Kỳ III: Tạo nguồn và giữ nguồn đảng viên sau xuất ngũ

PTĐT - Ngoài việc nâng cao chất lượng đầu vào tân binh, đối với đảng viên xuất ngũ trở về địa phương, các ngành, các cấp cần tuyên truyền, định hướng cho đảng viên xuất ngũ...

Cán bộ, chiến sĩ Lữ đoàn 168 - Quân khu 2 (đóng quân tại huyện Thanh Ba, tỉnh Phú Thọ) tìm hiểu, trao đổi thông tin hướng nghiệp, giới thiệu việc làm cho bộ đội xuất ngũ trên Báo Phú Thọ và Báo Quân đội nhân dân.

>>> Kỳ II: Những khó khăn, bất cập
>>> Kỳ I: Bản lĩnh người đảng viên - chiến sĩ
PTĐT - Ngoài việc nâng cao chất lượng đầu vào tân binh, đối với đảng viên xuất ngũ trở về địa phương, các ngành, các cấp cần tuyên truyền, định hướng cho đảng viên xuất ngũ học nghề để tham gia vào làm việc trong các doanh nghiệp tại khu, cụm công nghiệp, tạo nguồn để thành lập các tổ chức Đảng trong các khu, cụm công nghiệp, các doanh nghiệp. Đây cũng là một giải pháp hữu hiệu để đảng viên xuất ngũ có điều kiện tham gia sinh hoạt Đảng tại nơi làm việc được thuận lợi.

Trước thực trạng đảng viên xuất ngũ đi làm ăn xa dẫn đến một số đảng viên bị xóa tên, Ban CHQS huyện Tân Sơn đã tham mưu cho Huyện ủy sàng lọc tân binh ngay từ đầu vào bằng cách nâng cao trình độ học vấn đồng thời lựa chọn các tân binh ưu tú cử đi học lớp đối tượng bồi dưỡng kết nạp Đảng tại Trung tâm Chính trị huyện để tạo nguồn kết nạp Đảng cho đơn vị nhận quân. Trung tá Trần Văn Dũng, Chỉ huy trưởng Ban CHQS huyện Tân Sơn cho biết: Phát huy vai trò của lực lượng bộ đội xuất ngũ, nhất là lực lượng đảng viên trẻ được kết nạp trong quân ngũ khi về địa phương để họ trở thành lực lượng nòng cốt, hạt nhân ở cơ sở, chúng tôi đã xây dựng kế hoạch tham mưu cho Huyện ủy nâng cao chất lượng, trình độ của tân binh lên đường tuyển chọn nhập ngũ năm 2021 bằng cách lựa chọn trong số gần 200 tân binh lấy khoảng 40 tân binh là những thanh niên ưu tú cho đi học lớp đối tượng bồi dưỡng kết nạp Đảng.
Làm rõ hơn chủ trương này, Đại tá Nguyễn Minh Long, Chính ủy Bộ CHQS tỉnh cho rằng, việc tiếp tục làm tốt công tác tạo nguồn, phát triển đảng viên ngay từ trước khi nhập ngũ và phối hợp với đơn vị quản lý quân nhân làm tốt công tác phát triển Đảng trong các đơn vị quân đội là giải pháp hữu hiệu để giáo dục tư tưởng, đạo đức, bản lĩnh cho các tân binh và sử dụng, phát huy hơn nữa hiệu quả của đội ngũ đảng viên trẻ sau xuất ngũ.Đồng chí Nguyễn Xuân Thành, Bí thư Đảng ủy xã Trung Sơn, huyện Yên Lập thông tin: Từ năm 2015 đến nay, xã có 9 đảng viên xuất ngũ trở về địa phương. Các đảng viên đều là người dân tộc, hầu hết mới tốt nghiệp THCS, sau khi xuất ngũ, một số đảng viên đã đăng ký đi học lớp sĩ quan dự bị, tham gia nhiệt tình các chức danh mà cấp ủy phân công. Nhiều đồng chí còn đi học bổ túc văn hóa, sau đó thi vào đại học tại chức để tự hoàn thiện mình và được lựa chọn bố trí vào các chức danh Phó chỉ huy quân sự xã, Bí thư Chi bộ, trưởng khu dân, trưởng ban công tác mặt trận khu. Tôi nghĩ, nếu như ngay từ khi tuyển đầu vào, trình độ học vấn của tân binh được nâng lên thì trong quá trình huấn luyện, nhiều tân binh sẽ hoàn thành tốt nhiệm vụ, trở thành đảng viên trong quân ngũ, khi về địa phương sẽ là nguồn dự bị động viên, cán bộ kế cận tại những địa phương còn nhiều khó khăn.

Nhiều quân nhân xuất ngũ trở về địa phương đã trở thành hạt nhân ở cơ sở, góp phần tạo cầu nối, sự đồng thuận giữa cấp ủy, chính quyền và nhân dân trong phát triển kinh tế- xã hội, đảm bảo an ninh –quốc phòng, xây dựng quê hương ngày càng đổi mới.- Phút giải lao của lực lượng dân quân xã Phù Ninh, huyện Phù Ninh.

