Doanh nghiệp chế biến thịt Việt Nam muốn tiến quân vào thị trường Halal

Để đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe của thị trường các nước Hồi giáo (Halal), ngành chăn nuôi trong nước cần phải cải thiện từ quy trình sản xuất, kiểm soát chất lượng đến việc đào tạo nhân lực chuyên môn.

Cơ hội tiếp cận thị trường Halal

Nằm trong chương trình Hội nghị thúc đẩy xuất khẩu động vật và sản phẩm động vật do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và UBND tỉnh Tây Ninh tổ chức, nhiều doanh nghiệp đã có ý kiến tâm huyết đề xuất giải pháp thúc đẩy xuất khẩu sản phẩm động vật nói riêng, nông nghiệp nói chung sang thị trường Halal.

Hội nghị Thúc đẩy xuất khẩu động vật và sản phẩm động vật.

Hội nghị Thúc đẩy xuất khẩu động vật và sản phẩm động vật.

Đại diện Công ty CPV Bình Phước, một trong những doanh nghiệp năng động trong việc xuất khẩu gia cầm chia sẻ, chỉ tính riêng trong năm 2023, doanh số xuất khẩu của nhà máy đã tăng hơn 3 lần so với năm 2021 và xuất khẩu đi các thị trường gồm Nhật, Hồng Kông, Lào, Campuchia…

Trong đó, các trang trại CPV Food Bình Phước được kiểm tra và giám sát chặt chẽ giữa cơ quan thú y nhà nước và cùng với sự kiểm tra chặt chẽ của công ty. Mỗi lô gà khi xuất trại đều được lấy mẫu ngẫu nhiên đảm bảo các chỉ tiêu cúm gia cầm, NDV, AI, Antibio, pesticide đạt theo yêu cầu tiêu chuẩn của chính phủ và các nước xuất khẩu để sản xuất và chế biến thành phẩm an toàn cho người tiêu dùng sử dụng.

Sau 3 năm hoạt động, nhà máy đạt được các chứng nhận như sau ISO 9001, ISO 22000, GFSI như BRC và FSSC. Hiện Công ty CPV Food Bình Phước cũng là một trong số ít doanh nghiệp trong ngành chăn nuôi đạt chứng nhận chuẩn Halal quốc tế.

Ngoài ra, các thị trường công ty đang xuất khẩu, thị trường hồi giáo Halal còn yêu cầu phải được cấp chứng nhận từ tổ chức Halal, về các thị trường EU, UK họ đòi hỏi thêm các yêu cầu về phúc lợi động vật được chính cơ quan tổ chức có uy tín trên thị trường cấp chứng nhận.

Công ty CPV Food Bình Phước là một trong số ít doanh nghiệp có sản phẩm chăn nuôi đạt chứng nhận Halal chuẩn quốc tế.

Công ty CPV Food Bình Phước là một trong số ít doanh nghiệp có sản phẩm chăn nuôi đạt chứng nhận Halal chuẩn quốc tế.

“Mỗi quốc gia đặt ra các tiêu chuẩn khác nhau nên quá trình đàm phán kéo dài, mất rất nhiều thời gian và cơ hội cho doanh nghiệp. Để sản phẩm đến với thị trường Halal, đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông, Cục thú y: Giới thiệu vùng an toàn dịch bệnh cúm gia cầm và Newcatle trên trang web Tổ chức Thú y thế giới (WOAH), xây dựng chỉ dẫn địa lý để các nước sớm chấp thuận thịt tươi đông lạnh. Tiếp tục đàm phán có kết quả đối với thị trường nhằm tối đa hóa sản phẩm theo nhu cầu thị trường…”, ông Nguyễn Văn Cảm nhấn mạnh.

Theo đại diện Tập đoàn De Heus, hiện đang phối hợp với các doanh nghiệp chăn nuôi và người chăn nuôi Việt Nam xây dựng chuỗi sản xuất gà thịt với mong muốn cung cấp cho thị trường trong nước, xuất khẩu những sản phẩm sạch, an toàn, có truy xuất nguồn gốc.

Chiến lược của De Heus trong thời gian tới sẽ đầu tư mạnh vào các cơ sở giết mổ và cơ sở chế biến bền vững trên toàn Việt Nam nhằm hoàn thiện chuỗi sản xuất gà thịt để hỗ trợ đầu ra cho người chăn nuôi.

Hiện tại, De Heus đã có nhà máy giết mổ ở miền Bắc, trong năm 2024 này Công ty sẽ đầu tư thêm nhà máy giết mổ, chế biến trong miền Nam và hướng đến mục tiêu xuất khẩu. Tập đoàn cũng đang tích cực phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông, các cơ quan chuyên môn, các tổ chức tư vấn xây dựng các tiêu chuẩn phù hợp với các nhà nhập khẩu.

Bên cạnh đó, tập đoàn cũng mong muốn xây dựng các giải pháp xuất khẩu thịt gà, các sản phẩm chế biến từ thịt gà, trứng gia cầm sang các nước Hồi giáo (thị trường Halal) và các thị trường tiềm năng khác.

Dự án khu chăn nuôi công nghệ cao DHN Tây Ninh.

Dự án khu chăn nuôi công nghệ cao DHN Tây Ninh.

