Kỳ 2: Để phát huy hơn nữa vai trò đảng viên xuất ngũ

Đảng viên là bộ đội xuất ngũ sau khi trở về địa phương đã tích cực tham gia sinh hoạt Đảng, góp sức xây dựng quê hương. Tuy nhiên, vì nhiều lý do một bộ phận đảng viên sau khi xuất ngũ đã bỏ sinh hoạt hoặc xin ra khỏi Đảng. Từ năm 2020 đến nay, toàn tỉnh đã phải tiến hành xóa tên 20 đảng viên xuất ngũ không còn đủ tư cách đứng trong hàng ngũ của Đảng; có 5 đảng viên xuất ngũ xin ra khỏi Đảng. Thực tế này cần được nhìn nhận nghiêm túc để có giải pháp tháo gỡ nhằm quản lý và sử dụng hiệu quả hơn nữa nguồn lực này.

Đồng chí Phạm Đức Nghĩa, Chỉ huy trưởng Ban CHQS xã Khánh Vân (Yên Khánh) gặp gỡ, trao đổi, tuyên truyền cho người dân về Luật Nghĩa vụ quân sự.

Từ năm 2020 đến nay, thành phố Tam Điệp có 13 đảng viên kết nạp trong quân ngũ trở về địa phương. Tuy nhiên, có tới 5 đảng viên bị xóa tên và 3 trường hợp xin ra khỏi Đảng. Qua tìm hiểu thực tế, được biết, hàng năm, trước khi bàn giao quân nhân xuất ngũ cho địa phương, các cơ quan chuyên môn của Ban CHQS thành phố đã tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương thực hiện tốt công tác quản lý, sử dụng đảng viên là bộ đội xuất ngũ, nhất là trong công tác tư vấn, giới thiệu việc làm và tạo điều kiện cho đội ngũ đảng viên xuất ngũ có điều kiện công tác tại các tổ chức đoàn thể ở địa phương. Mặc dù vậy, do đảng viên là quân nhân xuất ngũ tuổi đời còn trẻ, nhận thức về các hoạt động chính trị - xã hội còn hạn chế, điều kiện gia đình còn gặp nhiều khó khăn nên phải đi làm ăn xa… dẫn đến tình trạng có đảng viên bỏ sinh hoạt hoặc xin ra khỏi Đảng, gây ra nhiều hạn chế trong quản lý, sử dụng đảng viên xuất ngũ.

Đồng chí Lê Văn Tiến, Bí thư Chi bộ 2, phường Bắc Sơn (thành phố Tam Điệp) thông tin: Trong vòng 10 năm trở lại đây, Chi bộ có hai trường hợp đảng viên xuất ngũ về tham gia sinh hoạt tại chi bộ. Trong đó, có một đồng chí thời gian đầu tham gia sinh hoạt đều đặn ở địa phương nhưng vì chưa thấm nhuần ý thức, trách nhiệm của người đảng viên nên sau một thời gian đã tự ý thôi không tham gia sinh hoạt chi bộ. Một trường hợp còn lại, do điều kiện gia đình khó khăn nên đã đi xuất khẩu lao động và đã viết đơn xin ra khỏi Đảng. Cả hai trường hợp này hiện đi xuất khẩu lao động và chi bộ đã báo cáo cấp ủy có thẩm quyền xét, quyết định cho ra khỏi Đảng, làm thủ tục xóa tên trong danh sách đảng viên... Đây thực sự là điều đáng buồn.

"Quá trình xử lý đưa ra khỏi Đảng các trường hợp đảng viên xuất ngũ không còn đủ tư cách, chúng tôi cũng nhận thấy, ngoài nguyên nhân do các đảng viên đó chưa tự giác tu dưỡng, rèn luyện phẩm chất đạo đức, lối sống; năng lực, trình độ còn hạn chế, chưa tận tụy, trách nhiệm với công việc thì một phần vẫn còn do công tác kết nạp đảng viên có biểu hiện chạy theo số lượng, chưa coi trọng đúng mức chất lượng. Vì vậy, chúng tôi cho rằng, để khắc phục tình trạng đảng viên xuất ngũ không mặn mà với tổ chức Đảng thì khâu lựa chọn, giới thiệu những thanh niên trước khi lên đường nhập ngũ được đi học lớp cảm tình Đảng cũng cần phải đảm bảo chặt chẽ hơn, không vì thành tích, vì chỉ tiêu kết nạp mà bỏ qua chất lượng thanh niên" - Bí thư chi bộ Lê Văn Tiến kiến nghị.

Đồng tình với quan điểm này, Thượng tá Nguyễn Văn Dũng, Chính trị viên Ban CHQS thành phố Tam Điệp cho rằng bên cạnh việc rà soát, phát hiện, bồi dưỡng, sớm giới thiệu nguồn thanh niên ưu tú để Đảng xem xét kết nạp, các xã, phường cần chú trọng đảm bảo chất lượng, không vì chỉ tiêu kết nạp Đảng hàng năm mà xem nhẹ chất lượng. Mặt khác, để tận dụng, phát huy tốt hơn nữa nguồn nhân lực là đảng viên quân nhân xuất ngũ, ngoài sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền địa phương thì bản thân mỗi đảng viên xuất ngũ cần tự giác trau dồi kiến thức, nâng cao năng lực, trình độ để tìm cho mình một công việc phù hợp, bảo đảm được cuộc sống. Phải luôn nêu cao tính tiền phong, gương mẫu, phát huy những phẩm chất tốt đẹp của bộ đội Cụ Hồ để sẵn sàng vượt qua khó khăn, thử thách, hoàn thành tốt nhiệm vụ ở từng vị trí công việc.

Đại tá Tô Hà, Phó Chính ủy Bộ CHQS tỉnh cho biết: Thực tế, nhiều đảng viên nói chung, đảng viên xuất ngũ nói riêng, vì hoàn cảnh gia đình phải đi làm ăn xa hoặc đi làm công nhân tại các doanh nghiệp, nơi chưa có tổ chức Đảng gặp rất nhiều khó khăn trong việc duy trì tham gia sinh hoạt Đảng, dẫn tới tình trạng buộc phải xóa tên đảng viên khỏi danh sách đối với những đồng chí không thực hiện đúng quy định của Điều lệ Đảng; hoặc một số đảng viên do nhiều nguyên nhân khác nhau nên viết đơn xin ra khỏi Đảng... Do vậy, để phát huy tốt nguồn lực đảng viên xuất ngũ, trước tiên là phải giải quyết việc làm cho họ ngay tại địa phương; kế đến là cần có những chính sách hỗ trợ vốn, đào tạo nghề. Có như vậy mới giúp họ đảm bảo đời sống, tích cực tham gia phát triển kinh tế và gắn bó với tổ chức đảng. Đặc biệt là cần tiếp tục quan tâm giáo dục, rèn luyện và sử dụng hiệu quả để lực lượng này tiếp tục phát huy phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ, thực sự trở thành lực lượng nòng cốt trong tham gia xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở vững mạnh, phát triển kinh tế - xã hội; đồng thời cũng là lực lượng "truyền cảm hứng" cho các thế hệ thanh niên, nhất là những đảng viên trẻ có niềm tin son sắt, hăng hái lên đường thực hiện nghĩa vụ quân sự.

Bài, ảnh: Đinh Ngọc

Kỳ 1: Đảng viên xuất ngũ - nhân tố tích cực ở cơ sở

Nguồn Ninh Bình: https://baoninhbinh.org.vn/ky-2-de-phat-huy-hon-nua-vai-tro-dang-vien-xuat-ngu/d20221102082227293.htm