Đề cập đến giải pháp của địa phương, đồng chí Vũ Tiến Bắc, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Tân Sơn nêu ý kiến: Để khắc phục tình trạng đảng viên hoàn thành nghĩa vụ quân sự trở về địa phương vi phạm Điều lệ Đảng, bị xóa tên, cần có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị. Trước hết, cần thực hiện nghiêm túc quy trình tiếp nhận đảng viên xuất ngũ về địa phương, 100% đảng viên xuất ngũ của huyện Tân Sơn đều được gia nhập đơn vị dự bị động viên, đồng thời làm tốt công tác sắp xếp, giới thiệu sinh hoạt Đảng cho đảng viên là quân nhân xuất ngũ. Ngoài ra, huyện cũng chỉ đạo các cơ quan chuyên môn xây dựng đề án, đẩy mạnh tuyên truyền, định hướng nghề nghiệp cho các ĐVTN, đảng viên trẻ xuất ngũ học các nghề phi nông nghiệp và ưu tiên tuyển dụng vào làm việc tại các doanh nghiệp trong Cụm công nghiệp đang xây dựng của huyện, từ đó làm hạt nhân phát triển Đảng trong các doanh nghiệp theo đúng chủ trương, định hướng của Đảng và Nhà nước. Đại tá Nguyễn Minh Long, Chính ủy Bộ CHQS tỉnh khẳng định: Các địa phương cần quan tâm, chú trọng hơn nữa việc tiếp nhận, quản lý và giao nhiệm vụ cho đảng viên hoàn thành nghĩa vụ quân sự xuất ngũ trở về địa phương, tạo điều kiện cho mỗi đảng viên phát huy tốt vai trò trách nhiệm trong quá trình sinh hoạt, công tác tại địa phương. Bên cạnh đó, cần tạo điều kiện để đảng viên là quân nhân xuất ngũ được tiếp cận các nguồn vốn khởi nghiệp, được đào tạo nghề để phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống tại địa phương, đây cũng là giải pháp giải quyết được tình trạng ly hương rời Đảng hiện nay.Để đảng viên trẻ xuất ngũ gắn bó với địa phương, tham gia các hoạt động tại nơi cư trú, đồng chí Phùng Thị Hồng Chuyên, Phó Bí thư Tỉnh Đoàn bày tỏ quan điểm: Thời gian tới, cùng với làm tốt công tác đồng hành, hỗ trợ thanh niên sau xuất ngũ, đặc biệt là những đảng viên trẻ tham gia công tác xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền và lập thân, lập nghiệp tại địa phương, Tỉnh Đoàn sẽ phối hợp với Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh và các ngành liên quan tham mưu cho Tỉnh ủy xây dựng, triển khai mô hình Bí thư chi đoàn kiêm thôn đội trưởng để thực hiện chính sách hậu phương quân đội. Trong quá trình thực hiện bài viết này, từ những vấn đề đặt ra, chúng tôi cho rằng, Bộ CHQS tỉnh, Sở LĐTB&XH, Sở Nội vụ và các địa phương cũng cần làm tốt công tác tham mưu với Tỉnh ủy, UBND tỉnh chỉ đạo công tác dạy nghề, giới thiệu việc làm cho đối tượng là quân nhân hoàn thành nghĩa vụ quân sự, đặc biệt là đảng viên xuất ngũ trở về địa phương. Đặc biệt, phải có sự phối hợp đồng bộ giữa chính quyền địa phương, cơ quan quân sự với các cơ sở dạy nghề. Trong đó, chính quyền cơ sở phải thể hiện được vai trò kết nối với các doanh nghiệp, khảo sát, lập danh sách cụ thể bộ đội xuất ngũ chưa có việc làm ổn định để hỗ trợ. Các đơn vị quân đội cũng cần chú trọng bồi dưỡng, giáo dục chính trị, tư tưởng cho những quần chúng ưu tú để khi được đứng trong hàng ngũ của Đảng, họ sẵn sàng nhận và hoàn thành bất cứ nhiệm vụ nào mà Đảng giao phó khi tại ngũ cũng như khi xuất ngũ trở về địa phương. Đối với những đảng viên đi làm ăn xa nơi cư trú, cần hướng dẫn kỹ năng hoặc tạo điều kiện cho họ tham gia đóng góp ý kiến bằng văn bản gửi về chi bộ, tránh tình trạng phấn đấu được kết nạp Đảng trong quân ngũ nhưng lại xa rời Đảng, xa rời mục tiêu lý tưởng của Đảng khi rời quân ngũ trở về địa phương!

Đinh Vũ - Lê Thương

Nguồn Phú Thọ: http://baophutho.vn/chinh-tri/xay-dung-dang/202102/ky-iii-tao-nguon-va-giu-nguon-dang-vien-sau-xuat-ngu-175539