Ông Rasmus Hansen, Giám đốc mảng Thực phẩm, De heus cho biết, đơn vị đã chuẩn bị ký văn bản hợp tác với 2 quốc gia Hồi giáo để xuất khẩu sản phẩm thịt gia cầm nhằm xuất khẩu các sản phẩm động vật mang tính bền vững. “Chúng tôi mong muốn chính phủ Việt Nam hỗ trợ tư vấn các yêu cầu thú y, an toàn thực phẩm, các tiêu chuẩn của các nước hướng tới xuất khẩu, đặc biệt các tiêu chuẩn của các nước Halal, cũng như hỗ trợ thông tin về các nước chấp nhận thịt gà xuất khẩu từ Việt Nam”, ông Rasmus Hansen kỳ vọng.

Khai thác, mở rộng đường xuất khẩu

Ông Trần Văn Tân Cương, Giám đốc Công ty Halal quốc gia Việt Nam cho biết, Công ty Halal Quốc gia Việt Nam hiện đang là văn phòng đại diện của các cơ quan chứng nhận Halal quốc tế đến từ các quốc gia có tiêu chuẩn Halal chặt chẽ, có uy tín quốc tế cao là IHC (văn phòng Dubai - UAE, được sự cho phép của SFDA - Arabia Saudi); BPJPH- Indonesia và sáp tới là JAKIM-Malaysia. Các sản phẩm được thông qua chứng nhận này có thể thông quan được các thị trường khó tính như Malaysia, Indonesia, Trung Đông...

Ông Cương cho biết thêm, với dân số hơn 2 tỷ người, thị trường Hồi giáo đang trở nên hấp dẫn hơn bao giờ hết. Do đó, ngành công nghiệp Halal đang là một trong những xu hướng mạnh mẽ trên thị trường thế giới.

Đối với thực phẩm, tiêu chuẩn Halal yêu cầu quá trình chuẩn bị thực phẩm Halal phải tuân theo các quy tắc Hồi giáo và tính toàn vẹn, an toàn và vệ sinh của sản phẩm được duy trì trong suốt chuỗi cung ứng chứ không đơn thuần chỉ là nguyên liệu đầu vào.

"Không có một tiêu chuẩn Halal thống nhất ở hơn 200 quốc gia có người Hồi giáo sinh sống trên thế giới. Nhiều quốc gia có đa số dân theo đạo Hồi dường như tuân theo các tiêu chuẩn Halal của họ và không nhất thiết phải tương thích với tiêu chuẩn Hồi giáo của các quốc gia khác.

Ví dụ, với bộ tiêu chuẩn MS 1500-2029 của JAKIM, sản phẩm chứng nhận sẽ chỉ vào được thị trường Malaysia, bộ tiêu chuẩn HAS 23000 chỉ vào được thị trường Indonesia, bộ tiêu chuẩn GSO 2055-1 do SFDA công bố sẽ đi vào được các nước Trung Đông. Nếu doanh nghiệp muốn đảm bảo hàng hóa thông quan với các quốc gia còn lại có người Hồi giáo thì cần làm hai chứng nhận đồng thời là HAS và GSO", ông Cương lưu ý.

Đối với doanh nghiệp chăn nuôi và chế biến thịt động vật thì phải chú ý các qui trình tiêu chuẩn từ Farm đến Feed. Ví dụ, với các doanh nghiệp chế biến thức ăn chăn nuôi thì quá trình mua, chế biến, đưa các thành phần tham gia vào sản xuất thì phải chú ý tránh nhập các thành phần có tính chất cấm kỵ đối với người đạo Hồi như máu huyết động vật, các nguyên liệu có nguồn gốc dẫn xuất từ con lợn...

Hạn chế lớn nhất của Việt Nam trong việc thâm nhập thị trường Halal là tỷ lệ người theo đạo Hồi rất thấp và rất ít người trong số đó được đào tạo về quy trình chứng nhận Halal. Tuy nhiên, điều đó không đồng nghĩa với việc Việt Nam không có cơ hội để khai thác thị trường này.

“Điều kiện quan trọng nhất là các quốc gia và doanh nghiệp nhận thức rõ tầm quan trọng và khả năng đóng góp của ngành công nghiệp Halal vào doanh thu của quốc gia. Từ đó, tăng cường hoạt động đào tạo, xúc tiến đầu tư, đàm phán để khơi thông nông sản Việt cũng như các ngành khác vào thị trường giàu tiềm năng này”, ông Trần Văn Tân Cương chia sẻ.

Doanh nghiệp Việt nhận chứng nhận Halal quốc tế cho sản phẩm đạt chuẩn.

Doanh nghiệp Việt nhận chứng nhận Halal quốc tế cho sản phẩm đạt chuẩn.

Tại hội nghị, ông Nguyễn Văn Long, Cục trưởng Cục Thú y cho biết, Saudi Arabia và Việt Nam đã xây dựng mối quan hệ bền chặt, trở thành những đối tác khu vực quan trọng của nhau. Saudi Arabia là một trong những đối tác kinh tế quan trọng hàng đầu của Việt Nam tại Trung Đông.

Theo đề nghị của doanh nghiệp, Cục Thú y đã liên hệ với Cơ quan thẩm quyền Arab Saudi, Nigeria đề nghị cung cấp yêu cầu, quy trình để đàm phán xuất khẩu sản phẩm Halal. Kết quả, Bộ Công nghiệp, Thương mại và Đầu tư của Nigeria đang phối hợp với các cơ quan có thẩm quyền liên quan để xây dựng lộ trình, quy trình chứng nhận Halal ở Nigeria và sẽ chia sẻ cho Cục Thú y các thông tin liên quan sau khi hoàn thành.

Nguyễn Linh

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/doanh-nghiep-che-bien-thit-viet-nam-muon-tien-quan-vao-thi-truong-halal-d215608.html