hóa, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Điện Biên khẳng định: “Chúng tôi luôn luôn tâm niệm lời dạy của Bác Hồ là “dễ trăm lần không dân cũng chịu, khó vạn lần dân liệu cũng xong” để thực hiện các hoạt động. Chúng tôi không chỉ cùng đồng bào chú trọng tạo nền tảng củng cố thế trận Biên phòng toàn dân ngày càng vững chắc, mà còn góp phần nâng cao đời sống về cả vật chất lẫn tinh thần của người dân vùng biên”.

Những ngày này, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh đã xây dựng kế hoạch sẵn sàng chiến đấu và bảo đảm an ninh, an toàn Lễ kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024). Đồng thời, đơn vị triển khai đồng bộ các biện pháp quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia, nắm chắc tình hình mọi mặt, nêu cao tính chủ động, nhận định, đánh giá, dự báo sát, đúng tình hình nội, ngoại biên biên giới, không để bị động, bất ngờ trong mọi tình huống.

Đoàn công tác Hội Nhà báo thành phố Hà Nội làm việc với Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Điện Biên. Ảnh: Đình Hiệp

Đặc biệt, đơn vị đã lãnh đạo đẩy mạnh các hoạt động hưởng ứng kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ; tăng cường các biện pháp trinh sát phát hiện, phòng ngừa, ngăn chặn địch từ xa; nắm chắc tình hình trên không, biên giới, nội địa và các trang mạng xã hội, kịp thời ngăn chặn, làm thất bại âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch.

Với những việc làm cụ thể, thiết thực, hiệu quả, cán bộ, chiến sĩ Bộ đội Biên phòng tỉnh Điện Biên luôn là lực lượng nòng cốt trong phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và nhân dân, bảo vệ vững chắc chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, an ninh biên giới. Qua đó, góp phần xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị, ổn định, hợp tác và phát triển.

Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/la-chan-thep-bao-ve-bien-gioi-tay-bac-to-quoc-bai-cuoi-ba-bam-bon-cung-tang-suc-manh-bao-ve-to-quoc-664976.html