Ký ức tháng tư

Ông Nguyễn Bá Thuận (75 tuổi, hiện trú thôn Phụng Tường 2, xã Hòa Trị, huyện Phú Hòa) - người đã đưa 5 chị em bà Đào Thị Bích Thủy từ Khánh Hòa về Phú Yên. Ảnh: CTV

Hàng năm, cứ vào đầu tháng tư, tôi lại miên man nhớ ký ức đầy gian khổ và cũng là món nợ ân nghĩa đời người của tôi, một cô gái mới 16 tuổi phải dắt 4 đứa em đi bộ hơn 50 cây số để về với gia đình trên quãng đường còn nhiều dấu tích tang thương của cuộc chiến tranh vừa mới kết thúc.

Nỗi niềm đó canh cánh trong lòng, tôi thầm nguyện sao được một lần gặp lại người giúp mình để tỏ lòng biết ơn. Rồi một chiều gần đây, trong buổi hội ngộ bạn bè, tôi đã kể về câu chuyện của mình...

* * *

Những ngày cuối tháng 3/1975, diễn biến chiến tranh khép chặt dần, cha tôi gửi 5 chị em vào Cam Ranh ở tạm nhà người chú.

Vào Cam Ranh được 3 ngày thì được tin cha nhắn: Phú Yên đã giải phóng rồi, các con tìm cách trở về. Vậy là từ sớm tinh mơ, chị em tôi đón xe tải dân sự về Tuy Hòa, ra đến đèo Rọ Tượng thấy nhóm người có vũ khí chặn lại, tài xế không dừng nên bị bắn thủng lốp. Trong lúc hoảng loạn, có người quay ngược lại nhưng cũng có nhiều người tiếp tục đi bộ về quê. Và chị em tôi theo dòng người đi tới. Đoàn người đi cứ thưa dần, đến quá trưa về xế, các em tôi thấm mệt, tinh thần cũng không còn hăng hái như buổi sáng.

Ra tới Đại Lãnh thấy trời còn nắng, tôi cho các em dừng nghỉ chân, mua thức ăn tạm và nước ngọt cho các em uống dưỡng sức chuẩn bị qua đèo. Đi được hai phần của đèo, từng cơn gió biển thổi vào làm trời chiều trở lạnh, ánh nắng chỉ còn rọi ngoài biển, đường đi là bóng núi chạy dài. Nhìn các em càng lúc càng rã rời trong miễn cưỡng, tôi thấy nỗi buồn lo càng nặng trong lòng. Tới cua Đá Đen - chỗ ngoặt nguy hiểm nhất của đèo, nơi đường chòi ra sát vực sâu, bỗng cơn gió lạnh từ biển thổi mạnh vào mang theo bụi mưa làm không khí càng thêm lạnh. Nhiệt độ đột ngột hạ thấp khiến cậu em kề tôi vốn bị cảm nắng đã đuối sức, mặt bơ phờ, nhất định không chịu đi nữa. Tôi phải năn nỉ: Nếu em không đi thì tất cả phải ở lại với em, đêm nay chúng ta đành nhịn đói. Liệu chúng ta có thể chịu nổi cái lạnh của gió biển không? Chưa tính bọn cướp bắn người như lúc sáng mình đã thấy…

Hình như lúc đó trời cho tôi một sức mạnh tinh thần phi thường nên nước mắt không chảy ra ngoài, không làm suy sụp tinh thần các em; đầu óc chỉ mong mình gặp được một sự may mắn bất ngờ nào đó để vượt qua cảnh tiến thoái lưỡng nan giữa đèo khi hoàng hôn đã cận kề. Trong hiu quạnh, tôi nắm tay em gái út đi sát bên mình cho em khỏi sợ. Rồi như một phép nhiệm màu: Từ phía sau, một người đàn ông lớn tuổi chạy xe Honda 67, trên xe chở chiếc xe đạp, qua mặt chúng tôi, rồi dừng lại hỏi. Thì ra ông là chỗ thông gia với ba má tôi nên tận tình giúp đỡ bằng cách tháo chiếc xe đạp bỏ xuống, bảo:

- Hai đứa lớn đi xe đạp này, ba đứa nhỏ lên xe chú chở đi một đoạn để ngồi nghỉ tạm, chú sẽ quay lại đón các cháu.

