Kỳ 2: Lớp học đặc biệt
Đầu tháng 6, ở một số xã vùng xa của Bắc Hà (Lào Cai) đã diễn ra một lớp học đặc biệt: Học viên là những chủ homestay ở nhiều xã, cùng nhau học cách nấu ăn, bày biện những thực đơn khác nhau để phục vụ du khách.
Đầu tháng 6, ở một số xã vùng xa của Bắc Hà (Lào Cai) đã diễn ra một lớp học đặc biệt: Học viên là những chủ homestay ở nhiều xã, cùng nhau học cách nấu ăn, bày biện những thực đơn khác nhau để phục vụ du khách.
Đó là lớp tập huấn dạy nấu ăn của Trung tâm Phát triển kinh tế nông thôn (CRED) dành cho các các hộ kinh doanh homestay, kinh doanh lưu trú, làm du lịch hoặc chuẩn bị kinh doanh lưu trú, trong khuôn khổ dự án “Tăng cường sinh kế và vị thế của phụ nữ dân tộc thiểu số thông qua phát triển Du lịch cộng đồng tại huyện Bắc Hà".
Lớp học có 18 học viên tham gia, 95% là người dân tộc thiểu số. Lớp học này còn đặc biệt ở chỗ, có tới sáu cặp vợ chồng cùng tham gia học (bốn cặp người Tày và hai cặp người Mông). Toàn bộ chi phí cho lớp học kéo dài bốn ngày được đài thọ, bao gồm cả tiền ăn trưa. Đứng lớp là các chuyên gia về ẩm thực, du lịch chuyên nghiệp có hơn 20 năm kinh nghiệm và đạt giải cao trong các cuộc thi nấu ăn như: “Chiếc thìa vàng”, “Đấu trường ẩm thực”.
Vàng Thị Thông (homestay Hà – Thông, xã Bản Liền) vừa háo hức vừa có chút lo lắng, vì lớp học sẽ “di chuyển” qua một số homestay của chính các học viên, trong đó có ngôi nhà sàn của gia đình chị. Hai ngày đầu, lớp học đặt tại Đón homestay - thôn Na Kim, xã Tà Chải, ngày thứ ba tại So H'Mong homestay, thôn Bản Phố 2, xã Bản Phố và ngày cuối cùng tại homestay Hà – Thông, xã Bản Liền. Việc di chuyển này nhằm tạo sự đa dạng trong cách phục vụ tại các homestay, cũng như tạo điều kiện cho các học viên tham quan và học hỏi ngay tại các điểm homestay để rút kinh nghiệm cho chính cơ sở của mình.
Vàng Thị Thông (bên trái) đang sắp xếp một mâm cơm khách tại nhà mình. Ảnh: CRED
Thông mong có lớp học này từ lâu lắm rồi, để biết được cách chuẩn bị một bàn ăn “chuẩn” du lịch bài bản là như thế nào, và cũng lo vì không biết ngôi nhà của mình sửa sang lâu nay còn ngổn ngang vậy liệu có ổn trong mắt các học viên khác không.
Nội dung của lớp học hoàn toàn không giống với bất kỳ lớp tập huấn nào. Không chỉ được dạy cách nấu những món ăn phổ biến phục vụ du khách, mà các học viên còn được hướng dẫn cách sắp xếp một căn bếp hiệu quả, tính toán giá thành một bữa ăn hợp lý cho du khách, học cách pha chế đồ uống. Đặc biệt, các học viên được khuyến khích sử dụng các cây nhà lá vườn có sẵn, kể cả các loại có sẵn ngoài thiên nhiên như rau dớn rừng, rau đá (lấy ở khe suối), cà đắng, giảo cổ lam để tạo thành những món ăn đậm chất dân tộc tại Bắc Hà.
Kết thúc đợt tập huấn, có một cuộc thi tài nho nhỏ giữa các học viên, chia thành ba đội, kết hợp giữa các dân tộc trong cùng một đội để tạo sự đa dạng.
Những lớp học, khóa tập huấn như thế này đang dần lan tỏa ở nhiều vùng trên cả nước, đặc biệt là khu vực miền núi phía bắc. Ở Hòa Bình, khi Công ty CP du lịch Đà Bắc (Đà Bắc CBT) hỗ trợ một số hộ dân ở các xã Hiền Lương, Cao Sơn, Tiền Phong, Ngòi Hoa, Đá Bia (các huyện Đà Bắc và Tân Lạc), bà con dân tộc Dao, Mường, Thái ở đây cũng được huấn luyện đầy đủ về nghiệp vụ du lịch, buồng phòng, nấu ăn…
Chị Lý Sao Mai, điều phối viên du lịch cộng đồng và cũng là người dân sinh sống ở xóm Sưng (xã Cao Sơn, Đà Bắc) cho biết, bà con người Dao làm du lịch cộng đồng ở đây được các cán bộ CBT Đà Bắc mở lớp tập huấn về nấu ăn các món cho khách người Việt và khách nước ngoài hợp khẩu vị, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm. Các hộ làm homestay được học cách bài trí giường ngủ, giữ vệ sinh nhà cửa, và nhất là di dời toàn bộ chuồng trại ra khỏi khu vực nhà ở.
Ở xóm Đá Bia, nơi từng được giải thưởng ASEAN về du lịch cộng đồng thuộc huyện Đà Bắc, tỉnh Hòa Bình, khi dự án của CBT Đà Bắc tiếp cận người dân, có cả chuyên gia của Australia xuống sinh sống tại bản, vừa khảo sát, vừa tạo dựng mô hình, hướng dẫn bà con cách làm và cả tiêu chuẩn cụ thể của du lịch cộng đồng. Không chỉ được tập huấn về cách làm du lịch, người dân ở đây còn được chỉ dẫn cách giữ môi trường xanh, sạch, đẹp. Đá Bia là một trong những điểm du lịch cộng đồng hiếm hoi mà người dân ý thức tự phân loại và xử lý rác thải.
Nếu như nói việc tạo sinh kế cho bà con dân tộc thiểu số là cần câu, thì những lớp tập huấn về du lịch cộng đồng như thế này đang góp phần tạo ra những chiếc cần câu thật chắc chắn, hiệu quả cho bà con. Không chỉ giúp những người dân làm du lịch cộng đồng có kế sinh nhai, “chiếc cần câu” này còn giúp họ khai thác những giá trị từ vốn văn hóa truyền thống của dân tộc mình để đem giới thiệu tới du khách bốn phương.
Du lịch cộng đồng đang dần làm thay đổi nhiều điều ở những vùng đất xa xôi.
Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.com.vn/dien-dan-dulich/ky-2-lop-hoc-dac-biet-608594/