Cứ vậy, chú chạy chừng 5-7 cây số thì bỏ các em nhỏ và bình xăng dự trữ xuống rồi quay lại cột xe đạp lên chở chị em tôi. Cuộc di chuyển con thoi của chú đến cầu Bàn Thạch thì vừa sẩm tối, chú nói:

- Đã đến xóm làng an toàn rồi, mà trời tối tới nơi. Vậy 2 cháu lớn vào trong kia tìm nhà xin ở trọ qua đêm, chú sẽ chở 3 đứa nhỏ về nhà giao cho ba má cháu và báo tin các cháu để anh chị yên tâm.

Chúng tôi men theo con đường đất nhỏ xuống hết dốc taluy quốc lộ thì thấy có ngôi nhà tranh và vào xin ngủ trọ qua đêm. Nhà chỉ có vợ chồng già trạc tuổi cha mẹ tôi, không thấy con cái. Chủ nhà đồng ý, sau khi nghe chúng tôi trình bày nỗi khổ đường xa. Thật may, ông bà là người rất nhân từ, họ nấu cơm nóng cho ăn, sau đó sắp xếp chỗ ngủ cho ngủ sớm. Cơn mỏi mệt đã làm cho chúng tôi ngủ mê man, khi nghe tiếng gà gáy, mở mắt và ra khỏi giường thì thấy ông đang ngồi uống trà bên ngọn đèn dầu, còn bà dưới bếp nói vọng lên: “Rửa mặt cho tỉnh táo đi, cơm cũng gần chín rồi, ăn cho vững bụng rồi về nhà sớm cho cha mẹ mừng, tội nghiệp quá!”. Ông liền nói tiếp theo: “Cơm chín thì cứ ăn cho nóng, nhưng phải chờ mặt trời lên cao, ngoài đường có nhiều người đi thì mình mới đi, không nôn gì…”.

Về đến nhà bình an, tôi kể lại hành trình từ Cam Ranh đến Tuy Hòa cho ba má nghe. Ba hỏi kỹ đường đi từ chân cầu và vị trí ngôi nhà trọ để ba tìm đến tận gia đình người ta cảm ơn theo cách của người lớn cho phải đạo...

* * *

Câu chuyện của tôi làm người nghe chăm chú từ đầu đến cuối. Khi hiểu được sự thiết tha gặp lại ân nhân của tôi, người anh Hòa Xuân mới gặp lần đầu vốn ít nói lập tức đáp lại: “Người cô cần gặp là cha mẹ tôi đó”, tôi mừng tột độ.

Anh cho địa chỉ và đường đi cụ thể rồi hẹn ngày đón và đưa về nhà mẹ anh, vì ngôi nhà năm xưa chỉ là nơi ở tạm và đã dỡ bỏ từ sau giải phóng để trả lại đất mượn.

Sau 45 năm xa cách, giờ gặp lại nhau, người phụ nữ năm xưa trẻ hơn tôi bây giờ nay đã thành bà cụ 85 tuổi, dù còn đi lại tốt nhưng trí nhớ giảm sút nhiều, phải cố gắng nhắc lại từng chi tiết nhỏ bà mới nhớ lần ra. Còn ông cụ qua đời đã lâu rồi. Tôi thành kính thắp nén hương cảm ơn ông và biếu bà món quà mang theo với một ít tiền, nhưng bà kiên quyết không nhận tiền: Già rồi, không cần tiền nữa, kèm theo nụ cười hom hem.

Tháng tư năm nay, cùng với niềm vui chung tỉnh Phú Yên kỷ niệm 45 năm hòa bình trên quê hương, riêng tôi cũng có thêm một niềm vui nữa khi đã trút được nỗi niềm mang nặng trong lòng mấy mươi năm nay.

ĐÀO THỊ BÍCH THỦY

Nguồn Phú Yên: http://www.baophuyen.com.vn/93/239269/ky-uc-thang-tu.html